Monday, November 18, 2024
Trang chủĐàm luậnCách tiếp cận tư bản kiểu TQ

Cách tiếp cận tư bản kiểu TQ

Trong chiến lược “Một vành đai, một cong đường”, Trung Quốc có kế hoạch đặt các cảng chiến lược, các công trình hạ tầng trọng yếu khác dưới sự kiểm soát của họ. Đáng chú ý về cục diện châu Á – Thái Bình Dương nói riêng và toàn cầu nói chung, với sự trỗi dậy của Trung Quốc, nhất là về kinh tế và quân sự.

Một định hướng mới được thiết lập

Trung Quốc là nước đang tìm cách thay đổi hiện trạng. Bắc Kinh đã nhanh chóng tăng cường sức mạnh của họ bằng cách tận dụng lợi thế của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới nên đã duy trì một chiến lược mở rộng ảnh hưởng hai hướng. Về phía Tây, Trung Quốc mở rộng quyền thống trị thông qua “một vành đai, một con đường”, về phía Đông họ đang gia tăng sức ép lên Hoa Kỳ để “chia đôi Thái Bình Dương”.

Trung Quốc đã gây ra căng thẳng ở nhiều nơi, bao gồm: quần đảo Senkaku còn gọi là Điếu Ngư ở biển Hoa Đông; quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) trên Biển Đông. Những vị trí này hợp với chiến lược hai hướng chính của Bắc Kinh.

Vào năm 2013 ông Tập Cận Bình tung ra sáng kiến “một vành đai, một con đường”. Mục đích chính của “sáng kiến” này theo tuyên bố của Bắc Kinh là: tạo điều kiện cho các quốc gia trên trục kết nối có thể hội nhập, thông qua các dự án phát triển cơ sở hạ tầng để cải thiện hệ thống đường sắt, đường bộ và cảng khẩu tại các nước này.

Khái niệm “Vành đai” dùng để chỉ con đường tơ lụa trước đây kết nối Trung Quốc với Trung Á và châu Âu, trong khi “con đường” đề cập đến con đường tơ lụa mới trên biển đến châu Phi thông qua Indonesia và các quốc gia ven Ấn Độ Dương.

Đáng lưu ý, Trung Quốc muốn mở rộng phạm vi kiểm soát của họ bằng sức mạnh kinh tế và quân sự to lớn. Tuy nhiên, Bắc Kinh không chủ trương đề cập đến các vấn đề như: tự do, dân chủ, pháp quyền hoặc tôn trọng quyền con người. Bành trướng trên biển có thể được coi là một trong những hành động của Trung Quốc củng cố “một vành đai, một con đường”.

Để làm được điều đó, trong những năm qua, Trung Quốc liên tục củng cố và hiện đại hóa lực lượng hải quân, không quân, sẵn sàng đối mặt với Hoa Kỳ. Các dự án đóng mới nhiều tàu sân bay và tàu ngầm mà Trung Quốc đang triển khai thu hút sự chú ý đặc biệt của thế giới.

Trung Quốc đang chứng minh muốn thiết lập sự hiện diện của hải quân ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Quốc gia này hầu như đang tìm cách “chia đôi Thái Bình Dương” với người Mỹ, một tham vọng to lớn chưa từng thấy. Do đó, Bắc Kinh sẽ tiếp tục tập trung vào các tuyến hàng hải qua lại Thái Bình Dương trong thời gian tới.

Cách tiếp cận tư bản kiểu Trung Quốc

Theo các nhà nghiên cứu, trong những thập kỷ gần đây, Trung Quốc đã đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng thông qua cái gọi là “chủ nghĩa tư bản nhà nước”. Cách tiếp cận tư bản kiểu Trung Quốc đã được thực hiện, thay vì kinh tế kế hoạch hóa tập trung, Trung Quốc để một số người làm giàu trước để làm đầu tàu kéo Trung Quốc tới bến thịnh vượng.

Để đạt được mục đích không thể không nghĩ đến mặt trái của chính sách phát triển này là mở rộng khoảng cách giàu nghèo, tăng số lượng người bị thất nghiệp. Để làm dịu sự bất mãn của dân chúng, các nhà lãnh đạo Trung Quốc buộc phải duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Các doanh nghiệp nhà nước đã đóng vai trò chi phối trong việc giúp đạt được mục tiêu quốc gia này.

Tuy nhiên, xu hướng giảm phát của nền kinh tế toàn cầu và yêu cầu tăng lương ở Trung Quốc chắc chắn sẽ làm chậm lại sự tăng trưởng kinh tế.

Hiện tại, Trung Quốc đã bị mắc kẹt trong một vòng luẩn quẩn, để cho các doanh nghiệp nhà nước tăng sản lượng theo kế hoạch của chính phủ, bất chấp hàng tồn kho và dư thừa lao động trong các tập đoàn.

Đích đến “Một vành đai, một con đường”

Về kinh tế, “Một vành đai, một con đường” nhằm giải quyết hàng tồn kho và lực lượng lao động dư thừa ra khỏi biên giới theo các dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng ở nước ngoài.

Về mặt chiến lược với “Một vành đai, một con đường” sẽkiểm soát các vị trí trọng yếu bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc thông qua các dự án. Về lâu dài các dự án này sẽ không mang lại lợi ích cho các nước sở tại – các quốc gia tiếp nhận nó, cho dù là xây dựng đường sắt, đường bộ hay cảng khẩu.

Một điều phải nhìn nhận ra là phần lớn những khoản đầu tư này sẽ kết thúc bằng những khoản nợ Trung Quốc mà các nước không thể trả được.

Chính phủ Trung Quốc có kế hoạch cung cấp tài chính cho các nước tiếp cận “một vành đai, một con đường” bằng cách kết hợp các khoản vay và nguồn vốn của họ tại Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) mà Trung Quốc sáng lập và điều khiển.

Tuy nhiên Trung Quốc có kế hoạch đặt các cảng chiến lược, các công trình hạ tầng trọng yếu khác dưới sự kiểm soát của họ như là “tài sản thế chấp” trong trường hợp các nước mục tiêu của “sáng kiến” này không thể trả nợ. Lúc này ai cũng hiểu ra “một vành đai, một con đường” chính là một hình thức của chủ nghĩa thực dân kiểu mới thế kỷ 21

Xét những hạn chế liên quan đến chương trình cho vay của Trung Quốc, các xung đột sẽ xảy ra giữa Bắc Kinh với chính phủ và người dân các nước trong chương trình “một vành đai, một con đường”. Chúng có thể phát triển thành các vấn đề quốc tế.

Tóm lại, “một vành đai, một con đường” đang làm thay đổi các vấn đề xã hội tại quốc gia này và nó đang dần chuyển sang các nước khác.

“Một vành đai, một con đường” với các nước trên trục kết nối

Theo các nhà nghiên cứu, Quan hệ Trung Quốc – Campuchia còn là khó hiểu. Ngoài các yếu tố địa chính trị, tầm nhìn rộng lớn và mơ hồ của Bắc Kinh trong “một vành đai, một con đường” về hợp tác và phát triển đã giúp Thủ tướng Hun Sen và đảng cầm quyền “thưởng thức sự bảo trợ” của Trung Quốc.

Khác với các định chế tài chính quốc tế, các ngân hàng và các nhà phát triển dự án Trung Quốc có thể đáp ứng các nhu cầu phát triển lớn tại đất nước Chùa tháp mà không đòi hỏi các điều kiện khác đi kèm. Campuchia đang thiếu năng lượng, giá điện tại quốc gia này khá cao. Để khắc phục điều này, Trung Quốc đã đầu tư mạnh vào xây dựng hệ thống các đập thủy điện tại Campuchia.

Trung Quốc cung cấp toàn bộ nguồn tài chính thực hiện tất cả dự án thủy điện tại Campuchia. Đã xây dựng 6 con đập, trong khi con đập thứ 7 đang được thi công. Hệ thống giao thông của Campuchia đang phát triển, ước tính cần tới 9 tỉ USD cho 850 km đường cao tốc, đường bộ vào năm 2020.

Trung Quốc đã đáp ứng một phần nhu cầu này với cam kết 2 tỉ USD vốn vay ưu đãi. Bên cạnh đó Trung Quốc viện trợ cho Campuchia 200 triệu USD xây dựng 6 cây cầu. Cây cầu thứ bảy dự kiến hoàn thành vào cuối năm nay với kinh phí 20 triệu USD. Sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc tại Campuchia trên khắp các lĩnh vực đã khiến nhiều người dân bản địa cảnh giác.

Điều này buộc Campuchia phải thể hiện sự ủng hộ đối với Trung Quốc. Họ làm điều này bằng các cách khác nhau, như: sử dụng tâm lý bài Việt trong một bộ phận người Campuchia đã được các thế lực chính trị sử dụng như một mánh khóe và tập trung nhiều vào đối tượng người Việt Nam nhập cư.

Đồng thời, chính phủ Campuchia khẳng định những đóng góp của Trung Quốc, đặc biệt là về kinh tế, rót vốn đúng vào những nơi cần, phù hợp với nhu cầu phát triển của các địa phương.

Thêm nữa, chính phủ nước này đã cho phép báo chí chính thống thỉnh thoảng đưa tin về các hoạt động “bóc lột công nhân Campuchia” của các nhà máy Trung Quốc, hay các doanh nghiệp Trung Quốc coi thường các quy định của địa phương. Bằng cách này, họ có thể công khai chứng minh tính “trung lập” của mình với Trung Quốc.

Đôi khi đây cũng là hành động cố gắng cân bằng một cách vụng về và có thể phản tác dụng.

Mặc dù người Campuchia thích sự hiện diện của Nhật Bản hoặc Hàn Quốc hơn, nhưng các nhà cầm quyền tại quốc gia này hào hứng chào đón tiền đầu tư từ Trung Quốc.

Về khía cạnh khác, nguy cơ đặt ra đối với Campuchia là tệ nạn tham nhũng và khai thác cạn kiệt tài nguyên đi cùng với các sảm phẩm kém chất lượng từ Trung Quốc có thể dấy lên các luồng dư luận phản đối từ địa phương.

Tình trạng các doanh nhân Trung Quốc dùng tiền tìm gặp thẳng các quan chức quân đội, thay vì làm việc theo “quy trình” với hệ thống công vụ, hành chính quan liêu của Campuchia.

Những nghiên cứu về “một vành đai, một con đường” nói riêng, chính sách đối ngoại của Trung Quốc và các siêu cường nói chung rất quan trọng, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam cũng là một quốc gia mục tiêu mà “một vành đai, một con đường” đang nhắm tới.

Trước “sáng kiến” của Trung Quốc, một điều đáng quan tâm là bài học từ Singapore, Quốc đảo này đã chủ động xây dựng hệ thống “phòng dịch” với các ý đồ xuất khẩu công nghiệp và lao động dư thừa kết hợp chiến lược thôn tính các cảng khẩu, địa bàn trọng yếu đội lốt các dự án cho vay ưu đãi phát triển cơ sở hạ tầng của Trung Quốc.

Các nước nằm trên trục kết nối “một vành đai, một con đường” hãy nhìn lại và định hướng đúng trước khi quá muộn!

RELATED ARTICLES

Tin mới