Bản tin Biển Đông ngày 07/09/2017.
Hợp tác ở Biển Đông chưa đạt được tiến triển sau hai thập kỷ tranh cãi
Ngày 6/9, VOA đăng bài viết “Hợp tác ở vùng biển tranh chấp Châu Á chưa đạt được tiến triển dù đã qua 2 thập kỷ thảo luận” của nhà báo Ralph Jennings. Trong bài viết, tác giả nhận định các quốc gia có tranh chấp đối khác ở Biển Đông vẫn chưa thể bắt đầu các dự án khai thác tài nguyên chung với Trung Quốc được dù đã hơn 20 năm tiến hành thảo luận là vì các nước này lo ngại vị thế vượt trội cũng như cách hành xử hiếu chiến của nước này ở Biển Đông có thể khiến các bên phải chấp nhận “một kết quả không công bằng” hoặc phải “từ bỏ chủ quyền”. Theo ông Andrew Yang, Tổng Thư ký Hội đồng Nghiên cứu chính sách cấp cao Trung Quốc tại Đài Loan, “các quốc gia khác vẫn đang kỳ vọng rằng Bắc Kinh sẽ trở thành một thành viên có trách nhiệm hơn trong cách hành xử của Trung Quốc ở Biển Đông”. Ông Yang cũng cho rằng để xây dựng lòng tin với các nước ASEAN, Trung Quốc cũng cần phải tiếp tục thúc đẩy việc ký kết Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) đồng thời chấm dứt các hành động ngăn cản tàu cá nước ngoài tại các vùng biển tranh chấp. Trong khi đó, các chuyên gia cho rằng Trung Quốc cũng có vẻ dè chừng tình hình chính trị nội bộ ở một nước dân chủ như Philippines có thể sẽ cản trở một thoả thuận hợp tác chung. Tuy nhiên, ông Jennings cho biết trong thời gian gần đây chính quyền Philippines đã có một số động thái nhằm thúc đẩy hợp tác giữa hai nước, từ việc tổ chức hội thảo về hợp tác giữa các chính khác ngoại giao và học giả của Trung Quốc và các nước ASEAN đến việc lực lượng cảnh sát biển Trung Quốc và Philippines ký một thoả thuận hồi tháng 2 về bảo vệ môi trường, tìm kiếm cứu nạn và tuần tra chống tội phạm buôn bán ma tuý. Ngoài ra, ông Jennings cho rằng các nước ASEAN có thể sẽ tìm đến cơ chế thực thi bên thứ 3, chẳng hạn như một cơ quan của Liên hợp quốc để triển khai các thoả thuận với Trung Quốc, dù điều này có thể khiến nước này không thấy thích thú một chút nào.
Bộ Khoa học Đài Loan tài trợ cho các chuyên gia quốc tế tới thăm “đảo” Ba Bình
Focus Taiwan đưa tin, ngày 6/9, các quan chức Bộ Khoa học và Công nghệ Đài Loan đã đưa một nhóm 24 chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà khoa học từ nhiều nước trên thế giới đến “đảo” Ba Bình. Ông Wu Chun-chieh, Giám đốc Sở khoa học Tự nhiên và Phát triển Bền vững cho biết đây là lần đầu tiên một nhóm chuyên gia quốc tế lên kế hoạch nghiên cứu khoa học trong khu vực với các nhà nghiên cứu địa phương.
Indonesia và Nhật Bản tăng cường trao đổi về hợp tác phát triển chung ở Biển Đông
Tạp chí Nikkei đưa tin, theo tuyên bố báo chí chung sau cuộc gặp giữa Bộ trưởng các vấn đề biển và nghề cá Indonesia Susi Pudjiastuti và cố vấn đặc biệt của Thủ tướng Nhật Bản Hiroto Izumi được đưa ra ngày 6/9, hai bên khẳng định sẽ thúc đẩy hợp tác trên biển ở một số khu vực xa nhất của lãnh thổ Indonesia, bao gồm quần đảo Natuna giáp ranh với Biển Đông. Việc phát triển các ngành công nghiệp liên quan đến nghề cá địa phương, bao gồm việc xây dựng các cảng cá và tàu chở cá là trọng điểm trong chương trình làm việc giữa hai bên. Vấn đề hợp tác an ninh cũng là một phần trong nội dung thảo luận, với việc hai nước đã nhất trí “sản xuất các tàu tuần tra và tàu đa nhiệm”. Ông Brahmantya Poerwadi, một quan chức thuộc Bộ Các vấn đề biển và Nghề cá Indonesia cho biết Nhật Bản sẽ hỗ trợ phát triển một hệ thống radar ven biển và một hệ thống vệ tinh để giúp đỡ các ngư dân Indonesia nâng cao năng lực. Các công nghệ mới cũng sẽ giúp Indonesia bảo vệ vùng biển của mình khỏi hành vi đánh bắt trộm thông qua việc phát hiện tốt hơn các tàu đánh cá nước ngoài, nhất là các tàu đánh cá từ Trung Quốc.
Nikkei cho biết, các cuộc đàm phán về hợp tác phát triển chung trên biển đã tăng đáng kể kể từ chuyến thăm Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tới Jakarta vào tháng 1, trong đó ông và Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã nhất trí rằng hợp tác về an ninh biển và phát triển các đảo ngoài khơi Indonesia sẽ là “ưu tiên hàng đầu”.
Học giả Trung Quốc lớn tiếng chỉ trích các cuộc diễn tập quân sự của Úc ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương
Ngày 7/9, tờ Thời báo Hoàn cầu cho biết, liên quan đến việc Đội tàu Hải quân Úc rời Sydney ngày 4/9 để chuẩn bị cho đợt diễn tập “Indo-Pacific Endeavour 2017”, đợt diễn tập lớn nhất kể từ những năm 1980, một số học giả Trung Quốc đã cáo buộc rằng các cuộc diễn tập quân sự của Úc ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương cho thấy “Úc đang đẩy lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc, đặc biệt trong vấn đề Biển Đông”. Một chuyên gia hải quân giấu tên trong Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) thậm chí còn mỉa mai rằng hoạt động của Úc là “nhằm mục đích chính trị chứ không phải là mục đích quân sự vì năng lực hải quân của Ôxtrâylia không đủ để làm ổn định khu vực và thậm chí cả Mỹ cũng đang mệt mỏi vì những vấn đề ở khu vực”.