Sunday, November 17, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiMiG-35 sẽ giúp Không quân Việt Nam tăng sức mạnh

MiG-35 sẽ giúp Không quân Việt Nam tăng sức mạnh

Nếu Việt Nam trang bị máy bay chiến đấu MiG-35, sẽ có thể phối hợp với các máy bay chiến đấu Su-27 và Su-30 nhập khẩu trước đây, sẽ giúp Không quân Việt Nam tăng mạnh năng lực kiểm soát trên không.

Máy bay chiến đấu MiG-35 Nga. Ảnh: Huanqiu.

Gần đây, nhiều nguồn tin cho thấy Việt Nam tiếp tục là khách hàng ưa thích vũ khí trang bị của Nga. Để tăng cường năng lực quốc phòng, Việt Nam đang quan tâm mua sắm 64 xe tăng T-90S/SK, 4 tiểu đoàn hệ thống tên lửa phòng không S-400 và máy bay chiến đấu MiG-35

Trong đó Việt Nam muốn mua máy bay chiến đấu MiG-35 để thay thế cho máy bay chiến đấu MiG-21 cũ.

Hãng tin RIA Novosti đầu năm 2017 cho hay MiG-35 là máy bay chiến đấu do Tập đoàn chế tạo máy bay MiG Nga nghiên cứu chế tạo theo đơn đặt hàng quốc phòng của Nga.

Loại máy bay này có hai phiên bản 1 chỗ ngồi và 2 chỗ ngồi. Mục tiêu nghiên cứu phát triển là cải thiện tính năng điều khiển của máy bay chiến đấu hạng nhẹ Nga, mở rộng khả năng sử dụng và tăng cường hiệu quả tác chiến, tính năng tổng thể thuộc máy bay chiến đấu thế hệ 4+.

Cựu Phó tư lệnh Không quân Nga Antoshkin cho hay máy bay chiến đấu hạng nhẹ hiện có của Nga đang từng bước lão hóa, MiG-35 sẽ trở thành “người kế tục”.

So với máy bay chiến đấu hạng nhẹ cũ của Nga, đặc điểm của MiG-35 là kết hợp thống nhất giữa radar với hệ thống ngắm chuẩn hỏa lực thông tin hóa mới nhất của Nga, thiết bị điện tử vô tuyến điện điều khiển vũ khí có tính tương thích rộng rãi, có thể phóng tất cả các tên lửa phóng trên không hiện có và đang nghiên cứu chế tạo của Nga.

MiG-35 còn áp dụng hệ thống trinh sát theo dõi nhiều loại vũ khí không chiến và phòng không của kẻ địch và hệ thống phòng thủ phóng ra mục tiêu giả, có khả năng sống sót chiến trường mạnh hơn.

Công ty công nghệ điện tử vô tuyến điện Nga, một công ty nghiên cứu phát triển radar cho máy bay chiến đấu MiG-35 cho biết radar mảng pha quét điện tử chủ động Zhuk-AE trang bị trên MiG-35 có khoảng cách dò tìm xa nhất là hơn 300 km.

Radar này có thể giúp phi công theo dõi 30 mục tiêu trên không và mặt đất khi tác chiến ngoài tầm nhìn, có thể đồng thời phát động tấn công đối với 6 mục tiêu trên không và 4 mục tiêu mặt đất trong số đó.

Về hỏa lực, MiG-35 trang bị được tên lửa không đối không, không đối đất và chống hạm, đạn rocket và bom hàng không; dưới cánh máy bay có 10 điểm treo vũ khí (có tin cho là có 8 điểm treo), tổng trọng lượng vũ khí có thể treo đạt 7 tấn.

Máy bay MiG-35 có bánh đáp chắc chắn hơn so với các máy bay chiến đấu hạng nhẹ thế hệ cũ, có thể cất hạ cánh ở đường băng bằng đất và đường ô tô sử dụng nhựa đường thông thường.

Tất cả những trang bị hệ thống mới và vũ khí tấn công chính xác này kết hợp lại có thể làm cho loại máy bay chiến đấu thế hệ 4+ này tiến hành đọ sức, tranh quyền kiểm soát trên không với các máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm hiện có trên thế giới, đánh chặn các loại máy bay chiến đấu hiện có và đang nghiên cứu chế tạo của các nước.

Trong bất cứ điều kiện thời tiết nào, khi chưa bay vào khu vực phòng không của đối phương, MiG-35 cũng có thể tiến hành tấn công chính xác ngày đêm đối với các mục tiêu mặt đất và mặt nước. Khi tác chiến biên đội, máy bay chiến đấu MiG-35 có thể đóng vai trò chỉ huy trên không.

Về thông số tính năng, máy bay chiến đấu MiG-35 dài 17,32 m, cao 4,73 m, sải cách 12 m, tổng trọng lượng máy bay khi mang theo vũ khí là 17,5 tấn, trọng lượng cất cánh tiêu chuẩn và tối đa lần lượt là 17,5 tấn và 23,5 tấn, tải trọng chiến đấu 6.500 kg, trần bay thực tế tối đa là 17,5 km, tốc độ có thể đạt 2.560 km/h.

Khi 2 động cơ phản lực RD-33MKV trên máy bay MiG-35 phát huy hết công suất, có thể tăng tốc lên gấp 2,25 lần tốc độ âm thanh, tương đương hơn 2.700 km/h, tốc độ lớn nhất khi bay gần mặt đất là 1.400 km/h.

Trong trường hợp không được tiếp dầu thì MiG-35 có hành trình tối đa là 3.100 km, khi mang theo vũ khí tiêu chuẩn thì MiG-35 có bán kính tác chiến là 1.000 km. Thời gian bay liên tục là 2,2 giờ.

Chi phí bay/giờ của máy bay chiến đấu MiG-35 giảm rõ rệt, hầu như bằng 2/5 so với máy bay MiG-29.

Công tác nghiên cứu phát triển máy bay chiến đấu MiG-35 được bắt đầu vào trước sau năm 2005, máy bay mẫu đầu tiên được công khai vào năm 2007, vào năm 2010 đã có 3 máy bay nguyên mẫu tiến hành các loại thử nghiệm.

Đầu năm 2017, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố máy bay chiến đấu MiG-35 bắt đầu tiếp nhận “kiểm tra cấp quốc gia”. 

Theo kế hoạch, năm 2018, máy bay chiến đấu MiG-35 sẽ đi vào hoạt động; trong giai đoạn 2018 – 2020, Không quân Nga sẽ tiếp nhận tổng cộng 30 máy bay chiến đấu MiG-35, từng bước thay thế toàn bộ máy bay chiến đấu MiG-29 cũ.

Theo Chinatimes Đài Loan, ngoại hình của máy bay MiG-35 tương tự như MiG-29K/KUB và MiG-29M/M2. MiG-35 được phát triển trên nền tảng MiG-29M, đã trang bị cánh mới, cánh chính sải lớn hơn, tương tự MiG-29K. 

Động cơ đốt nhiên liệu phụ trội giúp cho MiG-35 có khả năng cất hạ cánh ở đường băng ngắn, nâng cao khả năng triển khai ở sân bay tiền tuyến. Tải trọng chiến đấu của MiG-35 được cải thiện hơn MiG-29. 

Theo tờ Hoàn Cầu Trung Quốc, máy bay chiến đấu MiG-35 được dùng để chiếm ưu thế trên không, sử dụng vũ khí chính xác để tấn công mặt đất. 

Nhưng báo Trung Quốc vẫn “dìm hàng” máy bay chiến đấu Nga, cho rằng nó xem ra “không tiên tiến” vì vẫn còn sử dụng ống pitot. Rất nhiều máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư của các nước phương Tây đã từ bỏ sử dụng ống pitot ở đầu máy bay.

Máy bay chiến đấu J-20 Trung Quốc cũng đã bỏ ống pitot. Việc hủy bỏ thiết bị này có thể giúp cho radar hoạt động tốt hơn và nâng cao tính năng khí động học của máy bay.

Tuy nhiên, điều không thể phủ nhận là máy bay chiến đấu MiG-35 đã đại diện cho thành tựu mới nhất của dòng MiG Nga, thậm chí máy bay chiến đấu MiG thế hệ thứ năm cũng có thể lấy MiG-35 làm nền tảng. Những tính năng kỹ chiến thuật và khả năng thực hiện nhiều nhiệm vụ của MiG-35 vẫn được thị trường quốc tế coi trọng.

Các tờ báo khác của Trung Quốc thì cho rằng, giống như máy bay chiến đấu Su-35, Nga cũng thúc đẩy xuất khẩu máy bay chiến đấu MiG-35 ra thị trường quốc tế.

Mặc dù không tiên tiến bằng Su-35, nhưng MiG-35 có ưu thế về giá. Nhưng, cũng có quan điểm cho rằng, giá cả máy bay chiến đấu này còn đắt, dự tính 40 triệu USD, rẻ hơn 20 – 25% so với máy bay chiến đấu tàng hình F-35. Với mức giá như vậy, khách hàng sẽ cân nhắc giữa Su-35 và MiG-35 để quyết định mua sắm.

Hiện nay, các nước như Ai Cập đã đặt mua loại máy bay chiến đấu này. Trong khi đó, nếu Việt Nam trang bị máy bay chiến đấu MiG-35, sẽ có thể phối hợp với các máy bay chiến đấu Su-27 và Su-30 nhập khẩu trước đây, giúp Không quân Việt Nam tăng mạnh năng lực kiểm soát trên không.

Theo Anatoly Punchuk, Phó Cục trưởng Cục hợp tác kỹ thuật quân sự Nga, loại máy bay này được hoan nghênh ở châu Âu, trước hết là các nước Bulgaria, Slovakia và Ba Lan. Các quốc gia NATO này vẫn đang sử dụng máy bay chiến đấu MiG-29. Hiện nay, Nga vẫn cung cấp dịch vụ sửa chữa và động cơ máy bay chiến đấu MiG-29 cho ba nước này.

RELATED ARTICLES

Tin mới