Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã tính toán rất kỹ thời điểm tiến hành các vụ thử tên lửa, hạt nhân để có được những hiệu ứng, tác động tối đa.
Chủ nhật ngày 3/9, Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên tuyên bố thử thành công một quả bom nhiệt hạch.
Vụ thử hạt nhân lần thứ 6 của Bình Nhưỡng đã gây ra một trận động đất mạnh 6,3 độ rích-te, sau đó là một cơn dư chấn 4,6 độ rích-te, khắp vùng Đông Bắc Trung Quốc đều cảm nhận rõ.
Phản ứng trước động thái mới này của Bình Nhưỡng, quân đội Hàn Quốc lập tức tiến hành tập trận bắn tên lửa đạn đạo ra biển Nhật Bản, với tầm bắn tương đương khoảng cách đến địa điểm Bình Nhưỡng thử hạt nhân.
Từ Hoa Kỳ, Tổng thống Donald Trump nhắc lại tuyên bố ông không loại trừ một cuộc tấn công quân sự nhằm vào Triều Tiên để đáp trả vụ thử hạt nhân này.
Ông Donald Trump cho rằng vụ thử hạt nhân lần thứ 6 của Triều Tiên là rất nguy hiểm và thù địch với Hoa Kỳ.
Chính quyền của ông đang xem xét các biện pháp trừng phạt kinh tế mới để gây áp lực lên Trung Quốc và mọi nước khác có giao dịch với Bình Nhưỡng.
Ngày Chủ nhật, Tổng thống Donald Trump đã triệu tập các lãnh đạo quân đội và đội ngũ cố vấn an ninh quốc gia để bàn về phản ứng với Bình Nhưỡng.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cùng Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Joshep F. Dunford Jr. đều khẳng định:
Bất kỳ mối đe dọa nào đối với lãnh thổ lục địa Hoa Kỳ hay các địa điểm khác như Guam hay lãnh thổ đồng minh của Mỹ, chúng sẽ phải đối mặt với một phản ứng quân sự to lớn, áp đảo và hiệu quả.
Ông James Mattis nói thêm:
“Chúng tôi không tìm kiếm sự phá hủy hoàn toàn một quốc gia như Bắc Triều Tiên. Nhưng như đã nói, chúng tôi có nhiều lựa chọn để làm điều này.”
Liệu Mỹ có sẵn sàng hy sinh mối quan hệ thương mại với Trung Quốc?
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tuyên bố trên Twitter ngày hôm qua:
“Mỹ đang xem xét các lựa chọn khác, dừng tất cả hoạt động thương mại với bất kỳ quốc gia nào đang làm ăn với Bắc Triều Tiên.”
The Washington Post nhận định:
Trump đe dọa cắt tất cả các mối quan hệ kinh tế thương mại với bất kỳ nước nào làm ăn với Bình Nhưỡng sẽ là một “thương vụ” lớn nhất của ông từ trước đến nay.
Điều này gần như không thể không ảnh hưởng to lớn đến chính nền kinh tế Mỹ.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của Triều Tiên, đồng thời cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Hoa Kỳ về hàng hóa xuất nhập khẩu.
Năm 2016 các doanh nghiệp Mỹ đã xuất khẩu số hàng hóa tổng trị giá 169,3 tỉ USD sang Trung Quốc. Ở chiều ngược lại, hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang thị trường Mỹ đạt 478,9 tỉ USD.
Việc ngừng tất cả các hoạt động giao dịch thương mại này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cả hai nền kinh tế, thậm chí đẩy giá hàng tiêu dùng tăng cao.
Sự hỗn loạn trong khu vực bán đảo Triều Tiên xảy ra trong bối cảnh căng thẳng kinh tế Mỹ – Hàn cũng đang leo thang khi ông Donald Trump cân nhắc rút Mỹ khỏi hiệp định tự do thương mại với Hàn Quốc.
Liệu đã đến lúc Trung Quốc cắt nguồn cung cấp dầu mỏ cho Triều Tiên?
South China Morning Post ngày 4/9 đưa tin, hôm qua Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhất trí cùng “đối phó một cách đích đáng” với vụ thử hạt nhân lần thứ 6 của Triều Tiên.
Đây là lần thứ 3 Bình Nhưỡng tiến hành một vụ thử tên lửa đạn đạo hoặc hạt nhân ngay trước một sự kiện ngoại giao lớn của Bắc Kinh.
Hôm nay Trung Quốc khai mạc hội nghị các nhà lãnh đạo nhóm BRICS ở Hạ Môn, Phúc Kiến.
Trước đó, Triều Tiên tiến hành vụ thử tên lửa đạn đạo ngay trước thềm cuộc gặp Tập Cận Bình – Donald Trump ở Florida hồi tháng Tư, và ngay ngày Trung Quốc khai mạc diễn đàn quốc tế Một vành đai, một con đường trong tháng Năm.
Ông Trương Liên Quý, một nhà nghiên cứu chiến lược quốc tế từ Trường Đảng trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc bình luận:
“Triều Tiên thường thực hiện các bước leo thang táo bạo mỗi khi Trung Quốc có một sự kiện lớn.
Họ đã tìm cách chứng minh rằng, trừng phạt là vô hiệu và họ không muốn quay trở lại bàn đàm phán nữa.
Bây giờ dường như chỉ còn lại 2 lựa chọn.
Một là chúng ta thừa nhận mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên thất bại; hai là Mỹ thực hiện một cuộc tấn công quân sự.
Biên giới Nga – Triều không dài như biên giới Trung – Triều. Điều này có nghĩa là Nga có thể chịu đựng một Triều Tiên hạt nhân hóa, thậm chí coi đó là một cách ngăn chặn Hoa Kỳ.
Nhưng ảnh hưởng của việc Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân có thể là tàn phá đối với Trung Quốc.”
Lu Chao, Giám đốc Viện nghiên cứu Biên giới thuộc Viện Khoa học xã hội Liêu Ninh, Trung Quốc cho rằng:
Đã đến lúc Trung Quốc phải phản ứng mạnh mẽ, khắc nghiệt hơn như cắt giảm nguồn cung cấp dầu thô cho Bình Nhưỡng sau vụ Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ sáu. Ông nói:
“Triều Tiên đã quyết tâm đẩy mạnh kế hoạch hạt nhân của mình với niềm tin sai lầm rằng, cứ có vũ khí hạt nhân là Hoa Kỳ buộc phải thừa nhận.
Nhưng cả Mỹ lẫn Trung Quốc sẽ không công nhận Bắc Triều Tiên là một quốc gia hạt nhân.
Chúng ta cần phải có những biện pháp mạnh mẽ hơn để đả bảo rằng, Triều Tiên cần phải hiểu, họ sẽ phải trả giá đắt nếu tiếp tục các hành động liều lĩnh.”
Nhà bình luận quân sự Hồng Kông Tống Trung Bình nói với South China Morning Post:
“Khi tình hình tồi tệ hơn, Hoa Kỳ sẽ phải triển khai các vũ khí hạt nhân chiến thuật đến khu vực này, nếu không họ sẽ phải cho phép Nhật Bản, Hàn Quốc phát triển hoặc sở hữu vũ khí hạt nhân.
Dù tình hình diễn ra theo cách nào, thì Trung Quốc cũng bị bao vây bởi vũ khí hạt nhân và phải chịu đựng nhiều nhất.” [4]
Cả hai câu hỏi đặt ra trong bài viết này vẫn còn bỏ ngỏ, bởi người trả lời nó là hai nhà lãnh đạo Donald Trump và Tập Cận Bình.
Ông Donald Trump đang phải bàn lên bàn xuống với đội ngũ quan chức cấp cao Hoa Kỳ, vì tấn công quân sự sẽ gây ra hậu quả thảm khốc;
Cắt đứt thương mại với Trung Quốc và các nước làm ăn với Triều Tiên cũng làm chính nền kinh tế Mỹ tổn thương; không làm gì thì Bình Nhưỡng được đà lấn tới.
Còn ông Tập Cận Bình không chỉ đang là chủ nhà của hội nghị thượng đỉnh BRICS, mà Đại hội 19 đảng Cộng sản Trung Quốc cũng sắp bắt đầu.
Sự lo lắng của một số nhà quan sát Trung Quốc không nhất định cũng là “quan ngại” của Trung Nam Hải.
Nhưng có một điều chắc chắn ở đây, đó là nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã tính toán rất kỹ thời điểm tiến hành các vụ thử tên lửa, hạt nhân để có được những hiệu ứng, tác động tối đa.