Sunday, November 17, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnTQ vấp đối thủ bất ngờ tại Mỹ Latinh

TQ vấp đối thủ bất ngờ tại Mỹ Latinh

Theo Diplomat, cuộc cạnh tranh ở Trung Mỹ không phải là giữa Mỹ và Trung Quốc, mà thực chất là giữa Trung Quốc và Đài Loan.

Đòn đánh tỉa của Trung Quốc

Trang Diplomat cho rằng Mỹ sẽ rút khỏi khu vực Mỹ Latinh và Caribe còn Trung Quốc đang cố gắng để lấp chỗ trống này. Tuy nhiên, tham vọng của Trung Quốc lại gặp phải đối thủ bất ngờ là Đài Loan (Trung Quốc).

Theo Diplomat, Trung Quốc đã có mặt trong khu vực, liên kết với Venezuela, Brazil, Argentina và Ecuador, còn Đài Loan gần đây có động thái tăng cường quan hệ với các nước Trung Mỹ.

Đầu năm 2017, nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn đã đến thăm 4 quốc gia Trung Mỹ là Nicaragua, Guatemala, El Salvador và Honduras. Chuyến thăm đó bao gồm việc ký kết các thỏa thuận trao đổi thương mại và vũ khí quan trọng.

Tháng 6/2017, Panama đã chuyển hướng ngoại giao từ Đài Loan sang Trung Quốc. Hai tuần sau đó, Mỹ tuyên bố ký hợp đồng vũ khí đầu tiên của Chính quyền Tổng thống Donald Trump với Đài Loan trị giá 1,42 tỷ USD. Một tháng sau, Đài Loan thông báo miễn thị thực nhập cảnh song phương với Paraguay và miễn thị thực cho 10 đồng minh ở khu vực Trung Mỹ và Caribbe.

Các bước đi ngoại giao đó không những có chủ đích mà còn thể hiện phản ứng trước sự hiện diện của Trung Quốc.

Theo Diplomat, cuộc cạnh tranh ở Trung Mỹ không phải là giữa Mỹ và Trung Quốc, mà thực chất là giữa Trung Quốc và Đài Loan. Điều này được thể hiện khá rõ ràng trong cách tiếp cận của Trung Quốc đối với các đồng minh trong khu vực của Đài Loan.

Nhóm 10 quốc gia Trung Mỹ và Caribbe, cộng với Paraguay ở Nam Mỹ nằm trong số 20 quốc gia hiện nay công nhận Đài Loan. Mâu thuẫn giữa Đài Loan và Trung Quốc đã thực sự trở nên rõ ràng và thực tế hơn khi Trung Quốc chuyển hướng tập trung từ Nam Mỹ sang Trung Mỹ và Caribbean.

Trung Quoc vap doi thu bat ngo tai My Latinh
Bà Thái Anh Văn trong chuyến thăm Panama năm 2016

Số chuyến thăm cũng như trao đổi thương mại từ cả hai phía Đài Loan và khu vực Mỹ Latinh và Caribbean đã tăng đáng kể. Đáng chú ý, chuyến thăm của bà Thái Anh Văn hồi đầu năm 2017 và chuyến thăm của người đứng đầu ngành ngoại giao Đài Loan David Lee gần đây cho thấy hầu hết các nước Trung Mỹ đã đứng về phía Đài Loan.

Tổng thống Guatemala Jimmy Morales đã nhắc lại cam kết của nước này đối với Đài Loan và Nicaragua cũng xác nhận vị thế quốc tế của Đài Loan cũng như sự tham gia của Đài Loan vào các tổ chức quốc tế.

Một số quốc gia Mỹ Latinh và Caribe dù đã có quan hệ ngoại giao với Trung Quốc nhưng vẫn công nhận Đài Loan. Một số quốc gia trong khu vực đang rơi vào tình huống khó khăn khi đã chuyển hướng, tiếp nhận viện trợ của Trung Quốc trong khi vẫn có quan hệ ngoại giao với Đài Loan.

Trước đây, Panama là nước đứng về phía Đài Loan. Chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của bà Thái Anh Văn là đến Panama. Việc Trung Quốc có thể xoay chuyển Panama trong vòng 1 năm là điều đáng ngạc nhiên.

Nicaragua, Paraguay và đảo St. Lucia được cho sẽ là các quốc gia tiếp theo khi cả 3 nước này đang xem xét nghiêm túc về mối quan hệ của họ đối với Trung Quốc.

Trung Quốc và Đài Loan đã và đang cạnh tranh với nhau trong khu vực Mỹ Latinh và Caribe thông qua “hình thức ngoại giao hầu bao”. Gần đây, sau những sự cố như trường hợp của Panama và Sao Tome và Principe, Đài Loan đã hiểu rằng họ không thể đuổi kịp Trung Quốc về các khoản chi tại đây.

Hồi đầu năm 2017, Trung Quốc đã điều nhóm tàu sân bay đi qua eo biển Đài Loan khiến Đài Loan phải cho máy bay và tàu chiến xuất kích

Đài Loan đã chuyển sang thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng, thay cho việc cung cấp tiền mặt như trước đây.

Gần đây, Guatemala đã đưa ra yêu cầu viện trợ trị giá 650 tỷ USD cho giai đoạn thứ 4 của dự án xây dựng đường cao tốc Jacob Arbenz dẫn đến Đại Tây Dương. Yêu cầu này dường như bị từ chối vì nó vượt quá ngân sách được thông qua của Đài Loan.

Theo Diplomat, Đài Loan đang cố gắng “giữ chân” các đồng minh ở Mỹ Latinh và Caribbean và ngăn để rơi vào tay Trung Quốc. Tuy nhiên, nhiệm vụ này không hề dễ dàng trước một Trung Quốc có sức mạnh của nền kinh tế trị giá 11,2 nghìn tỷ USD.

Có ý kiến cho rằng Trung Quốc sẽ thận trọng “tỉa” dần 20 đồng minh ngoại giao còn lại của Đài Loan.

Theo Reuters, trước quyết định “xoay trục” của Panama khi kết giao với Bắc Kinh, các đồng minh ở châu Mỹ của Đài Loan đã thể hiện những phản ứng dè dặt, qua đó cho thấy họ đang cân nhắc liệu có nên “theo chân” Panama hay không.

Robert Manning, chuyên gia về châu Á và là nghiên cứu sinh kỳ cựu tại Hội Đồng Đại Tây Dương, cho biết Trung Quốc đang từng bước mở rộng ảnh hưởng tại châu Mỹ Latinh và đang tiếp tục gia tăng áp lực lên các nước trong khu vực để họ thay đổi đối tác ngoại giao từ Đài Loan sang Trung Quốc.

Máy bay chiến đấu F-16 của Đài Loan

Mặc dù vậy, Đài Loan vẫn có thể trông chờ vào mối quan hệ với Mỹ, thậm chí là Nhật Bản.

Mỹ và Nhật Bản đã thực hiện một chuỗi biện pháp để thể hiện mối quan hệ trực tiếp hơn với Đài Loan, ngay cả khi Tổng thống Donald Trump tái khẳng định chính sách của Mỹ tuân thủ nguyên tắc “Một Trung Quốc”.

Hồi tháng 3, không chỉ đại diện của Đài Loan tại Mỹ là ông Cao Thạc Thái chụp ảnh chung với Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tại Hội nghị về đấu tranh chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) do Quốc hội Mỹ tổ chức, mà phía Nhật Bản cũng đã cử Thứ trưởng Jiro Akama sang thăm Đài Loan, đây là quan chức chính phủ cấp cao nhất của Nhật Bản chính thức thăm Đài Loan trong gần 50 năm trở lại đây.

Giới phân tích quốc tế cho rằng Đài Loan là một phần không thể thiếu của khu vực và quan hệ của hòn đảo này với các nước láng giềng và cường quốc thế giới sẽ tiếp tục phát triển bất chấp những nỗ lực cô lập của Bắc Kinh.

RELATED ARTICLES

Tin mới