Gỡ bỏ cấm vận Nga sẽ có lợi cho cả Nga và Đức nhưng Mỹ không nghĩ vậy…
Thông tấn TASS ngày 29/8 thông tin, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã tổ chức cuộc họp báo lớn trong đó bà chia sẻ về việc nước Đức hứng chịu các cấm vận qua lại giữa Nga và châu Âu.
Theo đó, Thủ tướng Đức cho rằng, việc loại bỏ một số biện pháp trừng phạt kinh tế sẽ có lợi cho cả Nga và Đức.
“Đúng như các bạn nói, điều này sẽ tốt cho nền kinh tế Nga và cho nền kinh tế Đức” – bà nói với các phóng viên.
Nữ Thủ tướng dường như rất quyết tâm vào điều kiện giả định này.
Bà Merkel cho biết rõ ràng là muốn gỡ bỏ các cấm vận giữa Nga và châu Âu, cần có các điều kiện. Đặc biệt là việc nghiêm túc thực hiện thỏa thuận hòa bình Minsk cho cuộc nội chiến ở Ukraine.
“Các biện pháp trừng phạt của Liên minh châu Âu đối với Nga chỉ có thể được gỡ bỏ sau khi Kiev giành được quyền kiểm soát Donbass” – bà Merkel nhắc lại.
“Các biện pháp trừng phạt kinh tế đã được đưa ra đối với tình hình ở Ukraine – ở các khu Donetsk và Lugansk – nơi mà Kiev không có chủ quyền trên lãnh thổ của mình”- bà nói thêm.
Khẳng định tầm quan trọng của việc tuân thủ đúng Hiệp định Minsk, Thủ tướng Merkel cho rằng: nếu tuyên bố ngừng bắn ở Donbass đã được coi là điều “bất di bất dịch” để ràng buộc các bên thực hiện đúng, thì “nó sẽ tạo cơ sở cho các quyết định chính trị xa hơn nữa”.
Nữ Thủ tướng Đức cho biết, bà sẽ tiếp tục làm việc hết sức mình đề tìm kiếm một phương pháp ràng buộc các bên thực hiện điều kiện hòa bình – thỏa thuận Minsk về các khu vực Donbass. Những phương pháp được thực hiện tới đây sẽ có sự tham gia của Hoa Kỳ.
“Nếu chúng ta thành công trong việc thực hiện Hiệp định Minsk, có khả năng chúng ta sẽ có cơ hội để lại bàn về các biện pháp trừng phạt” – Thủ tướng Đức nói thêm.
Rõ ràng, trong ý chí quyết tâm của nữ Thủ tướng Đức, các lệnh trừng phạt chống Nga khó nên để kéo dài quá lâu.
Thủ tướng Đức đã bày tỏ công khai về những nỗ lực rất nhiệt tình của bà trong việc thúc đẩy một lệnh ngừng bắn ở miền Đông Ukraine nhưng đi vào bế tắc.
Bằng việc nói với báo chí về khả năng Mỹ sẽ can thiệp vào tình hình Ukraine, bà Merkel đang thể hiện phần nào những bất đồng của mình trong việc Mỹ liên tục sử dụng các lệnh trừng phạt để áp đặt lên Nga.
Trước đó, đầu tháng 8, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký lệnh trừng phạt mới đối với Nga, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev tuyên bố rằng các biện pháp trừng phạt Nga mới của Mỹ mang tính chất toàn diện và có thể sẽ kéo dài hàng chục năm.
Ông Medvedev đã so sánh lệnh trừng phạt mới này với đạo luật Jackson-Vanik, được Quốc hội Mỹ đưa năm 1974 với nội dung chủ yếu là cấm trong buôn bán với các nước xã hội chủ nghĩa và không cho phép các quốc gia này tiếp cận những chương trình của Chính phủ Mỹ.
Thủ tướng Nga nhấn mạnh rằng, dự luật mới này thậm chí còn có thể khắc nghiệt hơn đạo luật Jackson-Vanik, thậm chí có thể kéo dài nhiều năm vì nó mang tính chất toàn diện và không thể hủy bỏ bằng một sắc lệnh đặc biệt của tổng thống mà không có sự đồng ý của quốc hội.
“Đây là một tuyên bố về một cuộc chiến kinh tế toàn diện với Nga”, ông Medvedev viết trong một bài viết trên Facebook với cả tiếng Anh và tiếng Nga. Ông Medvedev đã viết: “Trừ phi một phép lạ xảy ra,” dự luật này sẽ ảnh hưởng đến quan hệ Mỹ-Nga trong nhiều thập kỷ tới.”