Trước ảnh hưởng địa chính trị ngày càng mở rộng của đối thủ chung Trung Quốc, hai nước nhất trí tăng cường hợp tác quốc phòng.
Tàu hải quân Nhật, Mỹ và Ấn Độ trong một cuộc diễn tập chung dọc bờ biển thuộc tỉnh Chiba, Nhật Bản (ảnh: sputnik)
Theo hãng tin Sputnik, mối quan hệ hợp tác quốc phòng giữa Ấn Độ và Nhật Bản tiếp tục được đẩy mạnh thông qua những tuyên bố tăng cường tập trận chung, trao đổi công nghệ – thiết bị giữa hai bên, cũng như việc cùng hết sức cẩn trọng quan sát “đối thủ” chung là Trung Quốc, đang ngày càng mở rộng ảnh hưởng địa chính trị trong khu vực và trên thế giới.
Trong một cuộc gặp giữa Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Arun Jaitley và người đồng cấp đến từ Nhật Bản Itsunori Onodera, hai nước đã nhất trí mở rộng quan hệ quốc phòng song phương, đặc biệt là trong lĩnh vực chiến tranh chống tàu ngầm và các chiến dịch khủng bố.
“Hai Bộ trưởng đã trao đổi tầm nhìn và ý tưởng hướng tới mục tiêu nhằm đẩy mạnh hơn nữa hợp tác quốc phòng và an ninh, trong khuôn khổ chương trình ‘Hợp tác toàn cầu và chiến lược đặc biệt Nhật Bản – Ấn Độ,’” một thông cáo báo chí chung của hai Bộ Quốc phòng cho biết.
Ông Jaitley đồng ý thêm các hoạt động diễn tập chống tàu ngầm, có sự tham gia của phi cơ tuần tra tàu ngầm Nhật Bản Kawasaki P-1, vào cuộc tập trận hải quân Malabar 2018. Cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Ấn Độ được bắt đầu vào năm 2002; và kể từ năm 2015, Nhật Bản đã bắt đầu tham gia cùng.
Cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên cũng được nhắc đến trong chương trình nghị sự của hai Bộ trưởng. Ông Jaitley và ông Onodera kêu gọi “Triều Tiên chấm dứt những hành động có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến hòa bình và ổn định trong khu vực và rộng hơn.”
Trong thời gian gần đây, cả Nhật Bản và Ấn Độ đều có những mâu thuẫn với Trung Quốc về các vấn đề lãnh thổ.
Nhật Bản và Ấn Độ có mối quan hệ thân thiết kể từ sau Thế chiến thứ 2, tuy nhiên, mối quan hệ này được đặc biệt coi trọng dưới thời Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ấn Độ hiện cũng là quốc gia nhận được nhiều ODA nhất từ Nhật Bản.