Bất chấp những bất đồng sâu sắc, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn có điểm chung.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters.
Có điểm tương đồng…
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un là một trong những lãnh đạo trẻ tuổi nhất trên thế giới trong khi ông Donald Trump là Tổng thống Mỹ “già nhất” trong lịch sử nước Mỹ. Bất chấp cuộc khẩu chiến gần đây giữa hai người liên quan đến chương trình tên lửa hạt nhân của Triều Tiên, hai lãnh đạo này vẫn có điểm chung.
Ở tuổi 27, ông Kim Jong-un trở thành một trong những nhà lãnh đạo trẻ nhất thế giới sau khi cha ông qua đời. Không giống như người cha Kim Jong-il, ông Kim Jong-un có rất ít thời gian thử thách trước khi trở thành người lãnh đạo đất nước Triều Tiên.Cả hai đều lên nắm quyền với hành trang kinh nghiệm chính trường ít ỏi nhưng đã cố gắng bù đắp cho điểm yếu đó bằng cách mạnh dạn khẳng định mình với những người còn hoài nghi cả trong và ngoài nước.
Ông Kim Jong-un, người được cho là năm nay 33 tuổi đã khẳng định được mình khi không bị cái bóng quá lớn của cha và ông nội làm lu mờ. Không chỉ giải cứu nền kinh tế vốn gặp nhiều khó khăn vì các lệnh trừng phạt, ông Kim Jong-un đã làm được một việc mà trước đây cha và ông của ông chưa làm được, đó là chế tạo thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, đe dọa lãnh thổ Mỹ.
Điều này làm cho Tổng thống Mỹ Donald Trump – nhà lãnh đạo “già nhất” lịch sử nước Mỹ – người lên nắm quyền mà không có bất kỳ kinh nghiệm chính trị hay quân sự nào thực sự tức giận.
Cũng giống như bất kỳ Tổng thống Mỹ tiền nhiệm nào trước đây và hầu hết các quan chức khác của Mỹ, ông Trump đã lên tiếng yêu cầu Triều Tiên từ bỏ vũ khí hủy diệt hàng loạt – thứ mà Triều Tiên từ lâu đã lập luận rằng họ cần phải có để bảo vệ chủ quyền của mình.
… nhưng vẫn là hai cá tính khác biệt
Giới phân tích cho rằng, có lẽ, một trong những thách thức lớn nhất của ông Trump lại chính là… bản thân ông. Theo đó, tính tự phát, có phần “tiền hậu bất nhất” của ông Trump là một đặc điểm tương phản sâu sắc với cách tiếp cận đầy tính toán của ông Kim trong vai trò người lãnh đạo đất nước.
Jenny Town, trợ lý Giám đốc viện Triều Tiên-Mỹ thuộc Trường John Hopkins trả lời Newsweek cho rằng: “Ông Kim Jong-un dường như hiểu rõ hơn về vai trò của mình. Ông ấy có một chiến lược toàn diện ở đó, một lý lẽ làm nền móng, ngay cả khi bạn không đồng ý với nó”.
Theo bà Jenny, điều này không có ở Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Nhìn lại quá khứ, tháng 12/2016 – một tháng trước khi tuyên thệ nhậm chức, ông Trump từng tuyên bố sẽ ngăn không cho Triều Tiên thử ICBM. Đến tháng 4/2017, ông Trump nhắc lại điều này trong ngày Mỹ phát động cuộc tấn công tên lửa vào lãnh thổ Syria. Tháng 7/2017, gần như ngay lập tức sau khi Triều Tiên thử nghiệm ICBM, Tổng thống Trump đưa ra cảnh báo Bình Nhưỡng phải ngừng đe dọa tấn công Mỹ nếu không muốn hứng chịu với “lửa và giận dữ mà thế giới chưa từng thấy”.
Không nao núng, quân đội Triều Tiên tiết lộ một kế hoạch chi tiết tấn công đảo Guam – vùng lãnh thổ hải ngoại Mỹ ở Thái Bình Dương. Sau những lời qua tiếng lại của lãnh đạo hai nước, truyền thông Triều Tiên cho công bố đoạn video quay cảnh ông Kim Jong-un tự mình xem xét lại bản kế hoạch nói trên. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo này nói rằng ông sẽ không tấn công nước Mỹ trừ khi Mỹ tấn công trước.
So tài cao thấp
Việc lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố chưa vội tấn công đảo Guam mà sẽ “dành thêm thời gian theo dõi nhất cử nhất động của Mỹ” được các phương tiện truyền thông phương Tây mô tả giống như sự rút lui thì chuyên gia về Triều Tiên Michael Madden – học giả thỉnh giảng tại Viện Hàn lâm Khoa học Mỹ cho rằng, động thái này làm tăng uy tín của ông Kim Jong-un trên trường quốc tế.
“Điều này cho phép ông Kim Jong-un xây dựng hình ảnh mình như một nhà lãnh đạo giàu kinh nghiệm hơn”, ông Michael nhận xét.
Sau tuyên bố của ông Kim Jong-un hoãn kế hoạch tấn công đảo Guam, Tổng thống Mỹ viết trên Twitter mô tả đây là quyết định “rất khôn ngoan”. Cả chuyên gia Jenny Town và Michael Madden đều đồng ý cho rằng ông Kim đã có cú tự giải thoát hoàn hảo khỏi cuộc khủng hoảng mới nhất.
Bà Town chỉ ra rằng trong khi ông Trump sốt sắng đưa ra những tuyên bố mang tính đe dọa thì ông Kim vẫn chỉ im lặng và trao quyền phát ngôn cho các cơ quan tuyên truyền, điều này cho phép Triều Triên có thể mở rộng phạm vi leo thang căng thẳng.
“Ông Kim Jong-un đã rất cẩn trọng với những lời nói của mình để không phải rút lại hay xử lý khủng hoảng giống như những gì Tổng thống Trump đã làm”, bà Town nói.
Theo các chuyên gia, chiến lược của chính quyền Tổng thống Trump đối với Triều Tiên đã gây nhầm lẫn cho một số người và gây thất vọng cho số khác, kể cả với chính đồng minh của họ là Hàn Quốc.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un từ lâu đã trở thành đối tượng công kích của các phương tiện truyền thông phương Tây khi cho rằng nhà lãnh đạo này chỉ là người “hữu dũng vô mưu” nhưng nhiều chuyên gia không đồng ý với nhận định này.
Kể từ khi lên lãnh đạo đất nước, ông Kim Jong-un đã có những quyết định được cho là mạnh tay, chấn chỉnh nội bộ, củng cố quyền lực trong nước trong khi tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân để ngăn chặn những thế lực thù địch từ bên ngoài.
Chuyên gia Town cho rằng, sẽ là không hợp lý khi đưa ra những đánh giá không đúng, thiếu khách quan về Triều Tiên, cố tình dìm hình ảnh của nước này xuống chỉ vì không thích những việc làm của Bình Nhưỡng hay không ưa nhà lãnh đạo Kim Jong-un – một người thực sự có khả năng điều hành, chèo lái đất nước Triều Tiên giữa muôn trùng vây.
Về phía Tổng thống Trump, cũng phải thừa nhận điểm tích cực trong cách tiếp cận khá mới của ông khi gây sức ép buộc Trung Quốc buộc phải đóng vai trò “người chơi” tích cực hơn trong vấn đề Triều Tiên.
Dù hiệu quả từ chiến lược này chưa thực sự rõ nét nhưng cũng không thể xem thường. Vì thế, câu hỏi ông Donald Trump và ông Kim Jong-un, ai là nhà lãnh đạo giỏi hơn chắc chắn sẽ cần rất nhiều thời gian để có thể tìm ra câu trả lời.