Thursday, January 2, 2025
Trang chủĐiểm tinBản tin Biển Đông ngày 06/09

Bản tin Biển Đông ngày 06/09

Bản tin Biển Đông ngày 06/09/2017.

Công ty Dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc (CNOOC) sắp thăm dò một lô dầu khí trên Biển Đông với Công ty lọc dầu Hàn Quốc SK Innovation Co

Reuters đưa tin, ngày 5/9, Công ty Dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc (CNOOC) tuyên bố đã ký một hợp đồng sản xuất chung với Công ty lọc dầu Hàn Quốc SK Innovation Co để thăm dò một lô dầu khí trên Biển Đông. Cụ thể, đó là lô 17/08 nằm trên cửa sông Châu Giang, có diện tích 466 km2 và độ sâu từ 100 – 130m.

Reuters cho hay, SK, nhà máy lọc dầu lớn nhất Hàn Quốc, sẽ tiến hành thăm dò tại lô này và chịu mọi chi phí phục vụ cho giai đoạn thăm dò. Nếu hoạt động thăm dò và khai thác được khởi động, CNOOC sẽ có quyền nắm 51% cổ phần trong bất cứ hoạt động sản xuất thương mại nào. Reuters cho biết, trước đó hai công ty cũng đã ký một số hợp đồng tương tự từ năm 2015 để phát triển hai lô dầu khí 04/20 và 17/03 tại cửa sông Châu Giang.

Dường như CNOOC đang quyết tâm theo đuổi đúng mục tiêu của mình được công bố trên trang điện tử của mình về việc tìm kiếm đối tác nước ngoài để thăm dò và khai thác 22 lô dầu khí trong năm 2017.

Đại sứ Trung Quốc tại Philippines: vụ Đá Sandy Cay đã được “giải quyết thành công”

Ngày 5/9, GMA News đưa tin, phát biểu trước các phóng viên tại một buổi chiêu đãi ngoại giao vào tối ngày 4/9, Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Triệu Giám Hoa lần đầu tiên lên tiếng về vụ việc mới đây nhất giữa Philippines và Trung Quốc tại Đá Sandy Cay trên Biển Đông, khẳng định “đừng lo ngại”, “vấn đề này đã được giải quyết ổn thoả qua kênh ngoại giao”. Ông Hoa cũng đã bày tỏ tán thành với phát biểu của Ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano bác bỏ những thông tin mà Thẩm phán Toà tối cao Antonio Carpio nói rằng Trung Quốc dùng các tàu để “xâm lược” gần khu vực Đá Sandy Cay. Tuy nhiên, ông này không đưa ra thêm bất cứ thông tin cụ thể nào về vấn đề này.

Sự thật về cơn giận Trung Quốc đối với động thái của Indonesia ở Biển Đông

Ngày 6/9, tạp chí The Diplomat đăng bài viết “Sự thật về cơn giận của Trung Quốc đối với động thái của Indonesia ở Biển Đông” của nhà báo Prashanth Parameswaran. Bài viết đánh giá rằng sự bất mãn của Trung Quốc tuần trước đối với việc Indonesia đổi tên vùng biển của nước này ở Biển Đông thành “Biển Bắc Natuna” nhằm bảo vệ lợi ích trên biển của nước này là phản ứng “không có gì bất ngờ” và hoàn toàn “vô lý”.

Ông Parameswaran cho biết, dù không phải là một bên trong tranh chấp Biển Đông nhưng Indonesia lại là một bên có lợi ích, hơn nữa, trước những hành động ngày càng lấn lướt của Trung Quốc ở Biển Đông, liên tục có những động thái gây hấn, tạo sức ép đối với các nước trong và ngoài khu vực, nước này bắt đầu có những thay đổi trong chính sách của Indonesia trong vấn đề Biển Đông nhằm bảo vệ lợi ích của chính mình ở khu vực. Liên quan đến việc đổi tên thành “Biển Bắc Natuna”, tác giả cho biết ông “không thấy có gì bất ngờ” khi Trung Quốc bày tỏ sự giận dữ của mình bằng nhiều cách, trong đó có việc gửi công hàm phản đối cho rằng Indonesia đã làm tổn hại đến “hoà bình và ổn định” cũng như quan hệ song phương giữa hai nước, làm tổn hại đến tiến trình giải quyết vấn đề Biển Đông. Nguyên nhân là vì Trung Quốc vẫn quen “thói” chèn ép các nước khác trong vấn đề Biển Đông bằng việc sử dụng nhiều biện pháp từ kiềm chế kinh tế đến điều tàu ra vùng biển của quốc gia láng giềng để khẳng định lập trường của mình. Bắc Kinh cũng rất vô lý khi nổi đoá với việc làm của Jakarta khi mà việc đăng ký đổi tên được thực hiện với Tổ chức Thuỷ đạc quốc tế IHO là hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế, trái ngược với sự ngang ngược, cố chấp của Trung Quốc nhằm bảo vệ yêu sách “đường chín đoạn” phi lý của mình và bất tuân Phán quyết của Toà Trọng tài vụ kiện Biển Đông. Thêm vào đó, ông Parameswaran khẳng định Indonesia cũng chỉ là một trong những nước mới đây nhất có động thái đổi tên đối với một vùnh biển ở Biển Đông. Tuy nhiên, tác giả cho rằng động thái của Indonesia tiếp tục cho thấy cách hành xử hiếu chiến của Trung Quốc đang đẩy các nước Đông Nam Á phải tìm đến những giải pháp đối phó nhằm bảo vệ lợi ích của mình trong khi vẫn phải duy trì cảnh giác trước những thách thức đến từ cái gọi là “sự trỗi dậy” của Bắc Kinh.

Thế nhưng, bài viết nhận định rằng việc đổi tên sẽ khó có thể có tác động gì đáng kể nhằm kiềm chế những hoạt động của Trung Quốc hiện nay ở Biển Đông, trừ phi động thái này đi cùng với những hoạt động khác, trong các lĩnh vực quân sự và thậm chí kinh tế.

Ngoại trưởng Philippines: Lầu Năm Góc tăng cường hoạt động tự do hàng hải thường xuyên “đơn thuần” là quyết định của chính cơ quan này

Tạp chí Manila Times đưa tin, ngày 3/9, Ngoại trưởng Philippines Delfin Lorenzana cho biết việc Lầu Năm Góc tăng cường các hoạt động hàng hải ở Biển Đông “đơn thuần” là quyết định của cơ quan này, phía Philippines không hề được đề nghị tham vấn về các kế hoạch của Lầu Năm góc. Theo tờ Wall Street Journal, quân đội Mỹ đang xem xét việc tiến hành mỗi tháng từ 2-3 đợt “tự do hàng hải” tại vùng biển tranh chấp giữa Trung Quốc, Philippines và các nước khác ở Biển Đông.

Nguy cơ gia tăng căng thẳng liên quan đến tàu cá ở Biển Đông

Ngày 4/9, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng đăng bài viết “Tàu cá Trung Quốc đe đọa gia tăng căng thẳng ở vùng biển tranh chấp”, cho biết hàng nghìn tàu cá của nước này đã hướng ra Biển Đông sau khi lệnh cấm đánh bắt cá hết hiệu lực vào ngày 16/8. Sẽ không có gì đáng nói nếu đây chỉ là việc khởi động lại hoạt động đánh bắt cá thông thường. Vấn đề là việc chấm dứt lệnh cấm đánh bắt cá này có thể làm gia tăng nguy cơ xung đột giữa Trung Quốc và các nước láng giềng khi 18.000 ngư dân Trung Quốc, với sự hộ tống của cảnh sát biển, bắt đầu quay trở lại các vùng biển tranh chấp để đánh bắt cá. Một ngư dân tại cảng Đàm Môn, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc còn tự tin cho rằng “Không có gì phải lo lắng về xung đột với các nước khác, vì chúng tôi có các tàu của chính phủ bảo vệ”. Thực chất, việc “bảo vệ” này chính là nguyên nhân khiến các nước khác lo ngại bởi rất có khả năng Trung Quốc lạm dụng lý do này để tiến hành các hoạt động gây rối trên biển.

Cùng ngày lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc được dỡ bỏ, ông Gary Alejano, thượng nghị sĩ Philippines cho biết tàu cá Philippines đã bị một tàu Trung Quốc ép phải rời khỏi vùng biển gần đảo Thị Tứ. Ông Alejano trích các nguồn tin quân sự Trung Quốc mô tả các tàu cá và tàu hải cảnh của Trung Quốc được hộ tống bởi hai tàu thuộc Hải quân Trung Quốc, đã hoạt động tại khu vực trong nhiều ngày một cách “rất đáng báo động” và “đe dọa”.

Theo Lyle Morris, nhà phân tích chính sách cao cấp của Tập đoàn RAND, việc chấm dứt lệnh cấm đánh bắt cá có khả năng châm ngòi căng thẳng ở cả Biển Đông và biển Hoa Đông.

Cũng liên quan đến vấn đề tàu cá, ngày 4/9, tờ Straits Times đưa tin Malaysia đã đốt cháy 2 tàu cá đang đánh bắt trái phép trong khu vực gần bờ biển Kelantan của nước này. Theo tác giả bài báo, hành động này của Malaysia cho thấy việc xây đảo nhân tạo không phải là vấn đề duy nhất ở Biển Đông. Tranh chấp liên quan đến nghề cá cũng đang châm ngòi cho xung đột về địa chính trị và sẽ chỉ tiếp tục gia tăng trong những năm tới. Do đó, giải pháp cho thời gian tới sẽ phải gồm 2 bước: cấp phép và quản lý cẩn thận các ngư dân trong nước, đồng thời hợp tác quốc tế mang tính xây dựng để bảo vệ đại dương.

RELATED ARTICLES

Tin mới