Tuesday, November 5, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiPhóng tên lửa: Dụng ý sâu xa của Triều Tiên

Phóng tên lửa: Dụng ý sâu xa của Triều Tiên

Nhật Bản đang đối mặt hậu quả an ninh bất lợi vì những hành động mà Mỹ đang làm với Triều Tiên. Trong vụ phóng tên lửa của Triều Tiên ngày 29/8, công nghệ và chiến lược đã phối hợp với nhau để làm dao động niềm tin của các đồng minh vào những cam kết an ninh của Washington ở Đông Bắc Á, các chuyên gia nhận định.

Tuần này Triều Tiên phóng một tên lửa được thiết kế để mang theo đầu đạn hạt nhân qua không phận Nhật Bản. Sau vụ phóng, Triều Tiên không úp mở về ý định sẽ phóng tiếp tên lửa trong tương lai. Truyền thông nhà nước Triều Tiên đưa tin, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un kêu gọi “thực hiện thêm nhiều cuộc diễn tập phóng tên lửa đạn đạo nhằm vào mục tiêu trên Thái Bình Dương”. Vụ phóng này được đánh giá là cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo gây hấn nhất từ khi Bình Nhưỡng bắt đầu phóng tên lửa Scud thế hệ đầu tiên vào những năm 1980.

Đối với những người quan sát chương trình tên lửa đạn đạo của Triều Tiên, hàng loạt vụ phóng thử tên lửa tầm xa trong suốt 30 tháng qua không phải điều đáng ngạc nhiên. Nếu có ngạc nhiên thì đó là tốc độ mà Bình Nhưỡng đang vượt qua nhiều ngưỡng về kỹ thuật. Chỉ trong vài tháng, Triều Tiên đã khoe nhiều tên lửa mới có khả năng hoạt động tốt để cuối cùng có thể tạo thành cốt lõi của sức mạnh hạt nhân đang lớn mạnh.

Những vụ thử tên lửa đạn đạo của Triều Tiên đều bị coi là khiêu khích và vi phạm luật quốc tế. Việc phóng tên lửa bay qua Nhật Bản cũng bị coi như vậy, nhưng đối với Triều Tiên, hành động này không chỉ là sự khiêu khích diễn kịch. Những vụ phóng tên lửa như vụ trong tuần này sẽ trở thành điều thường xuyên vì vừa khẳng định Triều Tiên có đủ trình độ kỹ thuật để tạo nên tính răn đe, vừa phục vụ mục đích chiến lược của họ trong việc nâng cao vị thế để cuối cùng có thể ngồi vững trên bàn đàm phán với Mỹ.

Vụ phóng tên lửa qua Nhật Bản lần đầu tiên năm 1998 từng bị coi là hành động khiêu khích bất thường, khiến Nhật Bản nhìn thấy trước một tương lai kinh khủng là việc Triều Tiên phóng tên lửa qua đầu họ sẽ trở thành một thực tế cuộc sống. Từ đó, Nhật Bản đặc biệt quan tâm hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo, đầu tư nhiều tiền vào các hệ thống đánh chặn đặt trên biển như hệ thống Aegis-3 hay Patriot-3. Tuần này, tương lai kinh khủng đó đối với Nhật Bản đã trở thành hiện tại. Sau vụ phóng vừa qua của Triều Tiên, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói rằng, đất nước ông sẽ thực hiện “mọi biện pháp có thể” để bảo đảm an toàn cho người dân.

Đầu năm nay, Nhật Bản thực hiện nhiều cuộc diễn tập sơ tán cho người dân sống ở các khu vực có khả năng trở thành mục tiêu của tên lửa đạn đạo Triều Tiên. Chính phủ Nhật Bản đang đề xuất tăng ngân sách cho năm 2018 để mua các hệ thống phóng thủ tên lửa đạn đạo đời mới. Tokyo cũng có thể mua hệ thống Phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối như ở Hàn Quốc. Mối đe dọa ngày càng lớn từ Triều Tiên đối với Nhật Bản sẽ thúc đẩy kế hoạch của ông Abe nhằm sửa đổi hiến pháp để cho phép Tokyo chính thức sở hữu vũ khí tấn công có thể đối phó Triều Tiên, các nhà phân tích nhận định.

Gây chia rẽ đồng minh

Ngay cả khi Tokyo phải tính kế đối phó cơn ác mộng từ lâu, điều quan trọng là phải nhìn ra những lý do quan trọng khiến Bình Nhưỡng tiếp tục phóng tên lửa qua Nhật Bản, giới phân tích nhận định.

Về kỹ thuật, những tên lửa trước đây của Triều Tiên thường rơi xuống vùng biển Nhật Bản. Nhưng vụ phóng qua đầu Nhật Bản trong tuần này giúp các nhà khoa học Triều Tiên có thể quan sát tên lửa của họ sẽ hoạt động như thế nào trong một cuộc tấn công thực sự. Về chiến thuật, Bình Nhưỡng hy vọng những vụ phóng như vậy sẽ khiến Tokyo và Seoul ngờ vực những lợi ích mà họ có được trong quan hệ đồng minh với Mỹ. Triều Tiên tuyên bố rõ ràng rằng, họ thực hiện vụ phóng lần này vì Washington phớt lờ khúc mở màn của họ, vẫn tiếp tục cuộc tập trận mang tên Người bảo vệ tự do Ulchi với Hàn Quốc.

Bình Nhưỡng không đề cập đến Nhật Bản trong những cuộc tập trận gần đây với Mỹ. Nhưng dụng ý đã rõ ràng: Tokyo đang đối mặt những hậu quả an ninh bất lợi vì những hành động mà Mỹ đang làm với Triều Tiên. Tên lửa tầm xa mới của Triều Tiên cho phép tạo nên mối đe dọa rất thực đối với Nhật Bản, và có thể tạo ra chia rẽ giữa Tokyo với Washington. Trong trường hợp này, công nghệ và chiến lược đã phối hợp với nhau để làm dao động niềm tin của các đồng minh của Mỹ vào những cam kết an ninh của Washington ở Đông Bắc Á.

Những lựa chọn còn lại là gì? Đó có thể là biện pháp quân sự như nhiều quan chức Mỹ từng nói đến. Nhưng dựa trên khả năng mà Triều Tiên đã chứng tỏ, việc tấn công phủ đầu nhằm vào ông Kim Jong-un sẽ gây ra rủi ro không thể chấp nhận được. Khi chẳng có lựa chọn nào có thể tạo nên lối thoát hoàn toàn, Triều Tiên sẽ tiếp tục thử tên lửa nhằm chứng minh họ có khả năng đối đầu với Mỹ. Nhưng với mỗi vụ phóng, Bình Nhưỡng để lại một lối thoát: họ muốn đối thoại với Mỹ.

Việt Nam quan ngại việc Triều Tiên phóng tên lửa qua Nhật Bản

Việt Nam quan ngại sâu sắc trước việc CHDCND Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo qua không phận Nhật Bản ngày 29/8, vi phạm nghiêm trọng các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, làm gia tăng căng thẳng ở khu vực. “Việt Nam nhất quán ủng hộ mọi nỗ lực thúc đẩy đối thoại và duy trì hòa bình, ổn định trên bán đảo Triều Tiên; kêu gọi các bên tuân thủ nghiêm túc các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và có những hành động mang tính xây dựng, thiết thực, đóng góp cho việc duy trì hòa bình, an ninh và ổn định của khu vực và trên thế giới”, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nói ngày 31/8.

RELATED ARTICLES

Tin mới