Bản tin Biển Đông ngày 28/08/2017.
Mỹ vẫn sẽ tiếp tục hoạt động ở Biển Đông bất chấp sự cố không mong muốn
Ngày 27/8, Reuters, International Business Times cho hay mới đây, Tướng Terrence J. O’Shaughnessy khẳng định tai nạn hàng hải mới đây của tàu USS John McCain với một tàu chở dầu ở vùng biển của Singapore sẽ không làm ảnh hưởng đến việc Mỹ thực hiện các hoạt động tự do hàng hải ở các vùng biển tranh chấp mà Trung Quốc yêu sách trong phạm vi luật quốc tế cho phép cũng như không làm ảnh hưởng đến việc Mỹ triển khai năng lực phòng vệ ở khu vực. Ông O’Shaughnessy dự kiến sẽ tới thăm các nước Đông Nam Á trong tuần này.
Bộ Năng lượng và Bộ Ngoại giao Philippines đang tiến hành thảo luận để dỡ bỏ lệnh cấm khoan dầu khí ở Biển Đông
Ngày 28/8, tờ Business Mirror cho biết, theo thông tin do ông Alfonso Cusi, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Philippines, Bộ Năng lượng và Bộ Ngoại giao Philippines đã tái khởi động các cuộc thảo luận nhằm dỡ bỏ lệnh cấm thăm dò dầu khí ở Biển Đông, cụ thể là tại các khu vực tranh chấp, hướng tới một giải pháp “các bên cùng có lợi”. Ông Cusi cho hay, hai Bộ đang tích cực trao đổi nhằm tìm ra hướng đi đúng đắn nhằm vượt qua những trở ngại để có thể tiếp tục các hoạt động thăm dò và khẳng định các cuộc trao đổi “đang đạt được tiến triển”. Mặc dù vậy ông Cusi không nói rõ bao giờ lệnh cấm sẽ được dỡ bỏ vì lý do “khó có thể đưa ra một khung thời gian ấn định”.
Học giả Philippines: Trung Quốc và Philippines sẵn sàng chia sẻ các khu vực thăm dò tài nguyên hướng đến tương lai hợp tác
Ngày 27/8, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng đăng bài viết “Sẵn sàng chia sẻ các khu vực thăm dò tài nguyên hướng đến tương lai hợp tác giữa Philippines và Trung Quốc” của Phó Giáo sư Richard Heydarian thuộc Đại học De La Salle, Philippines. Ông Heydarian khẳng định hai nước đã bắt đầu xem xét một cách nghiêm túc thỏa thuận chia sẻ tài nguyên ở Biển Đông nhưng lưu ý rằng điểm quan trọng nằm ở chỗ cần phân tích xem Trung Quốc và Philippines đã giải quyết khó khăn ra sao để thúc đẩy tương lai hợp tác. Tác giả cho rằng, mặc dù còn nhiều trở ngại chính trị và pháp lý quan trọng, đối thoại hoà bình đối với tài nguyên chia sẻ trong các khu vực tranh chấp có thể góp phần cải thiện quan hệ ngoại giao giữa các bên tranh chấp.
Trong nhiều tuần qua, Tổng thống Duterte đã nhiều lần phát biểu ủng hộ việc thăm dò và phát triển các tài nguyên hydrocarbon và nguồn cá ở Biển Đông. Trong nhiệm kỳ của mình, ông Duterte cũng đã nhiều lần xoa dịu căng thẳng bằng cách nhấn mạnh vào giá trị của việc khôi phục các khoản đầu tư lớn và quan hệ thương mại với Trung Quốc. Với ông Duterte, đây là cách duy nhất để “chấm dứt tình trạng bế tắc của kẻ thắng – người thua ở Biển Đông, làm tổn hại đến quan hệ đối ngoại giữa các nước láng giềng trong một thời gian đã quá dài”. Thực tế, các thoả thuận chia sẻ tài nguyên cũng đã được quy định trong luật pháp quốc tế. Các thoả thuận cũng mang tính khả thi vì Chủ tịch Tập Cận Bình có thể sẽ áp dụng công thức “thoả thuận ôn hoà” (gác tranh chấp, cùng hợp tác) tương tự như các nhà lãnh đạo tiền nhiệm (Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào) đã áp dụng để giải quyết vấn đề tranh chấp ở Biển Đông.
Tác giả bài viết cho rằng, dựa vào bối cảnh quan hệ với Trung Quốc đang được cải thiện, chính quyền Philippines dự kiến sẽ thúc đẩy các hoạt động thăm dò năng lượng ở khu vực trước khi kết thúc năm 2017.
Chuyên gia Mỹ không mấy lạc quan về kế hoạch phát triển chung ở Biển Đông
Ngày 28/8, trang Business World Online cho biết, trong một email trả lời phỏng vấn tuần trước, ông Gregory B. Poling, Giám đốc Nhóm Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế (CSIS) lo ngại rằng kế hoạch hợp tác phát triển chung giữa Philippines và Trung Quốc ở Biển Đông có thể sẽ khó triển khai và không tận dụng được thắng lợi pháp lý mà Manila đã có được. Ông Poling giải thích, nếu như theo thoả thuận đó, Manila và Bắc Kinh sẽ phải “đặt sang một bên” vấn đề quyền chủ quyền và điều này đồng nghĩa với việc “làm ngơ” trước Phán quyết của Toà Trọng tài vụ kiện Biển Đông ngày 12/7/2016 vì Phán quyết đã kết luận rõ ràng rằng Bãi Cỏ Rong là một bộ phận thuộc thềm lục địa của Philippines. Ông cũng cho rằng “nghiêm trọng hơn, thoả thuận này sẽ vi phạm Hiến pháp của Philippines và có thể sẽ ngay lập tức không được thừa nhận về mặt pháp lý”
Cũng tại cuộc phỏng vấn này, ông Poling đánh giáo cao bất cứ hợp tác năng lượng thương mại nào như vấn đề hợp tác đang được trao đổi giữa Tập đoàn Năng lượng dầu khí Philippines PXP Energy Corp. và Công ty Dầu khí Ngoài khơi quốc gia (CNOOC) vì điều này có thể làm hạ nhiệt căng thẳng ở Biển Đông và cũng phù hợp với luật quốc tế và luật Philippines. Tuy nhiên ông cho rằng có thể Trung Quốc sẽ không chấp nhận quan hệ hợp tác kiểu này vì “dường như Trung Quốc tỏ ra thích thú hơn với “ý tưởng” hợp tác chung”.
Hiện Điện Malacanang và Bộ Ngoại giao Philippines chưa có bình luận gì về những thông tin trên.