Triều Tiên sẽ có khả năng tấn công Guam hay một thành phố lớn của Mỹ bằng vũ khí hạt nhân, đồng thời nâng tầm ảnh hưởng của nhà lãnh đạo Kim Jong-un đối với phương Tây sau khi vượt qua được những thách thức công nghệ quan trọng.
Trong khi tấn công Mỹ có thể chứng minh sức mạnh của Triều Tiên, thì các công nghệ này còn giúp Bình Nhưỡng ngăn chặn một vụ xâm lược và đưa nước này lên tầm cường quốc quân sự thế giới.
Các chuyên gia đánh giá Bình Nhưỡng có thể phát triển tiềm lực tên lửa vươn tới nước Mỹ ngay trong năm sau. Một số còn cho rằng nước này thậm chí đã làm chủ khả năng này.
Báo New York Times (Mỹ) đã tổng hợp lại các thách thức quan trọng nhất về mặt công nghệ mà Bình Nhưỡng phải đối mặt trước khi có thể đạt được mục tiêu tấn công tên lửa đạn đạo vào nước Mỹ.
1. Một quả bom đủ nhỏ
Giới phân tích từ lâu đã tranh cãi về việc liệu rằng Triều Tiên đã phát triển được một quả bom hạt nhân mạnh cũng như đủ nhỏ và nhẹ để đặt bên trong đầu chóp của tên lửa hay chưa. Lượng chất nổ chứa trong đầu tên lửa càng nhỏ và nhẹ thì tầm bắn của tên lửa sẽ càng xa.
Năm ngoái, truyền thông Triều Tiên đã đăng hình ảnh ông Kim Jong-un kiểm tra một vật thể giống như là một quả bom nhỏ và sáng bóng. Quả bom này có bề rộng khoảng 60cm, đủ nhỏ để gắn vào bên trong đầu đạn của một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).
2. “Sống sót” quay trở về
Phát triển một đầu đạn tên lửa có thể chịu được nhiệt độ cực cao vào áp suất của bầu khí quyển là vô cùng khó khăn. Trong quá trình quay trở lại khí quyển từ không gian, các đầu đạn sẽ di chuyển khoảng 6,5 km/s. Ma sát với khí quyển Trái Đất sẽ khiến những đầu đạn thiết kế kém bị thiêu rụi trước khi chạm tới mục tiêu.
Một số ICBM được bao phủ bởi một lớp vật liệu dày để tạo thành một tấm lá chắn bảo vệ tên lửa khỏi nhiệt độ cao. Tuy nhiên, áp lực khi làm việc là rất lớn, thậm chí một lỗi sản xuất nhỏ nhặt nhất cũng có thể dẫn tới các vụ nổ, khiến tên lửa chệch mục tiêu.
Giới chuyên gia tuyên bố nếu Triều Tiên tiếp tục tốc độ thử tên lửa như hiện tại, nước này sẽ đạt được một đầu đạn hạt nhân có thể “sống sót” trong bầu khí quyển Trái Đất vào năm tới.
3. Tầm bắn vươn tới đất Mỹ
Triều Tiên đã phóng thử thành công hai quả ICBM Hwasong-14 trong tháng 7. Các nhà quan sát cho rằng vụ thử thứ hai dường như có khả năng vươn tới Bờ Tây của nước Mỹ, nơi các thành phố lớn như Denver và Chicago nằm trong tầm nguy hiểm. Quả tên lửa này đã đạt độ cao gần 3.000 km và rơi xuống vùng biển Nhật Bản.
Thiết kế động cơ mới mạnh mẽ hơn đã khiến Triều Tiên đạt tiến bộ kinh ngạc trong năm qua, biến tên lửa của Bình Nhưỡng trở nên bền và đáng tin cậy hơn bao giờ hết. Nó có tiềm năng đưa Mỹ vào tầm bắn của Triều Tiên lần đầu tiên kể từ khi nước này bắt đầu chế tạo tên lửa tầm xa vào năm 1984.
Khoảng cách từ Triều Tiên tới đảo Guam là 3.400 km, Hawaii là 7.670 km, San Francisco là 8.993 km và Washington, DC là 11.035 km.
4. Độ chính xác cao hơn
Dẫn đường chính xác một tên lửa bay nửa vòng Trái đất không phải một nhiệm vụ dễ dàng và lịch sử đã chứng minh khả năng này của Triều Tiên là yếu kém. Các nước có chương trình tên lửa đạn đạo liên lục địa hiện đại có thể luôn bắn trúng mục tiêu với độ sai số 200 m.
Các tính toán chỉ ra rằng độ sai số của tên lửa hành trình liên lục địa của Triều Tiên là khoảng 3 – 5 km, mặc dù con số này rất khó để kiểm định bởi vì hầu hết các vụ thử nghiệm của Triều Tiên tên lửa đều rơi xuống biển và các nhà phân tích không có thông tin về mục tiêu giả định.
Mặc dù dộ chính xác của tên lửa Triều Tiên là thấp nhưng điều đó là đủ để nhắm vào mục tiêu là một thành phố, chuyên gia tên lửa Ian Williams thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế có trụ sở tại Washington, phát biểu với New York Times.
Ông Williams cho rằng Triều Tiên sẽ phải cải thiện độ chính xác của các tên lửa nếu muốn nhắm tới các mục tiêu bé hơn ví dụ như các căn cứ quân sự.
Các chuyên gia cũng cho rằng trong khi đang sử dụng loại đầu đạn giá rẻ với vận tốc và độ chính xác hạn chế, Triều Tiên cũng đang phát triển loại đầu đạn có dáng khí động, hình nón.
5. Vượt qua hệ thống phòng thủ của Mỹ
Nếu Triều Tiên bắn đi ba hoặc bốn tên lửa đạn đạo vào cùng một thành phố của Mỹ, hệ thống phòng thủ an ninh nhiều khả năng sẽ bị đánh bại và để lọt ít nhất một đầu đạn.
Các nhà phân tích cho rằng Triều Tiên hiện đang tìm cách cải thiện khả năng chống phòng thủ cho các loại tên lửa đạn đạo của mình.
Vào tháng 3, Triều Tiên đã bắn liên tục bốn quả tên lửa và điều này sẽ khiến hệ thống của Mỹ gặp khó trong việc bắn hạ từng tên lửa một.
Mới đây, Triều Tiên đã trình diễn một đầu đạn có cánh thăng bằng, cho thấy nước này đang đầu tư vào tên lửa hành trình có thể bay zíc-zắc trong không gian và tránh được hệ thống phòng thủ.
6. Một quả bom có sức công phá lớn hơn
Dựa trên các vụ nổ hạt nhân tại các bãi thử ngầm của Bình Nhưỡng, các chuyên gia quân sự cho biết ông Kim Jong-un hiện sở hữu loại bom có sức phá hủy tương đương vụ nổ bom nguyên tử Hiroshima – quả bom đã phá hủy toàn bộ thành phố của Nhật Bản và cướp đi sinh mạng của 70.000 người.
Chế tạo một quả ICBM mạnh mẽ hơn thế mà vẫn đảm bảo được yếu tố nhỏ và nhẹ đòi hỏi nước này phải sử dụng nhiên liệu nhiệt hạch.
Điều này muốn thành công là rất khó, nhưng Triều Tiên lại có thể sản xuất ra những thứ vũ khí mạnh gấp 1.000 lần đầu đạn hiện nay. Triều Tiên đã bày tỏ tham vọng chế tạo bom nhiệt hạch nhưng họ vẫn còn cách xa mục tiêu này.