Monday, December 23, 2024
Trang chủĐiểm tinThiếu tiền, Malaysia sắm loạt vũ khí TQ

Thiếu tiền, Malaysia sắm loạt vũ khí TQ

Malaysia là nước có nền kinh tế đứng thứ ba Đông Nam Á, nhưng ngân sách quốc phòng lại đứng sau Singapore, Indonesia, Thái Lan. Quân đội Malaysia đang mong muốn được trang bị máy bay giám sát mới, tàu hải quân mới, nhưng ngân sách chi tiêu quốc phòng lại đang bị siết chặt.

Tên lửa Trung Quốc nằm trong kế hoạch mua sắm quốc phòng của Malaysia. Ảnh: SCMP

Vũ khí Trung Quốc là hướng tiếp cận hấp dẫn đối với chính phủ của Thủ tướng Najib Razak và có thể tạo ra một chiều hướng mới cho mối quan hệ kinh tế đang phát triển nhanh giữa hai nước.

Một số chuyên gia ngành công nghiệp dự đoán, cách giải quyết vấn đề ngân sách hẹn hẹp là tăng cường mua sắm từ các nhà cung cấp vũ khí từ Bắc Kinh. Triển vọng này cho thấy Malaysia đang trở thành một trong những khách hàng tiềm năng của Trung Quốc trước mắt và lâu dài.

Các nhà quan sát cho biết, đối với các nhà sản xuất vũ khí của Trung Quốc, viễn cảnh về sự bành trướng của doanh nghiệp Malaysia có thể sẽ được hoan nghênh bằng việc Malaysia mua vũ khí của Trung Quốc, thay vì các hợp đồng mua bán vũ khí truyền thống với các nước phương Tây hoặc Nga.

Các chuyên gia Trung Quốc đến thăm Kuala Lumpur đã đưa ra dự đoán về việc mua sắm vũ khí của Trung Quốc vào tuần trước sau khi hai báo cáo đưa ra lời kêu gọi bán các thiết bị phóng tên lửa tiên tiến và một hệ thống radar để triển khai ở mũi phía Nam của nước này giáp biên giới với Singapore.

Bộ Quốc phòng Malaysia bác bỏ các báo cáo này, nhưng một số nguồn tin khẳng định thỏa thuận cuối cùng có thể được thực hiện dưới một hình thức nào đó, mặc dù quy mô và mục đích mua sắm có thể vẫn chưa rõ ràng.

Năm ngoái, Malaysia đã ký thỏa thuận trị giá 1,7 tỷ ringit để mua 4 tàu tuần tra ven biển do Công ty Đóng tàu Trung Quốc (CSOC) và Nhà máy đóng tàu biển Boustead của Malaysia liên kết đóng. Đây là hợp đồng quốc phòng đầu tiên giữa hai nước.

Ông Collin Koh, một nhà nghiên cứu quân đội tại Singapore cho biết, có lý do để phỏng đoán một số cuộc thảo luận về vụ mua bán tên lửa giữa Malaysia và Trung Quốc.

Li Jie, một nhà nghiên cứu cao cấp của Viện Nghiên cứu Quân sự Hải quân ở Bắc Kinh cho biết: “Cũng giống như giúp đỡ Pakistan, Trung Quốc cũng sẵn sàng giúp đỡ các nước Đông Nam Á – đặc biệt là những nước có quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc – để cải thiện sức mạnh phòng thủ của họ”.

Xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc năm ngoái thấp hơn so với Mỹ và Nga, nhưng vẫn tăng trưởng tới 74% trong giai đoạn 2012 – 2016. Viện Nghiên cứu Hoà bình Quốc tế Stockholm tháng 2 cho biết, Trung Quốc đã bán 2,1 tỷ USD vũ khí vào năm 2016, trong khi đó Mỹ bán được 9,9 tỷ USD.

Theo các chuyên gia, tăng xuất khẩu quân sự của Trung Quốc sang Malaysia sẽ tạo ra một chiều hướng mới cho mối quan hệ kinh tế đang phát triển nhanh giữa hai nước.

Quan hệ song phương tiếp tục củng cố sau khi Thủ tướng Malaysia Najib trở về từ một hội nghị thượng đỉnh song phương ở Bắc Kinh vào tháng 11 năm ngoái với khoảng 34 tỷ USD cho các hợp đồng đầu tư của Trung Quốc vào Malaysia.

Citi Research ước tính rằng, các quỹ Trung Quốc đổ vào các dự án đường sắt và cảng của Malaysia sẽ đạt khoảng 400 tỷ Ringgit trong hai thập kỷ tới.

Ông Koh nói: “Bắc Kinh sẽ tìm cách đưa ra một loạt các vũ khí cho Malaysia nhằm thúc đẩy quan hệ quốc phòng và an ninh với Malaysia.”

Ngân sách quốc phòng của Malaysia từ thời Thủ tướng Najib, người vốn là Bộ trưởng Tài chính, liên tục bị siết. Nếu như ngân sách quốc phòng của Malaysia năm trước là 17,7 tỷ ringit thì năm nay chỉ còn 15,1 tỷ ringit (tương đương 3,6 tỷ USD), chỉ bằng 1/3 so với cường quốc khu vực là Singapore (10 tỷ USD) và thấp hơn Indonesia (8,2 tỷ USD).

Jon Grevatt, một nhà phân tích quốc phòng tại Bangkok, Thái Lan cho biết, ngoài việc tiết kiệm chi phí, những cân nhắc chiến lược cũng sẽ được giải quyết trong bất kỳ quyết định mua vũ khí nào của Trung Quốc.

Ông Jon cho biết, Kuala Lumpur dường như không muốn từ bỏ ngay việc mua sắm quốc phòng từ các nước phương Tây. Trong số các đơn mua hàng quốc phòng lớn nhất của Malaysia có hai tàu ngầm lớp Scorpene do nhà cung cấp hải quân DCNS của Pháp chế tạo vào những năm 2000.

Ngay cả khi tình trạng kinh tế đất nước ảm đạm, quân đội Malaysia vẫn công bố những tham vọng hiện đại hóa của mình. Hải quân Malaysia đang thúc đẩy kế hoạch thay thế hạm đội tàu mới và cho nghỉ hưu toàn bộ 50 chiếc tàu hải quân đang hoạt động hiện nay.

Không quân Malaysia cũng muốn tăng cường khả năng giám sát trên không để đáp ứng mối đe dọa đang gia tăng từ các chiến binh Hồi giáo đang tìm kiếm những nơi trú ẩn an toàn ở Đông Nam Á. Bộ trưởng Quốc phòng Hishammuddin Hussein tuần trước cho biết quân đội đang xem xét mua máy bay tuần tiễu P-3 Orion đã qua sử dụng của Nhật Bản.

RELATED ARTICLES

Tin mới