Nhà nước vẫn nên độc quyền trong lĩnh vực in, đúc tiền, không nên xã hội hóa một lĩnh vực quá nhạy cảm trong bối cảnh hiện nay.
3 rủi ro
Ngân hàng nhà nước (NHNN) vừa ban hành nội dung sửa đổi Thông tư số 18, cho phép nới lỏng đối tượng nhập khẩu thiết bị, máy móc in, đúc tiền. Theo đó, Nhà nước vẫn quản lý theo hình thức chỉ định doanh nghiệp được phép nhập khẩu nhưng mở rộng thêm đối tượng được nhập khẩu trực tiếp các máy móc in, đúc tiền.
Bình luận về chủ trương trên, TS Bùi Quang Tín cho biết, in, đúc tiền là lĩnh vực nhạy cảm, liên quan tới an ninh tài chính quốc gia. Cũng giống như quy trình làm con dấu, tức là chỉ cơ sở kinh doanh thuộc Bộ Công an mới được sản xuất con dấu có hình Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, con dấu có hình Công an hiệu; chỉ cơ sở kinh doanh thuộc Bộ Quốc phòng mới được sản xuất con dấu có hình Quân hiệu.
Nếu mở rộng thêm đối tượng được tham gia nhập khẩu thiết bị, máy móc in, đúc tiền sẽ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.
Chỉ rõ 3 nguy cơ rủi ro cụ thể, ông Tín phân tích:
Thứ nhất, các quy định về điều kiện bắt buộc đối với những doanh nghiệp không trực thuộc NHNN được chỉ định tham gia nhập khẩu cụ thể như thế nào?
Vì nhập máy móc, thiết bị in, đúc tiền cũng chỉ nhằm phục vụ cho một mục đích duy nhất là in tiền cho nhà nước. Trong trường hợp này, nếu không có quy định cụ thể, khó có thể tránh được tình trạng chỉ định doanh nghiệp sân sau để đẩy giá lên hòng trục lợi.
Hơn nữa, theo danh mục cụ thể các doanh nghiệp được nhập sẽ bao gồm: phôi kim loại sử dụng để đúc, dập tiền kim loại; Phôi chống giả để sử dụng cho tiền, ngân phiếu thanh toán và các loại ấn chỉ, giấy tờ có giá khác thuộc ngành Ngân hàng phát hành và quản lý; Máy ép phôi chống giả; Máy in tiền; giấy in tiền; mực in tiền… Đây là khâu rất quan trọng liên quan tới việc cung cấp tất cả những thiết bị, máy móc, nguyên liệu phục vụ cho việc in, đúc tiền.
Hiện nay, vấn đề đối phó với nạn tiền giả, tiền Trung Quốc tại thị trường Việt Nam vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Nếu quá trình quản lý bị buông lỏng cộng thêm các điều kiện, tiêu chuẩn đối với những doanh nghiệp được nhập máy móc in, đúc tiền được quy định quá sơ sài, dễ dãi sẽ dẫn tới hàng loạt những nguy cơ tiêu cực khác như in tiền giả, in tiền kém chất lượng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh tiền tệ quốc gia.
Thứ hai, quy định xuất xứ, chất lượng máy móc, thiết bị do các các doanh nghiệp không thuộc NHNN được chỉ định nhập khẩu được quy định và kiểm soát như thế nào?
Nếu doanh nghiệp được chỉ định đi nhập máy móc, thiết bị của Trung Quốc chất lượng kém thì hậu quả sẽ rất khó lường. Việt Nam đã có rất nhiều bài học xương máu liên quan tới sử dụng công nghệ Trung Quốc rồi, chúng ta không thể mắc thêm sai lầm nữa.
Thứ ba, sẽ rất khó quản lý.
In, đúc tiền là lĩnh vực nhạy cảm, liên quan tới vấn đề an ninh tiền tệ, an ninh tài chính quốc gia đòi hỏi nhà nước phải quản lý nghiêm ngặt. Vì vậy cần cân nhắc trước khi quyết định mở rộng thêm đối tượng cùng tham gia.
Vì mở rộng đối tượng tham gia nhập khẩu máy móc, thiết bị in, đúc tiền sẽ liên quan tới một loạt những chính sách quản lý an ninh tiền tệ khác, khó có thể quản lý được.
Từ 3 nguy cơ rủi ro đã nêu, TS Bùi Quang Tín bày tỏ nhiều nỗi lo hơn là niềm vui nếu chủ trương trên được thông qua. Vì vậy, ông Tín cho rằng, nhà nước vẫn nên độc quyền trong lĩnh vực in, đúc tiền, không nên xã hội hóa một lĩnh vực quá nhạy cảm trong bối cảnh hiện nay.
Những doanh nghiệp nào được nhập máy in tiền?
Khó học nước ngoài
So sánh với các nước phát triển, TS Bùi Quang Tín cho biết, chủ trương xã hội hóa in, đúc tiền đã được các nước thực hiện từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, với dây chuyền máy móc, thiết bị được đầu tư hàng vài chục năm rồi thì không thể học theo cách làm của thế giới được.
“Muốn quản lý tốt phải có công nghệ tốt và ngược lại. Vấn đề tôi lo ngại nhất vẫn là công nghệ và khả năng tiếp nhận công nghệ in, đúc tiền của Việt Nam như thế nào? Nếu trình độ quản lý cứ phải chạy theo công nghệ thì rất khó có thể phát hiện và xử lý được nạn tiền giả, tiền kém chất lượng”, ông Tín nói.
Vị chuyên gia cảnh báo, để theo được cơ chế điều hành của nước ngoài, Việt Nam cần trăm triệu USD để đầu tư, đổi mới dây chuyền công nghệ sản xuất tiền. Đó là còn chưa nói tới chi phí đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, quy trình quản lý cũng như phải thay đổi hàng loạt những vấn đề liên quan tới khuôn khổ pháp lý hiện nay.
“Liên quan tới vấn đề an ninh tiền tệ quốc gia phải hết sức thận trọng, không phải nói học theo là có thể làm được ngay. Không dễ dàng như vậy được”, ông Tín nhấn mạnh.