Người dân tại Nhật Bản sáng qua thức dậy trong nỗi âu lo vì cảnh báo khẩn cấp của chính quyền về vụ phóng tên lửa mới nhất của CHDCND Triều Tiên.
Vào khoảng 6 giờ sáng 29.8 (giờ địa phương), tiếng tít tít báo tin nhắn từ điện thoại di động đã đánh thức hàng triệu người dân sống tại tỉnh đảo Hokkaido, miền bắc Nhật Bản và nhiều địa phương khác của nước này. Chia sẻ với Thanh Niên, anh Lê Phú đang làm việc tại thành phố Sapporo, trung tâm hành chính của Hokkaido, cho biết tin nhắn báo động đầu tiên được Cơ quan Quản lý hỏa hoạn và thiên tai thuộc Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật gửi tới, thông báo việc Triều Tiên vừa phóng tên lửa và kêu gọi tất cả mọi người sẵn sàng di tản đến các tòa nhà vững chắc hoặc hầm trú ẩn. Hơn 10 phút sau, cơ quan trên tiếp tục gửi tin nhắn cho biết tên lửa của Triều Tiên vừa bay qua lãnh thổ Nhật và rơi xuống biển, đồng thời khuyến cáo người dân không đến gần bất kỳ vật thể đáng ngờ nào mà phải báo ngay cho cảnh sát hoặc sở cứu hỏa.
Bên cạnh đó, chính quyền còn nhanh chóng dùng còi hú và phát loa thông báo khắp các khu phố để đảm bảo mọi người đều nắm được thông tin. Tại Tokyo, một số chuyến tàu cũng tạm ngưng hoạt động trong lúc tên lửa bay qua. Anh Chung Chí Công đang công tác tại thị trấn Higashikawa thuộc Hokkaido kể với Thanh Niên: “Mặc dù ở trong khách sạn nhưng tôi cảm nhận rõ không khí báo động. Cả thị trấn nhốn nháo lúc 6 giờ sáng. Hệ thống loa khách sạn cũng được bật hết công suất. Sau khi nghe tin tên lửa không rơi xuống đất liền, đoàn làm phim chúng tôi ra ngoài thì thấy phóng viên tập trung đưa tin, phỏng vấn rất nhiều. Hầu hết mọi người đều hoang mang và lo lắng”.
Theo chị Đào Ngọc, một người Việt sống tại thành phố Ishinomaki thuộc tỉnh Miyagi, người dân khu chị ở sáng qua đã bàn tán xôn xao về vụ việc, hầu hết đều cảm thấy bất bình trước động thái của Triều Tiên. Chị Ngọc cho biết thêm nhà chị gần khu căn cứ quân sự Matsushima ở tỉnh Miyagi nên có thể nghe thấy mật độ máy bay cất cánh vào sáng 29.8 nhiều hơn thường ngày.
Trên thực tế, Triều Tiên từng 2 lần phóng hỏa tiễn bay qua Nhật vào các năm 1998 và 2009. Tuy nhiên, những lần này tên lửa được phóng để mang theo vệ tinh lên quỹ đạo và Triều Tiên đã thông báo trước về vụ phóng năm 2009. Còn vụ phóng mới nhất có mục đích quân sự rõ ràng và xảy ra bất thình lình. Chính sự việc bất thường này khiến nhiều người lo lắng tên lửa có thể rơi xuống đất nước Nhật bất cứ lúc nào. Chị Lâm Phối Nghy đang sống và làm việc ở thành phố Saitama không giấu nổi sự hoang mang khi kể về lúc nghe tin cảnh báo. Chị Nghy còn cho biết không ít người Nhật đã xây hầm để lánh nạn trong trường hợp xấu nhất.
Hầu hết mọi người đều đánh giá phản ứng của chính phủ Nhật đối với việc Triều Tiên phóng tên lửa là nhanh chóng và kịp thời. Theo anh Chung Chí Công: “Chính quyền đã dùng nhiều phương tiện để truyền thông tin nhanh nhất đến người dân, còi báo động giúp tất cả mọi người đều có thể nắm bắt được tình hình. Dù mới 6 giờ sáng nhưng bật ti vi lên đã thấy đại diện chính phủ có mặt và tổ chức họp báo”.
Chứng tỏ năng lực
Hầu hết chuyên gia nhận định vụ thử tên lửa mới nhất là động thái chứng minh năng lực của Triều Tiên, sau khi nước này hồi đầu tháng 8 đe dọa sẽ phóng 4 tên lửa Hwasong-12 về phía đảo Guam của Mỹ. Dựa vào dữ liệu ước tính ban đầu, tên lửa được phóng đi ngày 29.8 có thể là loại Hwasong-12 với mục đích xây dựng độ tin cậy trước khi phóng đến Guam, vì loại tên lửa này mới chỉ được phóng thành công một lần hồi tháng 5. Chuyên gia David Wright thuộc Liên minh Các nhà khoa học Mỹ (UCS) nhận xét hành động mới nhất chứng tỏ mức độ tự tin mới của Triều Tiên, vì trước nay nước này thường “tránh phóng tên lửa bay qua Nhật Bản bằng cách phóng ở quỹ đạo bổng, hoặc phóng về hướng nam”.
Nhà phân tích Abraham Denmark, cựu quan chức hàng đầu của Lầu Năm Góc về vấn đề Đông Á, nhận xét đây là bước leo thang nguy hiểm vì tên lửa Triều Tiên thường phát nổ thành nhiều mảnh khi đang bay. “Nếu điều này xảy ra và các mảnh vỡ rơi xuống Nhật thì dù Triều Tiên không cố ý, đó cũng sẽ bị coi là cuộc tấn công”, ông Denmark nói. Còn nghị sĩ Konstantin Kosachev, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Nga, khẳng định “Bình Nhưỡng đã chứng tỏ mối đe dọa đối với căn cứ Mỹ trên đảo Guam không phải là lời nói khoác”. Cũng có ý kiến lý giải vụ phóng chứng minh Triều Tiên không có ý định đàm phán về chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này, dù Mỹ vài tuần qua để ngỏ khả năng đối thoại. “Triều Tiên hành xử như họ là quốc gia hạt nhân. Bạn có thể vạch vô số lằn ranh đỏ nhưng trong đầu họ thật sự chỉ có ý niệm rằng họ đang ở đỉnh cao của quá trình sở hữu năng lực vốn chỉ nằm trong tay những cường quốc”, nhà nghiên cứu John Park nói với Bloomberg.