Nhằm chuẩn bị cho một cuộc xung đột có thể xảy ra với Trung Quốc ở khu vực miền cao, miền núi, Lục quân Ấn Độ đang có nhu cầu tăng cường xe tăng hạng nhẹ.
Xe tăng T-72 của Lục quân Ấn Độ. Nguồn: World of Defense
Nhu cầu này càng được thúc đẩy sau khi Trung Quốc tiến hành thử nghiệm mẫu xe tăng hạng nhẹ mới mang tên Xinqingtan, trang bị 1 pháo cỡ 105mm và động cơ 1.000 mã lực.
Xe tăng Xiqingtan được thử nghiệm vào tháng 07/2017 ở vùng Tây Tạng, gần biên giới với Ấn Độ.
Hiện tại, Ấn Độ chỉ sử dụng các xe tăng T-72, T-90 do Nga chế tạo. Xe tăng nội địa Arjun quá nặng nề để có thể hoạt động ở miền núi, chúng chủ yếu được thiết kế hoạt động ở vùng sa mạc dọc biên giới với Pakistan.
Các nhà hoạch định quân sự Ấn Độ muốn có một loại xe tăng nhẹ hơn và có thể vận chuyển bằng máy bay tới các khu vực cao dọc biên giới với Trung Quốc.
Lục quân Ấn Độ muốn xe tăng hạng nhẹ của mình có khối lượng khoảng 22 tấn và có khả năng hoạt động ở vùng núi cao 3.000m. Xe tăng này cũng phải có khả năng xuyên phá được các loại xe bọc thép và xe tăng chiến đấu chủ lực có độ bảo vệ cao từ khoảng cách hơn 2km, cũng như bắn được các loại đạn chống tăng có sức công phá lớn và tên lửa.
“Có một số khu vực ở vùng núi phù hợp với xe tăng hạng nhẹ và người Trung Quốc dường như cũng đang phát triển loại xe tăng này” – ông Rahul Bhonsle, một chuẩn tướng Lục quân Ấn Độ đã về hưu, đồng thời là chuyên gia phân tích quốc phòng cho biết.
“Xe tăng hạng nhẹ, với khả năng hoạt động ở vùng cao, sẽ là lựa chọn tốt hơn so với các xe tăng T-72 hoán cải” – ông Bhonsle nói.
Lục quân Ấn Độ hiện đang sử dụng xe tăng T-72 và các xe bọc thép chở quân bố trí tại một số khu vực dọc biên giới với Trung Quốc.
Một nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết, quá trình mua sắm xe tăng hạng nhẹ sau khi hoàn tất các yêu cầu sẽ phụ thuộc vào mức độ khẩn cấp thế nào.
Vào năm 2009, Lục quân Ấn Độ đã từng đưa ra yêu cầu cung cấp thông tin về xe tăng hạng nhẹ nhưng kế hoạch sau đó bị trì hoãn.
Tổ chức nghiên cứu và phát triển quốc phòng (DRDO) (100% vốn nhà nước) từng khuyến khích Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho phép triển khai dự án phát triển xe tăng hạng nhẹ nội địa.
DRDO đã phát triển một loại xe tăng hạng nhẹ vào những năm 1990 nhưng dự án này đã phải gác lại vào năm 1994 do Lục quân Ấn Độ không có nhu cầu.
“Dự án của DRDO có thể được khởi động lại, tuy nhiên, nó sẽ phải được thực hiện cùng với Lục quân Ấn Độ để phía sử dụng an tâm, cũng như đảm bảo được nguồn hỗ trợ” – ông Bhonsle nói.
Lục quân Ấn Độ hiện có khoảng 4.000 xe tăng, bao gồm xe tăng T-72, T-90, cũng như xe tăng nội địa Arjun (248 chiếc đã được ký hợp đồng chế tạo và 118 chiếc đã được bàn giao).