Mặc dù cái gọi là “đường chín đoạn” của Trung Quốc đã bị Tòa án quốc tế bác bỏ, nhưng Bắc Kinh vẫn ngang ngược tuyên bố “chủ quyền” trên Biển Đông. Mới đây Trung Quốc yêu cầu Indonesia hủy bỏ quyết định đổi tên khu vực hàng hải ở Tây Nam biển Đông thành biển Bắc Natuna.
Quần đảo Natuna, Indonesia (Ảnh chụp từ màn hình website philippineslifestyle.com).
“Lưỡi bò” liếm trúng biển Bắc Natuna
Hôm 2/9 Đài Channel NewsAsia (CNA) đưa tin Bộ Ngoại giao Trung Quốc gửi thư tới Đại sứ quán Indonesia tại Bắc Kinh. Nội dung thư phản đối thông báo của Jakarta về việc nước này sẽ đổi tên khu vực hàng hải ở Tây Nam biển Đông thành biển Bắc Natuna.
Bắc Kinh lớn tiếng: Việc Jakarta thay đổi “cái tên đã được cộng đồng quốc tế chấp nhận có thể làm phức tạp và mở rộng tranh chấp, ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định khu vực”. Trung Quốc lưu ý rằng, mối quan hệ giữa Trung Quốc và Indonesia đang phát triển mạnh mẽ, ổn định. Lại nữa, tình hình ở biển Đông đang “tiến triển tốt đẹp”. Vì vậy, hành động đơn phương thay đổi tên một phần biển Đông của Indonesia “không có lợi cho việc duy trì tình hình tốt đẹp đó”. Can thiệp thô bạo vào công việc của nước khác, thật là một thái độ trơ trẽn!
Trong thư phản đối, Bắc Kinh cho biết, họ và Jakarta có những tuyên bố chủ quyền lãnh hải chồng lấn ở phía Tây Nam biển Đông. Dù phía Indonesia cố tình đổi tên khu vực hàng hải của mình cũng không thể thay đổi được thực tế này.
Thật ra Jakarta chưa bao giờ tuyên bố chủ quyền ở biển Đông. Thế nhưng khu vực hàng hải mà nước này gọi bằng tên biển Bắc Natuna lại chồng lấn với cái gọi là “đường chín đoạn” mà Bắc Kinh đơn phương thiết lập ở Biển Đông.
Trước sự ngông cuồng của Trung Quốc, Bộ Ngoại giao Indonesia đã công bố bản đồ với tên gọi mới. Nước này nhấn mạnh “biển Bắc Natuna” có nhiều hoạt động về dầu khí. Indonesia khẳng định không phải là một bên tranh chấp ở Biển Đông. Trong những năm qua Indonesia không ít lần va chạm với Trung Quốc về quyền đánh bắt xung quanh quần đảo Natuna. Lực lượng bảo vệ trên biển của Indonesia đã bắt giữ nhiều ngư dân Trung Quốc và tăng cường hiện diện quân sự ở khu vực này.
Giới quan sát nhận định quần đảo Natura tuy không nằm trong khu vực tranh chấp nhưng bị “đường lưỡi bò” phi pháp “liếm trúng”. Việc Jakarta đổi tên là nhằm củng cố chủ quyền trước tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông.
Hôm 1-9, Mỹ tiếp tục chỉ trích các hoạt động quân sự hóa các đảo nhân tạo của Bắc Kinh ở biển Đông. Thiếu tướng James S Hartsell thuộc Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ phát biểu bên lề Hội nghị Ấn Độ Dương năm 2017: “Trung Quốc đang quân sự hóa các đảo nhân tạo và tăng cường sự hiện diện vũ trang trên các hòn đảo này”. Ông Hartsell tuyên bố máy bay và tàu của Mỹ sẽ tiếp tục hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép, trong đó có ở biển Đông.
“Của tôi tôi giữ, của anh thì tôi…chung”!
Vì sao Trung Quốc liên tục phản ứng các nước khi có hoạt động kinh tế, quốc phòng thuộc chủ quyền của mình? Lớn nhất là tư tưởng bành trướng, âm mưu độc chiếm Biển Đông chi phối. Trực tiếp là tư tưởng cầu hòa – “gác tranh chấp cùng khai thác”. Tư tưởng “Gác tranh chấp, cùng khai thác” được Đặng Tiểu Bình nêu ra từ cuối những năm 70 của thế kỷ 20. Hơn 40 năm qua, “gác tranh chấp, cùng khai thác” đã trở thành một chủ trương lớn trong triển khai chiến lược biển của Trung Quốc.
Trên Biển Đông, từ cuối những năm 80 của thế kỷ 20, Trung Quốc đã lần lượt nêu ý tưởng “gác tranh chấp, cùng khai thác” với Việt Nam, Philippines, Indonesia, Singapore, Malaysia… Tuy nhiên, “cái khôn” của Trung Quốc không được các nước ASEAN hưởng ứng, do các nước đều hiểu rõ bản chất của nó là nhằm biến khu vực không tranh chấp trong thềm lục địa của các nước thành vùng tranh chấp để thực hiện “cùng khai thác” tại vùng biển của các nước khác trong yêu sách “đường chín đoạn”.
Cho đến nay, việc “khai thác chung” không phải là ý tưởng mới trong giải quyết các tranh chấp trên biển. Trên thế giới đã có nhiều thỏa thuận về các dàn xếp tạm thời “khai thác chung” dưới nhiều hình thức và trong các lĩnh vực khác nhau (nghề cá, dầu khí…). Ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương có: Hiệp định về khai thác chung Nhật Bản – Hàn Quốc năm 1974 ở khu vực biển chồng lấn giữa hai nước; Hiệp định về phát triển chung vùng biển chồng lấn ởBiển Đông Timor giữa Úc và Indonesia năm 1989.
Điều cốt lõi là, việc khai thác chung chỉ có thể tiến hành ở những khu vực biển chồng lấn, thực sự có tranh chấp. Không thể tiến hành “cùng khai thác” trong vùng biển hoàn toàn không có tranh chấp của một quốc gia khác như Biển Đông của Việt Nam. Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 cho phép các nước có vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) mở rộng 200 hải lý (370,6 km) từ lãnh hải của quốc gia đó, vì vậy Việt Nam có chủ quyền hoàn toàn và không tranh chấp đối với phần diện tích rộng lớn của Biển Đông bao gồm cả 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Với chiến thuật “tằm ăn dâu” Trung Quốc đã nhiều lần điều chỉnh câu chữ của ý tưởng “gác tranh chấp, cùng khai thác”. Ban đầu là “chủ quyền thuộc Trung Quốc, gác tranh chấp, cùng khai thác”, sau đó rút gọn là “gác tranh chấp, cùng khai thác” và gần đây là “khai thác chung” hay “cùng khai thác”. Các chủ trương “gác tranh chấp, cùng khai thác” gắn liền với việc Bắc Kinh tăng cường các hoạt động quân sự hóa Biển Đông.
Tháng 7/013, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lại nhắc tới chủ trương “gác lại tranh chấp, cùng khai thác” đối với vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo với các nước láng giềng, trong đó có Việt Nam. Điều này theo nhận định của nhà phân tích Ralph Cossa của Diễn đàn Thái bình dương ở Hawaii, ông Tập chỉ lặp lại chủ trương ngang ngược của Trung Quốc. Điều này có nghĩa là “cái gì của tôi là của tôi, cái gì là của anh thì chúng ta cùng nhau khai thác!”
Trước sau thì Trung Quốc luôn “sẵn sàng” cùng khai thác ở những nơi do Việt Nam nắm giữ, Nhật Bản nắm giữ, những nơi do Philippines hay Malaysia nắm giữ. Còn những nơi Trung Quốc đang nắm giữ thì họ tự cho là có chủ quyền không thể tranh cãi. Và như thế là…hết chuyện!