Saturday, January 11, 2025
Trang chủĐàm luậnMục tiêu chiến lược của TQ ở biển Đông

Mục tiêu chiến lược của TQ ở biển Đông

Sau khi tuyên bố chủ quyền trên toàn bộ biển Đông, Trung Quốc liên tục lập luận rằng họ cần khai thác trữ lượngdầu khí để phát triển nền kinh tế. Nhưng thực tế chiến lược của Trung Quốc là gì?

Trong suốt thập niên 1990, Việt Nam liên tục phản đối hoặc điều động tàu để can thiệp và gây trở ngại cho việc khảo sát dầu khí của Trung Quốc. Vào ngày 25 tháng 2 năm 1992 , Đại Hội đại biểu Nhân dân toàn quốc đã thông qua luật của Trung Quốc về hải phận và những vùng tiếp giáp. 

Bất chấp những phản đối gay gắt từ phía Đài Loan, Việt Nam, Malaysia, Phillipines, Indonesia, và Brunei, Trung Quốc vẫn khăng khăng tuyên bố chủ quyền lãnh hải đối với tất cả đảo, rặng đá ngầm và những bãi đá ở quần đảo Trường Sa.

Ngoại giao có thể là con đường mà Bắc Kinh sẽ chọn để giải quyết cuộc tranh chấp này, nhưng sự lớn mạnh rất nhanh của hải quân Trung Quốc rõ ràng đóng một vai trò rất quan trọng.

Theo Giang Trạch Đông (Yuan Jing-dong), chiến lược của Trung Quốc gồm hai bước: “Bước đầu là dùng ngoại giao là để duy trì tình hình hiện tại và phát triển hợp tác; đồng thời với việc tăng cường sức mạnh hải quân để trong trường hợp ngoại giao không được thì mới phải dùng đến vũ lực”.

Vào năm 1995, Phillipines và Trung Quốc đã thông qua 8 “nguyên tắc ứng xử”. Tuy nhiên , Bắc Kinh vẫn tiếp tục nâng cấp các công sự ở Trường Sa mặc dù đang có những tranh chấp với Phillipines về chủ quyền đối với bãi cạn Scarborough (Scarborough Shoal-Huangyan Dao), bãi đá lộ Luzon.

Theo một bản báo cáo từ trung tâm nghiên cứu chiến lược RAND thì từ năm 1999, những việc như vậy chứng tỏ rằng “Trung Quốc có thể dùng vũ lực để thực hiện các tuyên bố chủ quyền đối với các đảo đang trong vòng tranh chấp ở biển Đông”.

Chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc và những lợi ích kinh tế luôn đi đôi với nhau vì những hải lộ quan yếu, các vùng đánh bắt thủy sản trù phú, và hàng loạt tiềm năng dầu khí ở biền Đông.

Đặc biệt là trữ lượng lớn dầu khí của Trung Quốc đều nằm ở ngoài khơi, và vì những khu vực này đều nằm ngoài tầm  kiểm soát trực tiếp của quân đội Bắc Kinh, những mối đe doạ này chỉ có thể giải quyết bởi lực lượng hải quân và không quân. Rất nhiều nguồn năng lượng ngoài khơi vẫn chưa được khai thác và những ước tính của Trung Quốc về trữ lượng dầu và khí đốt ở biển Đông rất lớn, đạt đến 213 tỉ thùng dầu thô cho lần khai thác đầu tiên và 33 tỉ mét khối cho lần khai thác thứ hai.

Khi nhìn vào bối cảnh lịch sử của Trung Quốc về việc tranh chấp chủ quyền ở biển Đông, biến cố EP-3 vào tháng tư năm 2001 khiến người Mỹ thấy rõ ràng rằng đây là “dấu hiệu gần đây nhất cho thấy Bắc Kinh đang cố tìm mọi cách để thâu tóm chủ quyền trên toàn bộ biển Đông”.

Vào ngày 1 tháng 4 năm 2001, hai chiếc máy bay chiến đấu F-8 được chế tạo ở Trung Quốc đã tiếp cận máy bay trinh sát EP-3 của Mỹ trên vùng biển Đông khoảng 150km về phía đông nam đảo Hải Nam, và một trong số 2 máy bay F-8 đã vô tình va chạm với máy bay trinh sát EP-3. Trong khi EP-3 hạ cánh an toàn xuống Hải Nam thì máy bay của Trung Quốc đã bị rơi. Chu Shulong, giám đốc khu vực Bắc Mỹ tại Học viện quan hệ Quốc tế đương đại tuyên bố rằng: “Đối với dân chúng, dường như máy bay Mỹ đã bay vào lãnh thổ của Trung Quốc và gây ra cái chết cho viên phi công của chúng ta”. Nhắc đến viên phi công máy bay F-8, Wang Wei, người đã tử thương trong vụ va chạm kể trên thì Chu Shulong cho rằng: “Có cảm giác rằng chúng ta đang bị xâm lăng.”

Mặc dù rằng máy bay Mỹ đã ở bên ngoài giới hạn địa phận Trung Quốc 22km và đang bay trên vùng biển quốc tế, giới chức Trung Quốc vẫn khăng khăng cho rằng vụ va chạm đã xảy ra cách đảo Hải Nam 150km, chính phủ Trung Quốc vẫn tuyên bố chủ quyền trên không phận những vùng biển này bởi vì có một số đảo nhỏ thuộc vùng biển Đông và chính những đảo này đã mở rộng lãnh hải của Trung Quốc.

Một người dân Trung Quốc đã tức giận nói: “Biển Đông là lãnh thổ của chúng ta. Chúng ta phải dạy cho người Mỹ một bài học và cho họ thấy Trung Quốc không phải là Iraq.”. Để tranh luận với những lý lẽ có vẻ hợp pháp của Trung Quốc, Lori F. Damrosch, giáo sư Công Pháp Quốc Tế tại trường Đại Học Columbia, đã vạch ra rằng những đảo nhỏ mà Trung Quốc đã đưa ra như là một phần của biên giới thực chất chỉ là “những cụm đá nhỏ lốm đốm”, và chúng không đủ lớn để có hải phận của riêng chúng.

Trong suốt những cuộc đàm phán nhằm thả tự do cho phi hành đoàn của Mỹ, Trung Quốc đã cố gắng lợi dụng vụ xung đột EP-3 để làm giảm tầm ảnh hưởng của quân đội Mỹ ở châu Á. Richard Solomon, Chủ Tịch Học viện Hoà Bình Hoa Kỳ (the US Institute of Peace) thậm chí đã cảnh cáo rằng:

Bối cảnh [cho cuộc xung đột máy bay này] đã khiến người ta nhớ lại hồi đầu thập niên 1990, khi mà người Trung Quốc đã tìm mọi cách để gạt bỏ Hoa Kỳ ra khỏi vùng Châu Á Thái Bình Dương nếu như họ muốn lấy lại những gì mà họ cho là của họ: Đài Loan và biển Đông,

và nếu như Trung Quốc đã có thể ngăn chặn máy bay của Mỹ bay gần đảo Hải Nam thì điều này vô hình chung  “làm giảm sự có mặt tổng quát của chúng ta [Hoa Kỳ] ở vùng này”

Trung Quốc vẫn không ngừng tìm cách thâu tóm toàn bộ biển Đông. Gần đây nhất, vào ngày 4 tháng 12 năm 2007, Trung Quốc thông báo rằng tất cả lãnh thổ ở biển Đông sẽ được đặt dưới quyền quản lý như là một quận được chia trong phạm vi hành chánh của tỉnh Hải Nam.

Thành phố mới khổng lồ được gọi là Nam Sa, quản lý 3 quần đảo Hoàng Sa , Trường Sa và Trung Sa.  Ngay sau thông cáo này của Trung Quốc, “làn sóng phản đối nổi lên khắp nơi trong vùng: cả Việt Nam và Indonesia đều đã chính thức phản đối lại hành động đơn phương và phủ đầu của Trung Quốc”.

Để đáp trả cho hành động tuyên bố chủ quyền đơn phương của Trung Quốc, đầu tháng hai năm 2008, chủ tịch Trần Thủy Biển (Chen Shui-bian) đã bay sang đảo Ba Đình, đảo lớn nhất ở Trường Sa đang nằm trong vòng kiểm soát của Đài Loan. Chuyến viếng thăm của Trần Thủy Biển không những chứng tỏ rằng việc kéo dài đường phi đạo trên đảo Ba Đình trong thời gian gần đây để có thể tiếp nhận máy bay vận tải khổng lồ C-130, mà còn khằng định các tuyên bố về chủ quyền của Đài Loan đối với các vùng lãnh thổ đang trong vòng tranh chấp.

Sau khi xem xét những dẫn chứng lịch sử về việc tranh chấp hải phận của Trung Quốc, bao gồm cả đảo Đông Sa, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa, cùng các tuyên bố chủ quyền đơn phương của Trung Quốc song song với việc bắt đầu từ năm 2002 mà theo đó Trung Quốc hứa sẽ làm việc cùng với các quốc gia ASEAN để hạn chế những xích mích và giải quyết những mối bất đồng về chủ quyền các đảo này một cách hoà bình, ở một chừng mực nào đó cần được theo dõi và xem xét một cách cẩn trọng.

Đặc biệt vì Đài Loan bị loại trừ ra khỏi hiệp định  – mặc dù Đài Bắc vẫn là bên đưa ra những tuyên bố chủ quyền đối với các lãnh thổ đang trong vòng tranh chấp này và hiện đang chiếm hữu một số đảo lớn –  thì lại càng không thể hy vọng đạt được một giải pháp lâu dài qua đường lối ngoại giao. Điều này rõ ràng đã mở rộng cửa để một ngày không xa Trung Quốc sẽ áp đặt và sử dụng vũ lực ở biển Đông. 

Nhìn vào việc phát triển nhanh chóng tiềm năng liên lạc vô tuyến, vệ tinh thám báo, và các công trình hỗ trợ của hải quân trên các đảo ở biển Đông, Trung Quốc rõ ràng đang tiến hành một chiến lược hải quân nhằm gia tăng việc kiểm soát hàng hải ở vùng này. Thay vì đầu tư vào việc xây dựng một hàng không mẫu hạm đắt tiền và phải mất thời gian khá lâu để có thể đưa vào sử dụng, Trung Quốc đã quyết định xây dựng các căn cứ đa năng, đa dụng trên các đảo nằm ở các vị trí chiến lược ngoài khơi và đã liên kết các căn cứ này bằng một mạng thông tin điện tử vô tuyến hiện đại. Hầu hết những căn cứ này đều có những bãi đáp trực thăng và những bến tàu từ nhỏ đến trung bình để có thể tiếp nhận thêm nhân sự cũng như tiếp tế hậu cần bằng đường biển.

Nếu xung đột quân sự nổ ra, hoặc nếu như Bắc Kinh có những chính sách hiếu chiến hơn, thì những con tàu trên mặt biển của Trung Quốc, hải lục không quân, tàu ngầm, và những lực lượng hải quân khác có thể sử dụng những căn cứ này một cách dễ dàng để hỗ trợ cho việc bành trướng xa hơn nữa.

Từ những bài học trong quá khứ, Bắc Kinh sẽ không do dự để có những hành động chống lại những gì mà họ cho là một “sự thách đố” đối với “thanh thế đang lên của Trung Quốc như là một siêu cường.” Mi Chấn Ngọc (Mi Zhenyu), nguyên sĩ quan chỉ huy của Học viện Khoa học Quân sự của quân đội Trung Quốc, đã phát biểu rằng: “Trung Quốc phải phát triển sức mạnh hải quân đề bảo vệ và nhất định không nhân nhượng dù chỉ một inch trong tổng số ba triệu km đường lãnh hải. Trung Quốc phải xây dựng cho được một Vạn Lý Trường Thành trên biển.

Tuy nhiên, để bảo đảm cho các tuyên bố mở rộng chủ quyền ở biển Đông, Bắc Kinh trước hết sẽ phải vượt qua rất nhiều những nhược điểm và thiếu sót nghiêm trọng trong lực lượng hải quân của họ. Không thể chỉ với một quan điểm quân sự đơn thuần, hải quân Trung Quốc lại có thể thách thức cùng một lúc với tất cả các nước láng giềng Đông Nam Á.

Rất có thể Trung Quốc sẽ tìm cách triển khai những chiến lược về hàng hải dài hạn hơn để họ có đủ thời gian vượt qua các nhược điểm về học thuyết, về trang thiết bị, và về huấn luyện. Cũng như Michael McDevitt đã từng cảnh báo một cách khéo léo rằng:

Việc tranh giành diễn ra liên tục trong vùng ở biển Đông về chủ quyền của quần đảo Trường Sa….và hồi ức lịch sử còn đó về một “thế kỷ nhục nhã” của Trung Quốc… gây ra bởi các nước phương Tây “đến từ biển” tất cả đã kết hợp lại thành vấn đề trọng tâm của việc cần thiết phải có một chiến lược đối với biên giới biển đảo của Trung Quốc.

BDN – ST

RELATED ARTICLES

Tin mới