“Sự bất trị” của Triều Tiên đang khiến Trung Quốc đau đầu, thêm vào đó là cách cư xử “thiếu hiểu biết” của nước Mỹ khi ép buộc Bắc Kinh tạo áp lực lên Bình Nhưỡng đang khiến mối quan hệ Trung – Triều ngày càng trở nên phức tạp.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và ông Lưu Vân Sơn – ủy viên Ban thường vụ Bộ chính trị Trung Quốc vẫy tay chào người dân Triều Tiên trong một cuộc diễu binh năm 2015. Ảnh: KCNA.
Bức ảnh được Hãng thông tấn Triều Tiên KCNA công bố cách đây hai năm cho thấy, nhà lãnh đạo Triều Tiên cùng Lưu Vân Sơn – Ủy viên Ban thường vụ Bộ chính trị Trung Quốc vui vẻ cùng nhau vẫy chào người dân Bình Nhưỡng trong một cuộc diễu binh khi vị quan chức này tới thăm đất nước láng giềng.
Tờ New York Times bình luận, đã gần 2 năm kể từ khi hình ảnh này được truyền thông ghi lại, cũng đã 2 năm kể từ chuyến thăm cấp cao nhất giữa Trung Quốc và Triều Tiên diễn ra. Quãng thời gian dài im ắng chính là dấu hiệu cho thấy khoảng cách giữa hai quốc gia láng giềng và có nhiều lịch sử bí ẩn với nhau: một quốc gia đang bành trướng sức mạnh tìm kiếm sự thống trị trong khu vực, một quốc gia khác là láng giềng khó lường với những tham vọng riêng.
Trung Quốc vốn luôn tỏ ra bí mật trước mục tiêu dài hơi thay thế nước Mỹ để trở thành cường quốc có ảnh hưởng lớn nhất tại khu vực châu Á, giờ đây, họ đã khẳng định vị trí trung tâm của mình ở khu vực có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Tuy nhiên, Triều Tiên đang thách thức mục tiêu của Bắc Kinh bằng cuộc thử nghiệm bom hạt nhân hôm Chủ Nhật, tự biến mình thành một trở ngại khó lường và dai dẳng nhất với Trung Quốc trong khu vực.
Những rào cản khác vẫn đang cố kìm chân Trung Quốc. Nước Mỹ, bất chấp những dấu hiệu cho thấy họ muốn rút lui khỏi châu Á dưới thời Tổng thống Donald Trump, vẫn đang là cường quốc quân sự lớn nhất thế giới hiện diện tại đây. Nhật Bản và Ấn Độ, hai đối thủ truyền thống của Trung Quốc ở khu vực, đã nói rõ rằng họ muốn chống lại sức hút từ Bắc Kinh.
Thế nhưng, Triều Tiên lại là quốc gia bất chấp trật tự thế giới – điều Trung Quốc đang muốn lãnh đạo, và đang trở thành một thách thức đặc biệt phức tạp với Bắc Kinh.
Con đường đến với vai trò lãnh đạo thế giới của Trung Quốc đòi hỏi người Mỹ phải rút quân khỏi châu Á và gửi tới đồng minh của mình thông điệp nước Mỹ không còn khả năng bảo vệ họ. Nhưng Triều Tiên đang khiến nước Mỹ phải dấn sâu hơi vào khu vực và làm phức tạp nỗ lực của Trung Quốc trong việc làm giảm ảnh hưởng của Mỹ cũng như thuyết phục các quốc gia khác yên ổn sống mà không cần đến “chiếc ô hạt nhân”.
Cùng với đó, vị trí chiến lược của Triều Tiên và khả năng phát triển hạt nhân của họ cũng biến họ thành một mối nguy mới cho Trung Quốc.
“Triều Tiên có thể không phải là vấn đề lớn nhất với Trung Quốc, nhưng nó làm gia tăng tính nghiêm trọng và đặc biệt cho mục tiêu thay thế nước Mỹ ở Đông Á”, Hugh White, cựu chiến lược gia Bộ Quốc phòng Australia nhận định, “Đó là bởi chỉ có duy nhất một cường quốc Đông Á có vũ khí hạt nhân”.
Thậm chí nếu Mỹ rút lui, ông White bình luận, “khả năng của Triều Tiên đồng nghĩa với việc Trung Quốc không bao giờ có thể thống trị được khu vực theo cách mà các nhà lãnh đạo hiện nay hy vọng”.
Chính quyền của ông Trump luôn đặt trách nhiệm kìm chế Triều Tiên vào tay Trung Quốc, tránh né đối thoại với nhà lãnh đạo Kim Jong Un và đặt cược khả năng đàm phán của Bắc Kinh thông qua những ảnh hưởng kinh tế của họ đối với Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên, theo tờ New York Times nhận định, làm theo cách đó, Nhà Trắng có vẻ đã hiểu sai mối quan hệ phức tạp giữa Trung Quốc và Triều Tiên – điều mà các thế hệ lãnh đạo trước của Trung Quốc đã rất vất vả mới quản lý được.
Một cuộc chiến tranh lạnh mới?
Người Trung Quốc đang bất mãn với ông Kim Jong Un, điều này được cả hệ thống truyền thông nhà nước và tư nhân ở Trung Quốc tuyên truyền rộng rãi. Với họ, nhà lãnh đạo trẻ Triều Tiên đang tỏ ra “vô ơn”.
Một cuộc hội thảo kéo dài 3 ngày ở Thượng Hải hồi tháng trước đã chỉ ra một số chỉ trích, đặt câu hỏi về giá trị của Triều Tiên như là vùng đệm đối phó với Hàn Quốc và Nhật Bản cho Bắc Kinh và cảnh báo Triều Tiên có khả năng phát triển vũ khí hạt nhân.
Zhu Feng, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Nam Kinh, nói: “Cái giá sẽ là tiếp tục tránh xa Nhật Bản, kích động Hàn Quốc và chọc tức Mỹ. Nếu Nhật Bản và Hàn Quốc cảm thấy buộc phải đưa ra lựa chọn cực đoan như vũ khí hạt nhân, điều đó sẽ tạo ra ảnh hưởng tiêu cực đến ngoại giao khu vực”.
Ông Zhu Feng nhận định, sự lan rộng của vũ khí hạt nhân sẽ đẩy Trung Quốc vào “một cuộc chiến tranh lạnh mới” ở châu Á, với sự hiện diện của quân đội Mỹ. Điều này làm nản lòng mục tiêu của Bắc Kinh ở khu vực, khiến mục tiêu lãnh đạo châu Á bị tổn thương vì vấn đề hạt nhân, làm xấu đi danh tiếng của nước này.
Dù không hài lòng với những gì diễn ra ở Triều Tiên, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vẫn tránh một sự trừng phạt mạnh hơn nữa áp đặt lên Bình Nhưỡng – điều có thể dẫn đến sự bất ổn ở biên giới của Trung Quốc, cuộc khủng hoảng di cư sẽ ảnh hưởng nặng nề đến sự phát triển kinh tế ở miền bắc nước này hay khả năng quân đội Mỹ sẽ kiểm soát bán đảo Triều Tiên. Tất cả các khả năng đều gây ra nhiều vấn đề cho kế hoạch tăng cường hiện diện quân sự của Trung Quốc ở châu Á.
Và dưới quan điểm của ông Tập, một láng giềng có vũ khí hạt nhân là kết quả tồi tệ nhất mà ông có thể hình dung được.
“Kế hoạch dự phòng”
Trung Quốc là quốc gia có nhiều láng giềng hạt nhân hơn bất kỳ nước nào trên thế giới: Nga, Ấn Độ, Pakistan và bây giờ là Triều Tiên. Nhưng có vẻ chính họ đã tạo ra tình thế này.
Nguồn gốc của chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên có thể được bắt nguồn từ một thỏa thuận năm 1976 giữa Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông và Thủ tướng Pakistan Zulfikar Ali Bhutto.
Hai năm trước đó, Ấn Độ đã thử nghiệm quả bom hạt nhân đầu tiên, ông Bhutto đã muốn đuổi theo. Trung Quốc xem Ấn Độ là một mối đe dọa tiềm ẩn. Vì vậy, nó đã đồng ý giúp đỡ Pakistan.
Sau khi thành công, Pakistan đã chia sẻ công nghệ làm giàu hạt nhân với Triều Tiên – bao gồm cả máy ly tâm, các bộ phận, thiết kế và nhiên liệu cần thiết cho các quả bom hạt nhân của họ – để đổi lấy công nghệ tên lửa và trợ giúp thiết kế của Triều Tiên.
Trong hơn một thập kỷ qua, Mỹ đã yêu cầu Trung Quốc đàm phán để thảo luận về việc mỗi quốc gia sẽ làm gì nếu Triều Tiên sụp đổ. Nhưng Trung Quốc luôn từ chối, lo ngại như thế đồng nghĩa với việc phản bội. Đã có rất nhiều câu hỏi nặng nề được đặt ra: Vũ khí hạt nhân của Triều Tiên ở đâu ra? Ai bảo vệ chúng? Quân đội hai nước sẽ làm gì để tránh xung đột? Bán đảo Triều Tiên sau này sẽ ra sao?
Lầu Năm Góc cũng yêu cầu Bắc Kinh cùng thảo luận về các “kế hoạch dự phòng” kể từ thời Tổng thống George W. Bush. Tuy nhiên, vào từng dịp cụ thể, người Trung Quốc luôn im lặng.
“Người Trung Quốc luôn bận tâm về việc Triều Tiên sẽ phản ứng như thế nào”, Ralph A. Cossa, chủ tịch của Diễn đàn Thái Bình Dương CSIS ở Honolulu nhận định, “Tôi nghĩ điều này sẽ chấm dứt cuộc hội thoại”.
Trong một lần hiếm hoi vào năm 2006, thời điểm Triều Tiên thử nghiệm hạt nhân lần đầu tiên, các quan chức Trung Quốc đã nhấn mạnh lợi ích của họ. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc lúc đó nghi ngờ rằng Trung Quốc đang tìm cách hiểu rõ về Mỹ càng nhiều càng tốt nhưng không muốn tiết lộ ý định của họ.
Khi căng thẳng đang gia tăng trong vài tuần gần đây, câu hỏi về việc Trung Quốc sẽ làm gì trong khủng hoảng vốn chưa thể tìm được câu trả lời. Tuy vậy, có một điều mà ai cũng hiểu, đó là Bắc Kinh sẽ phản đối các lực lượng Mỹ vượt qua vĩ tuyến 38 phân chia Triều Tiên với Han Quốc.
Tờ báo nhà nước Trung Quốc Hoàn Cầu trong một bài báo xuất bản hồi tháng trước cảnh bảo Triều Tiên rằng quốc gia này sẽ luôn trung lập kể cả khi Triều Tiên tấn công Mỹ. Tuy nhiên, ấn bản này cũng cho biết Trung Quốc sẵn sàng ngăn chặn bất cứ nỗ lực nào của Mỹ và Hàn Quốc muốn “lật đổ chế độ Triều Tiên và thay đổi mô hình chính trị ở bán đảo Triều Tiên”.
Dù thế nào đi chăng nữa, có hai thực tế đang diễn ra trong mối quan hệ Trung – Triều mà bất cứ học giả nào bình luận đều nói đến: Chính quyền Triều Tiên rất bền vững, và ảnh hưởng của Trung Quốc lên Triều Tiên là có hạn.