Máy bay tàng hình F-35, máy bay vận tải Osprey cùng nhiều hệ thống radar, tên lửa phòng thủ được ưu tiên hàng đầu trong kế hoạch chi của Nhật Bản.
Quân đội Nhật Bản. (Ảnh: Bloomberg)
Chỉ 2 ngày sau vụ tên lửa đạn đạo của Triều Tiên bay qua lãnh thổ Nhật Bản và rơi xuống Thái Bình Dương, thủ tướng Nhật Bản hôm nay đã đệ trình lên Quốc hội nước này đề xuất tăng ngân sách quốc phòng cho tài khóa 2018 lên mức kỉ lục, 5.260 tỷ yên (khoảng 48 tỷ USD).
Đây là lần tăng ngân sách quốc phòng thường niên lần thứ 6 dưới thời thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.
Động thái này nhằm tăng cường khả năng phòng thủ bằng tên lửa của đất nước mặt trời mọc, trong bối cảnh Triều Tiên liên tục tiến hành thử tên lửa và sự gia tăng căng thẳng trong quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên.
Chiếm phần lớn trong khoản ngân sách khổng lồ này là khoản kinh phí để mua các hệ thống đánh chặn tên lửa ở tầm cao hơn và chính xác hơn như hệ thống Block IIA SM-3 tàu đối không hay MSE PAC-3 đất đối không.
Hôm qua, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera, nhân vật luôn ủng hộ chủ trương tăng cường khả năng phòng thủ và đánh chặn bằng tên lửa, đã tuyên bố chính quyền Tokyo cần phải nhanh chóng nâng cấp kho vũ khí tên lửa của nước mình.
Ông cũng thông báo Nhật Bản đang cân nhắc bổ sung hệ thống phòng thủ tên lửa dưới mặt đất Aegis Ashore và cả Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD). Theo các chuyên gia, Nhật Bản chỉ cần trang bị 2 hệ thống Aegis Ashore là đủ sức bảo vệ toàn bộ lãnh thổ nước này.