Phản ứng mạnh mẽ việc Trung Quốc tuyên bố sẽ tiến hành tập trận ngoài cửa vịnh Bắc Bộ, ngày 31.8.2017, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã giao thiệp với đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, để nêu rõ lập trường của Việt Nam.
Trung Quốc tập trận ngoài cửa vịnh Bắc Bộ tháng 8/2016
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: “Việt Nam hết sức quan ngại về việc Trung Quốc công bố tiến hành diễn tập quân sự trong khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ. Lập trường của Việt Nam là mọi hoạt động của nước ngoài trong vùng biển thuộc quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam cần phải được thực hiện phù hợp với các quy định của luật pháp Việt Nam và luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982. Việt Nam đề nghị Trung Quốc chấm dứt và không lặp lại các hành động làm phức tạp tình hình tại Biển Đông”.
Không phải bây giờ Trung Quốc mới giở trò xấu trên Vịnh Bắc Bộ. Từ nhiều năm nay tình hình tranh chấp chấp chủ quyền và tình trạng ngư dân của hai nước Việt Nam và Trung Quốc thường xuyên vi phạm đánh bắt hải sản trái phép. Trên thực tế hai nước đều có nhu cầu tiến hành hợp tác đàm phán để phân định vịnh Bắc Bộ nhằm đạt được hai mục tiêu cơ bản và lâu dài.
Hai mục tiêu đó là: Một, xác định đường phân giới rõ ràng, phân chia vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa giữa hai nước. Hai, việc giải quyết vấn đề này sẽ tạo cơ sở và động lực thúc đẩy quá trình xây dựng lòng tin, tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện giữa hai nước. Đồng thời, qua đó làm cơ sở cho việc tiếp tục phân định biển giữa hai nước ở khu vực ngoài cửa vịnh Bắc Bộ.
Kiên trì nhiều công việc trong hơn 30 năm qua, từ 1982 đến 2015, Việt Nam đã giải quyết được 2 trong 3 vấn đề biên giới với Trung Quốc: Hoàn thành việc cắm mốc biên giới trên bộ; phân định vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa ở vịnh Bắc Bộ và hợp tác nghề cá ở vịnh Bắc Bộ. Hiện tại chỉ còn lại vấn đề đàm phán phân định biển khu vực ngoài cửa vịnh Bắc Bộ chưa giải quyết xong.
Ngày 19/10/1993, Hà Nội và Bắc Kinh đã tiến hành ký Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề biên giới lãnh thổ giữa hai nước. Nội dung của thỏa thuận quy định rõ, hai bên sẽ áp dụng luật quốc tế và tham khảo thực tiễn quốc tế, theo nguyên tắc công bằng và tính đến những đặc điểm cấu tạo địa lý trong vịnh Bắc Bộ để đi đến một giải pháp công bằng.
Trên cơ sở đó, Việt Nam đề nghị phía Trung Quốc vận dụng những quy định của UNCLOS làm cơ sở pháp lý để phân định vịnh Bắc Bộ. Việt Nam phê chuẩn UNCLOS vào ngày 23/6/1994 và Trung Quốc phê chuẩn vào ngày 15/6/1996. Đây được xem là điều kiện thuận lợi để tiến hành đàm phán phân định vịnh Bắc Bộ. Phải chờ đến năm 1996 khi cả hai nước đã là thành viên chính thức của UNCLOS, thì UNCLOS mới thực sự trở thành cơ sở pháp lý chung, để hai nước vận dụng vào quá trình đàm phán và giải quyết những vấn đề liên quan đến phân định vịnh Bắc Bộ.
Quan điểm của VIệt Nam rất rõ ràng: Cần phải căn cứ luật pháp và thực tiễn quốc tế, hoàn cảnh khách quan của vịnh Bắc Bộ để phân định nhằm tìm kiếm một giải pháp công bằng. Tỷ lệ diện tích mà hai bên chấp nhận được đã phản ánh quá trình kiên trì đàm phán của, không phải là tiền đề của việc phân định, công bằng không đồng nghĩa với việc chia đôi.
Việt Nam đề nghị dùng phương pháp đường trung tuyến có điều chỉnh. Phương pháp này phổ biến trong thực tiễn quốc tế, phù hợp với UNCLOS. Theo đó, một đường trung tuyến ban đầu đã được vạch ra có tính đến hiệu lực của tất cả các đảo, nhất là đảo Bạch Long Vĩ, có sự điều chỉnh cần thiết theo hiệu lực pháp lý và sự quan tâm của mỗi bên. Qua một thời gian dài thương lượng, hai nước đã đi đến thống nhất ký Hiệp định phân định vịnh Bắc Bộ ngày 25/12/2000.
Việc Việt Nam ký Hiệp định phân định vịnh Bắc Bộ với Trung Quốc đã tạo nên một cơ sở pháp lý vững chắc để quản lý biên giới, lãnh thổ, thực hiện mục tiêu xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định lâu dài và tạo động lực thúc đẩy, tăng cường quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước. Hiệp định phân định vịnh Bắc Bộ đã xác định đường biên giới lãnh hải giữa Việt Nam và Trung Quốc ở khu vực ngoài cửa sông Bắc Luân và phân định rõ ràng phạm vi vùng đặc quyền kinh tế và phạm vi thềm lục địa của hai nước ở Vịnh. Hai bên đã tiến hành đàm phán về nghề cá song song và độc lập với đàm phán về phân định vịnh Bắc Bộ.
Sau quá trình đàm phán kéo dài 27 năm từ năm 1974 đến năm 2000, Hiệp định phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trong vịnh Bắc Bộ đã được Việt Nam và Trung Quốc ký kết. Việc ký kết hai Hiệp định là sự kiện quan trọng đối với Việt Nam cũng như quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc, tạo thuận lợi cho việc quản lý và duy trì sự ổn định trong vịnh Bắc Bộ.
Việc ký kết và phê chuẩn hai Hiệp định về vịnh Bắc Bộ đã mở ra một trang mới trong lịch sử xác định biên giới, phạm vi chủ quyền và tạo ra được một khuôn khổ hợp tác nghề cá cho hai nước ven bờ Vịnh. Từ năm 2001 đến năm 2004, hai nước đã tiến hành đàm phán Nghị định thư bổ sung Hiệp định hợp tác nghề cá để xác định ranh giới các vùng biển, số lượng tàu thuyền và chế độ pháp lý của các vùng đánh cá chung và vùng dàn xếp quá độ.
Nhưng “cây muốn lặng gió chẳng đừng”. Việc phân định biển giữa Việt Nam và Trung Quốc ngoài cửa vịnh Bắc Bộ này vẫn còn gặp nhiều khó khăn, do quan điểm của hai nước có nhiều sự khác biệt, đặc biệt là quan điểm về chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên các vùng biển. Trung Quốc miệng nói hòa bình, hợp tác, nhưng luôn cậy thế nước lớn làm những chuyện đã rồi, coi Biển Đông là cái ao nhà của họ.Và việc Trung Quốc tập trận ngoài cửa vịnh Bắc Bộ ngay sau khi nước này vừa giao chức Tổng Tham mưu trưởng Quân đội cho ông Lý Tác Thành, một vị Tướng vốn thâm thù đối với Việt Nam, là một hành động ngông cuồng, bất chấp luật pháp quốc tế.
Là thành viên có trách nhiệm của một số công ước quốc tế về biển, đặc biệt là UNCLOS, Việt Nam kiên trì đàm phán với Trung Quốc và yêu cầu Trung Quốc phải dựa trên những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, luật biển quốc tế, đặc biệt là những quy định của UNCLOS để giải quyết vấn đề phân định biển. Trước hết là dừng ngay việc tập trận ngoài cửa vịnh Bắc Bộ. Làm như thế là Bắc Kinh đang rước lửa vào nhà!