Sau vụ bắt giữ Chủ tịch Đảng đối lập Kem Sokha, Campuchia đang lo ngại về khả năng đối đầu chính sách ngoại giao và thương mại với Mỹ.
Campuchia lo bất ổn thương mại từ nhà đầu tư Mỹ.
Tờ Khmer Times ngày 5/9 thông tin, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã cáo buộc Mỹ bảo vệ ông Kem Sokha – Chủ tịch Đảng Cứu nguy dân tộc Campuchia (CNRP)- và gọi ông này là con rối của Mỹ.
Phát biểu trong một lễ khánh thành nhà thời Hồi giáo ở nước này, ông Hun Sen đã cáo buộc Mỹ là “bàn tay thứ ba” đã hỗ trợ CNRP thay đổi chế độ ở Campuchia.
Thủ tướng Hun Sen cho rằng, việc bắt giữ nhà lãnh đạo CNRP là đúng đắn và đã vạch trần được bộ mặt Mỹ cùng các nhà phê bình nước ngoài. Ông đồng thời yêu cầu họ tránh khỏi những vấn đề nội bộ của Campuchia.
Nhà lãnh đạo Đảng CNRP đã bị giam tại nhà tù Trapaing Phlong ở Thbong Khmum sau khi ông bị bắt vào Chủ nhật. Các hình ảnh được đài CBN ở Úc ghi lại và đăng tải trên Facebook cho thấy ông Sokha nói rằng Chính phủ Mỹ đã giúp ông thúc đẩy sự thay đổi chế độ ở Campuchia từ năm 1993.
Sau vụ bắt ông Sokha, Bộ Ngoại giao Mỹ đã đưa ra một tuyên bố lưu ý cho rằng, việc bắt giữ dường như có động cơ chính trị và bày tỏ sự quan ngại nghiêm trọng.
“Ông Kem Sokha đã có một cam kết lâu dài, rõ ràng và được quốc tế công nhận về nhân quyền và dân chủ hòa bình”- tuyên bố này cho thấy.
Đáp trả các tuyên bố từ Bộ Ngoại giao Mỹ, Thủ tướng Campuchia nói: “Họ chỉ bảo vệ con rối của họ trước những cáo buộc”.
“Tại sao chính trị gia của chúng ta lại tự coi mình như một con rối cho nước ngoài từ năm 1993 đến bây giờ?” – Thủ tướng Hun Sen nói.
Thủ tướng Campuchia nhấn mạnh: “Bất kể giá nào, chúng tôi sẽ không cho phép bất kỳ một nhóm hay cá nhân nào làm con rối của nước ngoài để vào phá hủy Campuchia, giết người Khmer”.
Vụ bắt giữ ông Kem Sokha bất ngờ vào lúc nửa đêm. Sau khi ông Kem Sokha bị bắt, Thủ tướng Hun Sen đã nhanh chóng cáo buộc Mỹ có âm mưu đảo chính, xây dựng lại chế độ Lon Nol.
Chưa hết, Thủ tướng Hun Sen còn đặt câu hỏi về các sáng kiến trong chính sách đối ngoại của Mỹ bao gồm ở Syria, Lybia, Iraq- nơi Mỹ hỗ trợ các phogn trào để loại bỏ các chính phủ được cho là độc tài- nhưng đã khiến tình hình ở đó tồi tệ hơn.
“Những thiệt hại ở các quốc gia đó đã dẫn đến một tình huống mà cả 3 nhóm đều đang kiểm soát đất nước, gồm Chính phủ, các nhóm được Hoa Kỳ hỗ trợ và IS hỗ trợ”- Thủ tướng Hun Sen nói thêm.
Tình hình chính trị ở Campuchia hiện nay và các tuyên bố thẳng thắn nhằm vào Mỹ đang khiến giới quan sát ở nước này lo ngại.
Tờ Phnom Penh Post cho hay, căng thẳng ngoại giao với Mỹ đã tăng lên sau khi Bộ ngoại Mỹ mô tả quan hệ hai nước đi vào “bế tắc”, chưa kể còn có thể ảnh hưởng tới các mối quan hệ kinh tế giữa hai bên.
Các nhà phân tích Campuchia cảnh báo rằng những căng thẳng giữa hai nước có thể dẫn đến thiệt hại thương mại và đầu tư.
Mỹ là thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới và là đối tác thương mại lớn nhất của Campuchia.
Xuất khẩu của Campuchia sang Mỹ đã đạt 2,8 tỷ USD vào năm ngoái, chủ yếu là do doanh số bán hàng của các sản phẩm may mặc và giày dép. Theo các số liệu của chính phủ Mỹ, các nhà đầu tư Mỹ đã bơm hơn 122 triệu USD vào các dự án đầu tư được phê duyệt ở Campuchia hồi năm ngoái.
Ông Michael Michalak, Giám đốc điều hành khu vực của Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN cho rằng, quyết định bắt giam ông Kem Sokha ngay trước cuộc bầu cử vào năm 2018 đã làm tình hình thêm “phiền toái”.
“Thật là phiền toái khi Chính phủ Campuchia hành động như vậy và vẽ ra nhiều động thái tiêu cực chống lại Mỹ khi họ ủng hộ kết quả cuộc bầu cử xã hội là tự do và công bằng”- ông Michalak nói.
Ông Michalak cũng không nói trước về việc liệu các doanh nghiệp Mỹ có tiếp tục các đơn đặt hàng ở Campuchia sau sự kiện này hay không.
Ear Sophal, Giáo sư ngành ngoại giao và các vấn đề thế giới tại trường Đại học Occidental ở Los Angeles cho rằng đã có những vụ việc như thế này xảy ra trong lịch sử khi các đơn đặt hàng may mặc của Campuchia từ phía Mỹ chậm lại.
“Không ai ở Phnom Penh dường như nhận ra rằng chính Campuchia đã mất nhiều hơn từ một mối quan hệ xấu với Hoa Kỳ” – ông Sophal đánh giá.
“Trung Quốc không mua quần áo của Campuchia. Mỹ mới mua quần áo.” – ông Sophal nói.
Đại diện tờ báo Cambodia Daily đã bị yêu cầu cấm xuất cảnh
Hôm 4/9, Tổng cục Thuế Campuchia đã yêu cầu Cục xuất nhập cảnh hỗ trợ ngăn chặn việc các nhà xuất bản của tờ báo Cambodia Daily rời khỏi đất nước khi còn bị siết khoản nợ 6 triệu USD tiền thuế.
Giấy yêu cầu cho thấy, Krisher Steele và Tổng giám đốc Douglas Steele- đã không hoàn thành nghĩa vụ thuế của mình và vẫn nợ 25 tỉ riel (khoảng 6,3 triệu USD). Thông báo cũng cho biết rằng, cơ quan thuế sẽ tiếp tục tìm cách thu thập các khoản nợ bất chấp việc tờ báo đóng cửa.
Thông báo này đưa ra sau khi Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Kong Vibol khẳng định, ông sẽ tiếp tục theo đuổi vụ tranh chấp về thuế.
Tờ báo đã bị ngừng hoạt động từ hôm 4/9. Hôm chủ nhật, bà Krisher-Steele – đại diện Nhà xuất bản tờ Cambodia Daily tuyên bố sẽ trao lại tài sản cho bố là ông Bernard Krisher – người sẵn sàng đối mặt với bất kỳ hành động pháp lý nào bắt nguồn từ vụ tranh chấp về thuế nêu trên.