Monday, November 18, 2024
Trang chủĐàm luậnBhutan đang ngả theo TQ

Bhutan đang ngả theo TQ

Những diễn biến gần đây liên quan đến cuộc khủng hoảng tại Doklam khiến nhiều người Bhutan không hài lòng với sự can thiệp ngày càng tăng của Ấn Độ. Bhutan nghi ngờ Ấn Độ tìm cách ngăn chặn nước này thiết lập quan hệ ngoại giao và mở rộng thương mại với Bắc Kinh. Điều này có thể gây ảnh hưởng xấu đến những lợi ích chiến lược mà Bhutan mang lại cho New Delhi.

Căng thẳng leo thang trên khu vực cao nguyên Doklam cùng với tham vọng và chủ nghĩa quốc gia có thể kéo Trung Quốc và Ấn Độ vào một cuộc chiến tranh, lặp lại những ký ức đẫm máu của cuộc chiến biên giới 1962.

Với sức mạnh quân sự hiện tại của cả Trung Quốc và Ấn Độ, hậu quả chiến tranh chắc chắn sẽ tàn khốc hơn quá khứ. Cuộc khủng hoảng trên cao nguyên Doklam – khu vực tranh chấp giữa Bhutan và Trung Quốc – đã bước sang tháng thứ hai và hàng trăm binh sĩ Ấn – Trung được cho là đang đối đầu tại khu vực có tầm quan trọng chiến lược này.

Căng thẳng nổ ra vào đầu hè này khi Trung Quốc bắt đầu xây dựng một con đường xuyên qua cao nguyên Doklam nhưng gặp phải sự ngăn chặn của Ấn Độ. New Delhi cáo buộc Bắc Kinh mở rộng tuyến đường nhằm bành trướng vùng lãnh thổ kiểm soát. Cao nguyên Doklam rất quan trọng bởi nó nhìn xuống một thung lũng hẹp của Ấn Độ (gọi là “cổ gà”) và nối các bang Đông Bắc Ấn Độ với phần còn lại của đất nước.

Ấn Độ tuyên bố thay mặt Bhutan, với dân số 800.000 người, để ngăn chặn Trung Quốc. Tuy nhiên, sự can thiệp của Ấn Độ lại không được người dân Bhutan chào đón. Theo báo New York Times, nhiều người Bhutan cảm thấy “ngột ngạt” trước hành động bảo hộ của Ấn Độ.

“Nếu chiến tranh giữa Ấn Độ và Trung Quốc nổ ra, chúng tôi sẽ như miếng thịt bị kẹp trong ổ bánh mì” – ông Pema Gyamtsho, thủ lĩnh phe đối lập tại Quốc hội Bhutan, khẳng định.

Trong nhiều thập niên, Bhutan chọn Ấn Độ. Hơn 50 năm trước, Bhutan lo ngại khi Trung Quốc kiểm soát Tây Tạng. New Delhi khi ấy đề nghị bảo vệ Bhutan và đã được đồng ý.

Kể từ khi ký kết hiệp ước hữu nghị với Ấn Độ vào năm 1949, năng lực quốc phòng của Bhutan phần lớn phụ thuộc vào Ấn Độ. Đến thời điểm hiện tại, Ấn Độ vẫn huấn luyện và trả lương cho Quân đội Hoàng gia Bhutan.

Tuy nhiên, những diễn biến gần đây liên quan đến cuộc khủng hoảng tại Doklam khiến nhiều người Bhutan không hài lòng với sự can thiệp ngày càng tăng của Ấn Độ. Cụ thể, nhiều người nghi ngờ rằng Ấn Độ tìm cách ngăn chặn Bhutan thiết lập quan hệ ngoại giao và mở rộng thương mại với Bắc Kinh vì lo ngại điều này có thể gây ảnh hưởng xấu đến những lợi ích chiến lược mà Bhutan mang lại cho New Delhi.

Xin độc giả lưu ý, cho đến nay Bhutan là quốc gia láng giềng duy nhất của Trung Quốc mà Bắc Kinh không có quan hệ ngoại giao, mặc dù hai nước đã tổ chức tới 24 vòng đàm phán về vấn đề biên giới. Khu vực Doklam không chỉ là nơi duy nhất mà hai nước có tranh chấp, nhưng đây là nơi rất quan trọng với Ấn Độ, được coi là cửa ngõ dẫn vào hành lang Siliguri.

Mười hai năm trước, năm 2005, Bhutan đã tìm cách trì hoãn sự “chỉ đạo” từ New Delhi để tổ chức đàm phán với Trung Quốc. Một số nguồn tin từng cho rằng có khả năng Trung Quốc đã đề nghị một giải pháp, theo đó Bhutan nhượng bộ trong vấn đề Doklam để đổi lại những khu vực lãnh thổ rộng lớn hơn ở phía Bắc và phía Đông của nước này, nơi có những khu vực tranh chấp giữa Bhutan và Trung Quốc.

Dù cuộc đàm phán đó hiếm khi được nhắc tới và được kiểm soát cẩn thận giữa Ấn Độ và Bhutan sau này, song nó cho thấy vai trò quan trọng của Bhutan trong cuộc đối đầu giữa hai cường quốc. Do vậy, nhiều chuyên gia cho rằng quyết định xây dựng đường dẫn tới Doklam của Trung Quốc có thể chỉ là đòn thử của Bắc Kinh về mối quan hệ đối tác đặc biệt giữa New Delhi và Thimphu.

“Bhutan được toàn quyền quyết định những vấn đề liên quan đến lãnh thổ. Đó là mấu chốt vấn đề. Chúng tôi được quyền sống cuộc sống chúng tôi muốn. Chúng tôi được quyền thiết lập quan hệ ngoại giao chúng tôi muốn” – ông Wangcha Sangey, người đứng đầu Phòng Thương mại và Công nghiệp Bhutan, khẳng định.

Khi Ấn Độ điều binh lính vượt qua biên giới Bhutan vào hôm 16-6, nhiều khả năng New Delhi không hành động theo yêu cầu của Bhutan, theo The New York Times. Mặc dù lên tiếng chỉ trích công cuộc làm đường của Trung Quốc, Bhutan không đả động đến vấn đề liệu quốc gia này có nhờ Ấn Độ can thiệp hay không. Trong khi đó, chính phủ Ấn Độ cũng né tránh câu hỏi này.

Nhà chức trách Bhutan hiện vẫn giữ im lặng để tránh rủi ro làm phật lòng Ấn Độ lẫn Trung Quốc. Thậm chí, cả Bộ Ngoại giao Bhutan và Thủ tướng Tshering Tobgay đều không bình luận gì. Hôm 11-8, Bộ trưởng Ngoại giao Bhutan Damcho Dorji chỉ nói chung chung rằng ông mong tình hình sẽ được giải quyết một cách “hòa bình và thân thiện”.

Sau nhiều thập niên nghiêng mình về phía nam, Bhutan bắt đầu hướng về phía Trung Quốc và mong muốn cải thiện quan hệ với Bắc Kinh vì những lợi ích về mặt kinh tế.

Việc cao nguyên Doklam bị phong tỏa khiến giao thương giữa Bhutan và các thị trấn Tây Tạng (bên kia biên giới Trung Quốc) bị tắc nghẽn. Với vương quốc có bình quân thu nhập đầu người đạt 2.751 USD vào năm ngoái, thương mại là kế mưu sinh đắc lợi. Nhiều năm nay, thương nhân Bhutan cưỡi ngựa hoặc đi bộ qua biên giới bán các loại thảo dược, bao gồm cordyceps (còn có tên viagra Himalaya) và trở về với hàng điện tử, thảm, lụa, quần áo…

Nhiều người Bhutan cho biết rằng họ lo ngại về hành động của Ấn Độ hơn là của Trung Quốc. Một số người chia sẻ rằng hành động của Ấn Độ đã gây ảnh hưởng xấu đến các cuộc đàm phán biên giới với Trung Quốc có thể mang lại các mối quan hệ kinh tế có lợi cho Bhutan.

RELATED ARTICLES

Tin mới