Friday, October 18, 2024
Trang chủĐàm luậnTranh chấp chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa...

Tranh chấp chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (Phần 3)

Hoàn cảnh lịch sửdẫn đến việc Trung Hoa, Pháp tranh chấp chủ uyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa từ tháng Tám năm 1945 đến tháng 4 năm 1956, khi Pháp xâm chiếm trở lại

Ngày 19 tháng 8 năm 1945 Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 2 tháng 9 năm 1945 nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập ở quảng trường Ba Đình, chấm dứt chế độ đô hộ của Pháp.

Sau khi Nhật bại trận, Pháp trở lại đô hộ Việt Nam, quân Tưởng Giới Thạch tiếp quản nơi quân đội Nhật chiếm đóng từ phía Bắc vĩ tuyến 16, cả hai nước Pháp và Trung Hoa đều tiếp tục tranh chấp Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, vẫn tiếp tục coi trọng vị trí chiến lược Hoàng Sa và Trường Sa.

Việt Nam bận lo kháng chiến chống Pháp trong khi quân Pháp làm chủ Biển Đông.

Quân Nhật đã rút khỏi quần đảo Hoàng Sa cũng như Trường Sa vào năm 1946, Pháp

trở lại Việt Nam là m chủ Biển Đông, lập tức cử một phân đội bộ binh Pháp đổ bộ từ tàu Savorgnan de Brazza đến thay thế quân đội Nhật từ tháng 5 năm 1946, nhưng đơn vị này chỉ ở đó trong vài tháng. Trong thời gian từ 20 đến 27 tháng 5 năm 1946, đô đốc D’Argenlieu, cao ủy Đông Dương cũng đã phái tốc hạm L’Escarmouche ra nắm tình hình đảo Hoàng Sa (Pattle) thuộc quần đảo Hoàng Sa.

Vào lúc quân đội viễn chinh Pháp và Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo đang bận đối phó với cuộc chiến tranh toàn diện sắp xảy ra, thì ngày 26 tháng 10 năm 1946, lợi dụng thời cơ, hạm đội đặc biệt của Trung Hoa Dân Quốc gồm 4 chiến hạm, mỗi chiếc chở một số đại diện của các cơ quan và 59 binh sĩ thuộc trung đội độc lập về cảnh vệ của hải quân (tiền thân của quân thủy đánh bộ) xuất phát từ cảng Ngô Tùng ngày 9 tháng 10. Ngày 29 tháng 11 năm 1946, các tàu Vĩnh Hưng và Trung Kiên tới đảo Hoàng Sa và đổ bộ lên đây. Tàu Thái Bình và Trung Nghiệp đến Trường Sa mà lúc này Trung Quốc còn gọi là Đoàn Sa chưa phải mang tên Nam Sa. Trong phiên họp ngày 11 tháng 10 năm 1946, Ủy Ban Liên Bộ về Đông Dương thuộc Chính phủ lâm thời Pháp quyết định cần khẳng định quyền của Pháp đối với quần đảo Hoàng Sa và thể hiện việc tái chiếm bằng việc xây dựng một đài khí tượng. Theo ý kiến của đại tướng Juin cho rằng “lợi ích cao nhất” của nước Pháp là phòng ngừa mọi ý đồ của một cường quốc nào muốn chiếm lại các đảo đó là những đảo kiểm soát việc ra vào căn cứ tương lai Cam Ranh, con đường hàng hải Cam Ranh – Quảng Châu – Thượng Hải (Thư số 199/DN/S. col ngày 7 tháng 10 năm 1946 của Đại tướng Juin, Tổng Tham mưu trưởng quân đội Pháp tại Paris).

Chính phủ Pháp chính thức phản đối sự chiếm đóng bất hợp pháp trên của Trung Hoa Dân Quốc và ngày 17 tháng 10 năm 1947 thông báo hạm Tonkinois của Pháp được phái đến Hoàng Sa để yêu cầu quân Tưởng Giới Thạch rút khỏi Phú Lâm nhưng họ không rút. Pháp gửi một phân đội lính trong đó có cả quân lính “Quốc gia Việt Nam” đến đóng một đồn ở đảo Pattle (Hoàng Sa).

Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc phản kháng và các cuộc thương lượng được tiến hành từ ngày 25 tháng 2 đến ngày 4 tháng 7 năm 1947 tại Paris. Tại đây, chính phủ Trung Hoa Dân Quốc đã từ chối không chấp nhận việc nhờ trọng tài quốc tế giải quyết do Pháp đề xuất.

Ngày 1 tháng 12 năm 1947, Bộ Nội Vụ chính quyền Tưởng Giới Thạch công bố tên Trung Hoa cho hai quần đảo và đặt chúng thuộc lãnh thổ Trung Hoa . Dĩ nhiên Pháp không đủ tư cách kế thừa sở hữu của Việt Nam tại Hoàng Sa để phản đối Trung Quốc, cũng là người đi xâm chiếm, nên càng làm tăng lên sự tranh chấp.

Trong hoàn cảnh lịch sử cuối năm 1946 đầu năm 1947, Việt Nam đã giành được độc lập từ năm 1945, không còn ràng buộc vào hiệp định Patenôtre (1884) với Pháp song Pháp vẫn cho rằng theo hiệp định sơ bộ ngày 6 tháng 3 năm 1946, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà còn nằm trong khối Liên Hiệp Pháp, về ngoại giao vẫn thuộc về Pháp, nên Pháp vẫn thực thi quyền đại diện Việt Nam trong vấn đề chống lại xâm phạm chủ quyền Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Khi xảy ra cuộc kháng chiến toàn quốc thì Pháp không còn có thể viện lẽ danh nghĩa gì để thực thi chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa. Sau đó Pháp tìm cách lập chính phủ bù nhìn thân Pháp, chỉ lợi dụng danh nghĩa chứ không có thực và như thế không đủ thuyết phục về sự kế thừa sở hữu của Việt Nam ở Hoàng Sa cũng như Trường Sa, khiến sự tranh chấp chủ quyền không thể chấm dứt.

Do chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hoà kháng chiến chống Pháp và hải quân Pháp làm chủ Biển Đông, nên với hiệp định ngày 8 tháng 3 năm 1949, Pháp gây dựng được chính quyền thân Pháp còn gọi là quốc gia Việt Nam do cựu hoàng Bảo Đại đứng đầu, đối đầu với chính quyền cách mạng do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, để củng cố cơ sở hình thức pháp lý nào đó dù không có thực chất đại diện thực sự cho Việt Nam, nhất là trên thực tế trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, quân Pháp đang làm chủ Biển Đông trong đó có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Tháng 4 năm 1949, Đổng lý văn phòng của Quốc trưởng Bảo Đại là hoàng thân Bửu Lộc, trong một cuộc họp báo tại Sài Gòn đã công khai khẳng định lại chủ quyền của Việt Nam đã từ lâu đời trên quần đảo Hoàng Sa.

Vào ngày 1 tháng 10 năm 1949, Cộng hòa nhân dân Trung Hoa được thành lập ở lục địa Trung Quốc, Trung Hoa Dân quốc do Tưởng Giới Thạch cầm đầu đã rút lui ra Đài Loan. Tháng 4 năm 1950, đồn lính Trung Hoa dân quốc chiếm đóng bất hợp pháp ở đảo Phú Lâm (Ile Boisée) thuộc quần đảo Hoàng Sa đã rút lui. Còn đồn lính của Pháp đóng ở đảo Hoàng Sa (Pattle) vẫn còn duy trì .

Cách mạng Trung Quốc trở thành lực lượng đồng minh cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa, vì thế mọi hành động chống Pháp kể cả việc chiếm đóng các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông, đương niên sẽ được chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa ủng hộ trong liên minh chống kẻ thù chung Pháp xâm lược.

Ngày 14 tháng 10 năm 1950, chính phủ Pháp chính thức chuyển giao cho chính phủ Bảo Đại quyền quản lý các quần đảo Hoàng Sa. Thủ hiến Trung Phần là Phan Văn Giáo đã chủ tọa việc chuyển giao quyền hành ở quần đảo Hoàng Sa. Điều này cũng chỉ là động tác giả để việc chiếm đóng Hoàng Sa có cơ sở pháp lý, song vẫn không đủ sức thuyết phục, vì quân Pháp vẫn đang xâm lược Việt Nam.

Hội nghị San Francisco có 51 quốc gia tham dự từ ngày 5 tháng 9 đến ngày 8 tháng 9 năm 1951, ký kết hoà ước với Nhật. Ngày 5 tháng 9 năm 1951, họp khoáng đại, ngoại trưởng Gromyko đề nghị 13 khoản tu chính. Khoản tu chính liên quan đến việc Nhật nhìn nhận chủ quyền của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đối với đảo Hoàng Sa và những đảo xa hơn nữa dưới phía Nam. Khoản tu chính này đã bị Hội nghị bác bỏ với 48 phiếu chống và 3 phiếu thuận.

Ngày 7 tháng 9 năm 1951, Thủ tướng kiêm ngoại trưởng Trần Văn Hữu của chính phủ Bảo Đại long trọng tuyên bố rằng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ của Việt Nam. Không một đại biểu nào trong hội nghị bình luận gì về lời tuyên bố này.

Kết thúc hội nghị là ký kết hoà ước với Nhật ngày 8 tháng 9 năm 1951. Trong hoà ước này có điều 2, đoạn 7 ghi rõ: Nguyên văn là “Nhật Bản từ bỏ mọi quyền, danh nghĩa và tham vọng đối với các quần đảo Paracels và Spratly”.

Song đến đây, tình hình chính trị thế giới đã bắt đầu biến chuyển, chiến tranh lạnh giữa hai khối Tư bản chủ nghĩa do Mỹ cầm đầu và khối Xă hội chủ nghĩa do Liên Xô đứng đầu đã bắt đầu tác động đến Việt Nam trong đó có chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa lại tăng lên sự tranh chấp, càng ngày càng phức tạp khiến sự bảo vệ chủ quyền trở nên hết sức khó khăn với nhiều danh nghĩa khác nhau với nhiều thế lực quốc tế can thiệp.

Ngày 24 tháng 8 năm 1951, lần đầu tiên Tân Hoa xã lên tiếng tranh cãi về quyền của Pháp và những tham vọng của Philippines, thân Mỹ và kiên quyết khẳng định quyền của Trung Quốc.

Khi ra thông báo về bản dự thảo Hiệp ước với Nhật ở San Francisco, ngày 15 tháng 8 năm 1951, Bộ trưởng bộ Ngoại giao nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Chu An Lai ra bản tuyên bố công khai khẳng định cái gọi là “tính lâu đời” của các quyền của Trung Quốc đối với quần đảo, trong khi Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và Trung Hoa dân quốc không tham dự hội nghị này.

Như thế, lợi dụng tình hình rối ren Nhật đầu hàng đồng minh, quân Tưởng Giới Thạch được giao phó giải giáp quân Nhật từ vĩ tuyến 16 trở ra Bắc theo Hiệp định Postdam, đã lại chiếm giữ đảo Phú Lâm (Ile Boisée) cuối năm 1946 thuộc quần đảo Hoàng Sa và đảo Ba Bình (Itu Aba) thuộc quần đảo Trường Sa, vào đầu năm 1947.

Đến năm 1950, khi quân Trung Hoa dân quốc đã rút ra khỏi Hoàng Sa và Trường Sa và hoà ước San Francisco đã buộc Nhật từ bỏ sự chiếm đóng hai quần đảo này, thì Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Trần Văn Hữu của chính phủ Bảo Đại đã long trọng tuyên bố rằng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ Việt Nam. Không một đại biểu nào trong hội nghị bình luận gì về lời tuyên bố này.

Cũng lợi dụng cục diện chiến tranh lạnh đang xảy ra, sự giành giật thế lực ở một nơi trong đó có Biển Đông, phái đoàn Liên Xô đề xuất giao cho Cộng hòa nhân dân Trung Hoa quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đã không được Hội Nghị chuẩn nhận, song cũng là cái cớ để Cộng hòa nhân dân Trung Hoa lên tiếng. Dù sau năm 1950, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa không còn quân nước ngoài chiếm đóng ngoài lực lượng trú phòng Việt Nam của chính quyền Bảo Đại.

Hiệp định Genève ký kết ngày 20 tháng 7 năm 1954 chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương, công nhận độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất của nước Việt Nam. Điều 1 qui định đường ranh tạm thời về quân sự được ấn định bởi sông Bến Hải (ở vĩ tuyến 17).

Đường ranh tạm thời này cũng được kéo dài ra trong hai phần bằng một đường thẳng từ bờ biển ra ngoài khơi theo điều 4 của Hiệp định. Cũng theo điều 14 của bản Hiệp định, trong khi chờ đợi cuộc tổng tuyển cử đưa lại sự thống nhất cho Việt Nam, bên đương sự và quân đội do thoả hiệp tập kết ở khu nào sẽ đảm nhiệm việc hành chánh trong khu tập kết đó. Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông ở dưới vĩ tuyến 17 sẽ đặt dưới sự quản lý hành chánh của phía chính quyền quản lý miền Nam vĩ tuyến 17.

Như thế, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được đặt dưới sự quản lý hành chánh của chính quyền Việt Nam Cộng Hoà, lúc ấy hai quần đảo này chưa có sự chiếm đóng của bất cứ quân đội nước nào ngoài quân đội Pháp. Chính quyền ở Phía Nam vĩ tuyến 17 phải chịu trách nhiệm quản lý hai quần đảo trên ở ngoài khơi bờ biển Việt Nam dưới vĩ tuyến 17.

Tháng 4 năm 1956, khi quân viễn chinh Pháp rút khỏi Miền Nam Việt Nam, Philippines nêu vấn đề chủ quyền.

(Còn tiếp)

RELATED ARTICLES

Tin mới