Friday, November 8, 2024
Trang chủĐiểm tinBản tin Biển Đông ngày 29/08

Bản tin Biển Đông ngày 29/08

Bản tin Biển Đông ngày 29/08/2017.

ASEAN và Trung Quốc sẽ tổ chức hội thảo về việc thực thi đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông 2002

Ngày 28/8, Bộ Ngoại giao Philippines (DFA) thông báo Bộ này sẽ đứng ra chủ trì Hội thảo về việc thực thi đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2002 (DOC) tại Manila, Philippines vào ngày 28 và 29/8, với sự tham gia của các chuyên gia đến từ Philippines, Trung Quốc và các nước thành viên ASEAN khác. Ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano cho hay, Hội thảo được tổ chức nhằm thảo luận về những thành tựu đã đạt được qua những nỗ lực xây dựng hoà bình và ổn định của các bên trong vấn đề Biển Đông, đồng thời thúc đẩy những nỗ lực nhằm ngăn chặn các sự cố trên biển, duy trì và bảo vệ môi trường biển, thúc đẩy phát triển nghề cá một cách bền vững. Ông Cayetano cho hay “Hội thảo sẽ khẳng định cam kết của Philippines trong việc thực hiện DOC cũng như nỗ lực xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử thực chất và hiệu quả”.

Đây là hội thảo thứ hai do DFA tổ chức. Trước đó, DFA cũng đã tổ chức một hội thảo năm 2015 bàn về việc giải quyết hoà bình các tranh chấp và cái gọi là “tự kiềm chế” đối với hoạt động của các bên tranh chấp ở Biển Đông, như đã nêu trong đoạn 5 của DOC.

Các quan chức quốc phòng Úc trao đổi thẳng thắn về vấn đề Biển Đông với phía Trung Quốc

Ngày 28/8, trang Sky News của Úc đưa tin, ngày 28/8, các quan chức cấp cao đến từ Lực lượng Phòng vệ của Úc và Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã có cuộc gặp tại Canberra, Úc nhân sự kiện hai bên tổ chức các cuộc thảo luận song phương thường niên lần thứ 20. Các quan chức cấp cao của hai bên đã có cuộc trao đổi “thẳng thắn và cởi mở” về những căng thẳng đang leo thang tại bán đảo Triều Tiên và Biển Đông. Phó Đô đốc Ray Griggs nhận định “cuộc thảo luận năm nay khá tích cực, hai bên đã nhất trí duy trì hoà bình và ổn định ở khu vực, đặc biệt là ở bán đảo Triều Tiên và Biển Đông, hai khu vực có ý nghĩa trọng yếu đối với Úc và Trung Quốc cũng như toàn bộ khu vực”.

Tận dụng hay bỏ lỡ: Vì sao Hải quân Canada cần hiện diện ở Biển Đông

Ngày 28/8, trang Ipolitics của Canada đăng bài viết “Tận dụng hay bỏ lỡ: Vì sao Hải quân Canada cần hiện diện ở Biển Đông” của Adam P. MacDonald, cựu quan chức hải quân thuộc Lực lượng Vũ trang Canada.

Trong bài viết, ông Adam cho rằng sự hiện diện về mặt ngoại giao và chiến lược của Canada ở khu vực Đông Á trong hai thập kỷ qua vẫn còn chưa ổn định do  các chính phủ không có khả năng hoặc không muốn thể hiện một chiến lược rõ ràng đối với khu vực, thể hiện ở việc Canada vẫn giữ im lặng về những căng thẳng địa chính trị quan trọng ở khu vực này.

Ông Adam cho hay, một số nhà quan sát đã ủng hộ việc triển khai thường xuyên Hải quân Hoàng gia Canada (RCN) để tạo ra một sự hiện diện rõ ràng trong khu vực. Tuy nhiên một vấn đề vẫn đang được bỏ ngỏ đó là liệu các tàu hải quân Canada có tham gia vào hoạt động tự do hàng hải (FONOP) của Mỹ ở Biển Đông nhằm thách thức các hoạt động bất hợp pháp của Trung Quốc hay không. Mặc dù vậy, tác giả bài viết cho rằng Canada vẫn sẽ phải tiếp tục hiện diện ở Đông Á, thông qua việc triển khai RCN thường xuyên. Tác giả nhấn mạnh đây tuy là một đóng góp nhỏ nhưng sẽ vô cùng quan trọng đối với sự ổn định của khu vực, giúp tăng cường sự tuân thủ luật biển quốc tế và thậm chí giảm bớt sự lo ngại của Mỹ về việc chia sẻ gánh nặng liên quan. Để làm được điều này, ông kêu gọi các nhà lãnh đạo chính trị và quân sự Canada nên bắt đầu chuẩn bị để hưởng ứng đề nghị trong tương lai của Mỹ khi cần các đồng minh tham gia vào FONOP do Mỹ dẫn dắt.

Tuy nhiên, theo ông Adam, trước khi đề nghị đó được đưa ra, Canada cần phải chấp nhận một cách suy nghĩ mang tính chiến lược và toàn diện hơn khi hiện diện ở Đông Á, khẳng định rõ những suy nghĩ của mình về Trung Quốc, Biển Đông và luật biển quốc tế nói chung thông qua việc trả lời các câu hỏi sau: (i) Vị thế của Canada đối với các tranh chấp Biển Đông – đặc biệt đối với các yêu sách bành trướng và các hoạt động quyết đoán của Trung Quốc?, (ii) Các đồng minh trong khu vực như Nhật Bản và Úc sẽ phản ứng thế nào với sự tham gia của Canada vào các FONOP, khi họ vẫn đang do dự về vấn đề này?, (iii) Những điều kiện nào Canada có thể đặt ra trước khi ủng hộ Mỹ tiến hành hoạt động quân sự ở Biển Đông? Bên cạnh đó, tác giả cũng cho rằng trước khi quyết định tham gia vào các FONOP, Canada cần phải có một lập trường rõ ràng về sự trỗi dậy của Trung Quốc và bản chất của quan hệ hai nước. Ngoài ra, Canada cần làm rõ một số vấn đề pháp lý phức tạp liên quan đến các tranh chấp Biển Đông và đưa ra lập trường của riêng mình về vấn đề này.

Công ty dầu khí quốc gia Trung Quốc và tỉnh Quảng Đông ký hợp đồng dự án khai thác khí mêtan hydrate ở Biển Đông

Ngày 28/8, Reuters đưa tin, trên trang thông tin điện tử của Công ty Dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC) ngày 28/8 đăng thông tin cho biết Bộ Đất đai và Tài nguyên Trung Quốc, CNPC và tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc đã thông qua kế hoạch xây dựng dự án khai thác mêtan hydrate thí điểm ở Biển Đông. CNPC cho biết, khu vực diễn ra hoạt động thử nghiệm sẽ là khu vực Shenhu trên Biển Đông (là một trong những vỉa khí gas hydrate tiềm năng nằm trên dốc lục địa phía Bắc Biển Đông). Tuy nhiên, thông báo này không đưa ra thêm bất cứ thông tin gì về lịch trình cũng như kinh phí đầu tư để triển khai dự án này.

Reuters cho hay, mặc dù Chính phủ Trung Quốc nhiều lần tuyên bố “sẽ tích cực phát triển” nguồn mêtan hydrate trong giai đoạn 2016 – 2020 song các chuyên gia trong ngành công nghiệp khẳng định rằng thực tế vẫn chưa có loại công nghệ nào có khả năng khai thác thương mại nguồn tài nguyên tiềm năng này.

Các tàu Trung Quốc gây lo ngại đặc biệt cho Philippines

Ngày 28/8, tờ Asia Times đăng bài viết “Các tàu Trung Quốc gây lo ngại cho Philippines” của PGS. Richard Javad Heydarian thuộc Đại học De La Salle, Philippines.

Ông Heydarian cho hay, trong khi Tổng thống Rodrigo Duterte đã bác bỏ những báo cáo nói rằng Trung Quốc đã chiếm đóng thêm một cấu trúc trên Biển Đông (Sandy Cay) theo cách tiếp cận hoà giải với Trung Quốc, giới quan chức quốc phòng Philippines vẫn hết sức lo ngại, kêu gọi chính quyền có lập trường mạnh mẽ hơn đối với việc Trung Quốc triển khai tàu tới khu vực này. Ông Heydarian nhận định, việc phía Trung Quốc cam kết với các quan chức Philipinnes ngày 16/8 rằng Trung Quốc đã đồng ý không chiếm thêm bất cứ cấu trúc  nào ở Biển Đông hoặc xây dựng trên bãi cạn Scarborough nhưng vẫn triển khai tàu cá tới gần khu vực Đá Thị Tứ đã tạo nên “một cảm giác rõ ràng về sự phản bội và lo ngại về hành động kiểm soát của Trung Quốc” ở một số quan chức Philippines. Một số nhân vật chính trị có ảnh hưởng như Thẩm phán Toà án tối cao Phiilippines Antonio Carpio cũng đã “rung hồi chuông cảnh báo” khi nhận thấy “sự xâm lấn từ từ” của Trung Quốc đối với lãnh thổ của Philippines ở Biển Đông do “nếu Trung Quốc chiếm được toàn bộ Sandy Cay, 1/3 diện tích lãnh thổ Đá Thị Tứ sẽ bị “cắt”, và nếu Trung Quốc quyết định mở rộng cấu trúc này tương tự như những gì đã làm ở các cấu trúc Đá Chữ Thập, Subi và Vành Khăn, thì điều này có thể trực tiếp đe doạ sự hiện diện của Philippines trên Đá Thị tứ cũng như chín cấu trúc khác ở Trường Sa”. Quân đội Philippines đã phải trấn an dư luận rằng “sẽ đưa ra phản đối liên tục đối với bất kỳ động thái khiêu khích của Trung Quốc “và “đưa ra phản đối ngoại giao bất cứ lúc nào trong quá trình theo dõi sát sao các khu vực của Philippines, đặc biệt là Đá Thị Tứ”. Ông Heydarian cho biết, giới lãnh đạo Philippines lại một lần nữa “chia rẽ” về vấn đề Trung Quốc và cách giải quyết vấn đề Biển Đông, trong bối cảnh Trung Quốc vẫn rất quyết đoán trong triển khai các hoạt động mở rộng yêu sách trên biển của mình và tăng cường sự hiện diện tại các vùng biển tranh chấp.

RELATED ARTICLES

Tin mới