Trước những lời đe dọa của Trung Quốc, Ngoại trưởng Ấn Độ tuyên bố Bắc Kinh không nên nhầm lần sự biết điều của Ấn Độ là sự yếu đuối
Ấn Độ không muốn chiến tranh
Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj mới đây khẳng định trước Quốc hội rằng chiến tranh không phải là một giải pháp và Ấn Độ sẽ giải quyết xung đột biên giới với Trung Quốc thông qua đối thoại.
Tuy nhiên, bà cũng nói rõ rằng “không nên nhầm lần sự biết điều của Ấn Độ là sự yếu đuối”. Theo bà, “không phải vì chúng ta muốn có mối quan hệ thân thiện với các nước láng giềng mà họ có thể vượt qua biên giới. Ấn Độ luôn muốn duy trì quan hệ suôn sẻ với Trung Quốc, nhưng vấn đề biên giới chung liên quan đến Ấn Độ, Trung Quốc và Bhutan phải được giải quyết bằng cách tham vấn với cả 3 nước”.
Bà Swaraj cũng đồng thời nhấn mạnh rằng New Delhi quyết không để bị nao núng bởi chiến dịch dọa nạt thường xuyên ở cường độ cao của Bắc Kinh.
Trong khi đó Trung Quốc tiếp tục “quấy rối” và tiến hành cuộc chiến tranh tâm lý, thỉnh thoảng lại nhắc nhở Ấn Độ về cuộc xung đột năm 1962 hoặc phát đi thông điệp rằng biện pháp trả đũa từ Bắc Kinh là điều không thể tránh khỏi nếu chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi tiếp tục phớt lờ các cảnh báo của Trung Quốc.
Giới chức Trung Quốc thậm chí còn thông báo với một phái đoàn truyền thông Ấn Độ rằng Bhutan đã gửi thông cáo cho Bắc Kinh thông qua các kênh ngoại giao, trong đó khẳng định khu vực đang xảy ra xung đột không nằm trong lãnh thổ của Bhutan, mặc dù (tất nhiên) không có bằng chứng nào được đưa ra cho thấy có thông cáo như vậy.
Trung Quốc cũng khiêu khích Ấn Độ khi đặt câu hỏi liệu New Delhi sẽ làm gì nếu quân đội Trung Quốc tiến vào khu vực Kalapani thuộc Uttarakhand hoặc một số khu vực ở Kashmir. Đây là lần đầu tiên vấn đề Kashmir được Trung Quốc khơi lại ở cấp độ chính thức.
Wang Wenli, Phó Vụ trưởng Vụ các vấn đề biên giới và đại dương thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc, tuyên bố: “Phía Ấn Độ cũng có nhiều ngã ba biên giới. Liệu chúng ta có thể sử dụng lý do tương tự và tiến vào khu vực Kalapani nằm giữa Trung Quốc, Ấn Độ và Nepal hay thậm chí tiến vào khu vực Kashmir nằm giữa Ấn Độ và Pakistan?”.
Truyền thông Trung Quốc thường xuyên đưa tin về các cuộc tập trận rầm rộ ở phía Tây của nước này trong tình hình căng thẳng biên giới cới Ấn Độ |
Cuộc khủng hoảng giữa Trung Quốc và Ấn Độ hiện nay khác với các cuộc xung đột trong quá khứ, nhưng điều khiến nó trở nên đặc biệt trong lịch sử gần đây là quyết tâm của New Delhi cho đến nay không thừa nhận cuộc xung đột theo các tiêu chuẩn của Trung Quốc.
Bắc Kinh đã nỗ lực thử mọi cách. Họ đã sử dụng truyền thông để bắt nạt Ấn Độ; công khai đe dọa Ấn Độ; sử dụng các số liệu từ thời thuộc địa một cách có chọn lọc; cố gắng tập hợp dư luận quốc tế. Nhưng Ấn Độ không bị mắc bẫy.
Ngăn chặn tham vọng
Giới phân tích cho rằng, cuộc đấu Trung-Ấn, về bản chất, báo hiệu tương lai của trật tự toàn cầu. Qua biểu hiện gia tăng nôn nóng trong giải quyết vấn đề biên giới và lãnh thổ, dưới danh nghĩa chủ quyền, cuộc xung đột giữa Trung Quốc và Ấn Độ ở Doklam thực chất sẽ xác định tương lai châu Á có trở thành một cực với Trung Quốc là chủ thể chi phối và đặt ra các tiêu chuẩn hành động phù hợp cho các quốc gia khác, hay tương lai châu Á sẽ trở thành đa cực theo nghĩa thực sự của thuật ngữ này.
Ấn Độ đã quyết định không lùi bước bởi họ đã thất bại quá nhiều trong việc chống trả sự ức hiếp của Trung Quốc.
Một người lính biên phòng Ấn Độ |
Trung Quốc nói về một trật tự thế giới đa cực, nhưng trên thực tế, họ luôn mong muốn một châu Á đơn cực. Sự quyết đoán của Bắc Kinh trong việc đưa ra các yêu sách về lãnh hải trong những năm gần đây có thể đã khiến họ tin rằng không có sự phản đối thực sự nào chống lại họ ở trong và ngoài khu vực. Phương Tây hiện đang quá bận rộn với các thách thức nội tại của mình nên không thể rảnh tay để tác động đến cách hành xử của Trung Quốc. Còn các nước trong khu vực thì quá yếu để có thể có bất cứ hành động nào nhằm đối phó với sự gây hấn của Trung Quốc.
Trang eurasiareview.com cho rằng Ấn Độ vẫn là quốc gia cuối cùng trụ vững, một trở ngại cho nỗ lực thống trị của Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Trung Quốc.
Ví dụ như đối với sáng kiến đầy tham vọng “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc, Ấn Độ là nước lớn duy nhất quyết định phản đối công khai. Các trung tâm quyền lực lớn khác vẫn miễn cưỡng trong chính sách đối phó với Trung Quốc. Nhật Bản có những hạn chế về chính trị và pháp lý trong nước bất chấp chính sách đối ngoại chủ động của ông Shinzo Abe.
Trái lại, Chính phủ của ông Modi đã phản ứng mạnh mẽ trước sự trỗi dậy của Trung Quốc. Họ nhanh chóng nhận ra rằng Trung Quốc vẫn quyết tâm theo đuổi một chính sách ngoại giao đơn phương và lợi ích của Ấn Độ sẽ bị ảnh hưởng nếu New Delhi không thay đổi cách vận hành chính sách đối ngoại.
New Delhi mặc dù có chút chậm trễ, cũng đã tập trung vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng biên giới và đã tích cực tìm cách tiếp cận các nước lớn có cùng quan điểm trong khu vực như Nhật Bản, Australia, Indonesia và cả Việt Nam để tạo ra sự cân bằng quyền lực có lợi trong khu vực.
Với Ấn Độ, họ chỉ có một lựa chọn: kiên quyết đương đầu với Trung Quốc để bảo vệ các lợi ích cốt lõi của mình. Nếu không, họ sẽ phải chấp nhận một mô hình Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mà Trung Quốc là trung tâm.
Sẵn sàng đối đầu
Trang ndtv.com của Ấn Độ nói thẳng rằng Trung Quốc có lẽ đã đánh giá sai khả năng chính trị của Thủ tướng Modi khi Trung Quốc cho rằng đây sẽ là một cuộc chơi như thường lệ, giống như những gì họ đã làm dọc biên giới Ấn Độ trong nhiều thập kỷ qua.
Tuy nhiên, Ấn Độ dưới thời ông Modi lại hoàn toàn khác. Nước này đã lựa chọn một cuộc đối đầu trực diện, không chỉ bằng việc đẩy lùi những kẻ xâm nhập, mà còn bằng việc quyết định sẽ tiếp tục duy trì và cung cấp cho Bhutan sự bảo vệ cần thiết nhằm chống lại cuộc xâm lược từ nước ngoài.
Trung Quốc duyệt binh rầm rộ hồi cuối tháng 7 vừa qua tại Nội Mông |
Đây là một “cuộc chiến cân não” mà Trung Quốc đang tham gia. Trung Quốc muốn trở thành “kẻ bắt nạt” trong khu vực, muốn giúp Pakistan trong cuộc chiến không cân sức chống lại Ấn Độ, muốn ngăn cản Ấn Độ liên kết với nước láng giềng nhỏ hơn ở phía Tây. Thêm nữa, Trung Quốc muốn kìm hãm sự tăng trưởng của Ấn Độ vốn đã vượt Trung Quốc và nổi lên như một nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới, thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất.
Trong vòng 3 năm qua, ông Modi đã gây dựng vị thế của mình như một nhà lãnh đạo tầm thế giới. Liên minh chiến lược mà ông thiết lập với Israel, Nga và Mỹ đã khiến Trung Quốc không ngừng “oán giận”.
Ngay cả Nga, dù có lúc đã xích lại gần hơn với Trung Quốc, hiện đã trở thành một đối tác thương mại và quốc phòng khổng lồ của Ấn Độ, và các lợi ích thương mại đã khiến Nga có những ý định tích cực với nước này.
Hơn nữa, Trung Quốc đang ngày càng lo lắng bởi các cuộc tập trận chung mà Ấn Độ đang tham gia cùng Mỹ, Nhật Bản, Israel và Hàn Quốc. Khi Trung Quốc mở một đường hành lang đến Tây Á thông qua Kashmir do Pakistan kiểm soát, Ấn Độ đã đáp trả bằng cách mở rộng cảng Chabahar ở Iran cũng như một tuyến đường kết nối Iran, Afghanistan và vào vùng trung tâm của thế giới Arab.
Trong nhiều năm qua, Trung Quốc vẫn luôn cố gắng bao vây Ấn Độ, đồng thời củng cố quan hệ với Myanmar, Bangladesh, Sri Lanka và Malaysia. Trung Quốc đã thành công một phần nhưng trong 3 năm gần đây, ông Modi đã định hình lại bản đồ, củng cố mối quan hệ với tất cả những nước đó, và thực tế thậm chí còn cho thấy kế hoạch “vĩ đại” của Trung Quốc ở những nước này đã bị mất tác dụng.
Ấn Độ giờ đã tự tin vào sức mạnh của mình hơn năm 1962? |
Trong thời gian 3 năm, ông Modi đã xây dựng được vị thế trên vũ đài thế giới, còn Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lại không đạt được nhiều tiến bộ như vậy.
Giới phân tích Ấn Độ cho rằng Trung Quốc đang trở nên “không biết điều” trong mối quan hệ với Ấn Độ và các nước láng giềng. Họ có mâu thuẫn với tất cả các nước cùng chung biên giới.
Ngay khi nhậm chức, Thủ tướng Ấn Độ Modi đã gợi ý một mối quan hệ hòa bình với Trung Quốc, đồng thời mời ông Tập Cận Bình đến Ấn Độ, thể hiện sự hiếu khách và đề nghị những mối liên kết thương mại cũng như các cuộc đàm phán về mọi vấn đề để cũng nhau tìm kiếm những giải pháp chung. Tuy nhiên sau đó, Trung Quốc lại bắt đầu trang bị vũ trang đầy đủ cho Pakistan, khuyến khích họ gây rắc rối ở Kashmir, đồng thời cố gắng hết sức để thúc đẩy Sáng kiến “Vành đai và Con đường” của mình.
Để đáp trả sự đe dọa từ phía Trung Quốc về “trận đòn đau” năm 1962, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Arun Jaitley đã nói rằng Ấn Độ của năm 2017 không giống Ấn Độ của năm 1962.