Nếu sử dụng vũ khí hạt nhân hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân sẽ là hành động tự sát. Tuy nhiên, thử nghiệm các loại tên lửa khác nhau và tuyên bố sẽ phóng nhiều tên lửa vào Thái Bình Dương và lãnh thổ Mỹ có thể lại là “nước cờ” mang lại chiến thắng cho ông Kim Jong-un.
Động thái được tính toán kỹ lưỡng
Không phải ngẫu nhiên chỉ trong vòng 4 ngày Triều Tiên đã liên tiếp tiến hành hai vụ phóng tên lửa, và nhà lãnh đạo của nước này Kim Jong-un thậm chí còn yêu cầu tiếp tục tiến hành nhiều vụ phóng tên lửa vào Thái Bình Dương.
Đằng sau các động thái của Triều Tiên là cả một loạt các toan tính chiến lược của ông Kim Jong-un.
Những ai nghiên cứu về tên lửa Triều Tiên đều có chung đánh giá rằng, mỗi quả tên lửa mà nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ra lệnh phóng đi đều có chi phí khá cao.
Trong khi đó, trước sự cấm vận của Mỹ và đồng minh, của Liên hợp quốc, Triều Tiên không có nguồn cung nguyên liệu dồi dào, và việc chế tạo tên lửa đối với Triều Tiên cũng không dễ dàng hoặc không có giá thành rẻ.
Vì vậy, khi Kim Jong-un ra lệnh phóng các tên lửa mang tính chiến lược, có thể khẳng định rằng đó là một động thái đã được tính toán hết sức kỹ lưỡng để có thể mang lại giá trị tối đa về chính trị, kỹ thuật và sự thử nghiệm.
Đặc biêt, vụ phóng tên lửa đạn đạo ngày 29/8 qua lãnh thổ Nhật Bản vào Thái Bình Dương – một lần nữa phớt lờ những lời cảnh báo trước đây của Mỹ và các đồng minh – là một ví dụ điển hình. Và đằng sau mỗi vụ phóng tên lửa của Triều Tiên đều ẩn chứa một chiến lược nhất định.
Duy trì sự tồn vong của chế độ
Các chuyên gia về tình hình bán đảo Triều Tiên nhận định, chính khả năng Triều Tiên có thể phóng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân tới lục địa Mỹ là “câu thần chú” giúp chính quyền Bình Nhưỡng “sống sót” và duy trì sự tồn vong của chế độ trước các mối đe dọa về an ninh và cấm vận từ Mỹ và đồng minh.
Và đó là lý do tại sao ông Kim Jong-un ráo riết hoàn thiện cũng như liên tục thử nghiệm các chủng loại tên lửa khác nhau bất chấp phản ứng từ cộng đồng quốc tế.
Theo đánh giá của Vipin Narang, Phó Giáo sư Khoa học Chính trị của Viện Công nghệ Massachusetts và cũng là chuyên gia về chiến lược hạt nhân: “Lý do chủ yếu khiến Triều Tiên phát triển tên lửa đạn đạo liên tục địa là nhằm ngăn chặn Mỹ trả đũa hạt nhân bởi nếu họ có thể đưa một thành phố hay nhiều thành phố của Mỹ vào vòng nguy hiểm, những tính toán của Mỹ sẽ thay đổi.
Liệu Mỹ có thực sự sẵn lòng đặt Los Angeles hay Chicago vào tình thế nguy hiểm để trả đũa một cuộc tấn công nhằm vào một căn cứ quân sự của Mỹ trong khu vực hay không? Có lẽ là không”. Chính vì lẽ đó, Kim Jong-un mới đặt cược lớn. Nếu câu trả lời thực sự là “không”, vậy thì khi đó Triều Tiên có một cơ hội – mặc dù mong manh và nguy hiểm – ngăn chặn một cuộc tấn công thông thường quy mô lớn của Mỹ để sống sót.
Một cuộc tấn công phủ đầu thành công của Mỹ có thể xóa sổ ban lãnh đạo Triều Tiên chỉ trong vòng vài giờ hoặc vài ngày, hoặc ít nhất cũng làm tan rã hoàn toàn bộ máy chỉ huy của Triều Tiên, phá hủy sức mạnh chiến đấu của nước này. Vì vậy, Triều Tiên có động lực mạnh mẽ là phải leo thang nhanh chóng trước khi bị mất tất cả.
Dưới thời Kim Nhật Thành và Kim Jong-il, Triều Tiên dựa vào kho vũ khí thông thường nằm ở ngay phía bắc Khu phi quân sự hóa để đe dọa Mỹ, bởi nước này hiểu rằng Mỹ sẽ không làm bất kỳ điều gì có thể dẫn đến một cuộc tấn công nhằm vào thủ đô Seoul của Hàn Quốc, gây thương vong nghiêm trọng và sự hủy diệt. Sau này, Kim Jong-un – do lo ngại về “các cuộc tấn công chết chóc” – đã bổ sung thêm tên lửa và vũ khí hạt nhân vào kho vũ khí đó, coi đấy là tấm lá chắn bảo vệ thứ hai.
Việc Triều Tiên phát triển hàng loạt tên lửa, có thể được phóng từ đất liền hoặc tàu ngầm và dễ dàng được cất giấu hoặc chuyên chở tới các khu vực xa xôi, khó bị phát hiện nằm trong toan tính chiến lược của ông Kim Jong-un đó là vô hiệu hóa lựa chọn quân sự của Mỹ. Đồng thời, giúp tăng cường khả năng Triều Tiên chống đỡ một cuộc tấn công phủ đầu hoặc một làn sóng trả đũa ồ ạt từ Mỹ và đồng minh.