Thursday, January 2, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiẤn Độ - Nhật Bản bắt tay hợp tác, “chiếu tướng” TQ?

Ấn Độ – Nhật Bản bắt tay hợp tác, “chiếu tướng” TQ?

Mối quan hệ hợp tác quốc phòng giữa Ấn Độ và Nhật Bản đang được đẩy mạnh bởi giới chức hai bên. Giới quan sát nhận định, đây là động thái cho thấy sự cứng rắn của cả New Delhi lẫn Tokyo trước Trung Quốc, kẻ đang bành trướng mạnh ở khu vực và trên thế giới…

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và người đồng cấp Nhật Bản Shinzo Abe

Những động thái khiến Bắc Kinh phải dè chừng

Mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Shri Arun Jaitely và người đồng cấp Nhật Bản Itsunori Onodera vừa đồng thuận mở rộng quan hệ quốc phòng song phương, đặc biệt đối với công tác huấn luyện tác chiến chống tàu ngầm giữa lực lượng hải quân hai nước.

Quyết định trên được đưa ra trong một thông cáo chung sau sự kiện Đối thoại thường niên các Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ – Nhật Bản được tổ chức tại Thủ đô Tokyo (Nhật Bản).

Được biết, hai bên sẽ cân nhắc nội dung huấn luyện tác chiến chống tàu ngầm vào chương trình hợp tác mở rộng. Ngoài ra, các Bộ trưởng cũng nhất trí tiếp tục hoạt động trao đổi và đào tạo bởi những đơn vị không quân chống ngầm như P-3. (Nhật hiện đang vận hành khoảng 80 máy bay P-3C Orion).

Ngoài ra, thông cáo cũng đặc biệt nhắc tới sự tham gia lần đầu tiên của máy bay tuần tra biển Kawasaki P-1, trong đợt tập trận hải quân ba bên Malabar diễn ra vào năm tới. Đây là dòng máy bay nội địa do Nhật Bản tự phát triển và sản xuất.

Năm 2015, Nhật Bản trở thành thành viên thường trực của cuộc tập trận thường niên Malabar. Ban đầu vốn là tập trận hải quân song phương giữa Mỹ và Ấn Độ.

Năm nay, cuộc tập trận này tập trung đặc biệt vào nội dung chống ngầm với sự tham gia của tàu chiến lớn nhất thuộc lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản, tàu sân bay trực thăng Izumo. Con tàu này được đánh giá là nền tảng hiệu quả hỗ trợ hoạt động tác chiến chống ngầm.

Như vậy, quyết tâm hợp tác an ninh, quân sự giữa Ấn Độ và Nhật Bản đã được thể hiện rõ nét.

Trước đó, Ấn Độ vừa đề nghị hai tập đoàn công nghiệp nặng Nhật Bản là Mitsubishi và Kawasaki thông tin về hợp đồng đóng 6 tàu ngầm tiên tiến với công nghệ AIP (hệ thống đẩy không khí độc lập), có trị giá khoảng 8 tỷ USD.

Giới quan sát đánh giá, những động thái thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ quốc phòng nêu trên giữa Nhật Bản và Ấn Độ nhằm hướng tới một mục tiêu chung: Kiềm chế sự bành trướng và hiếu chiến của Trung Quốc tại khu vực và trên thế giới, xuất phát từ những hành động ngày càng khó lường của Bắc Kinh.

Những quan chức Nhật Bản từng bày tỏ quan ngại những căng thẳng ở Biển Đông và Hoa Đông có thể lan sang cả khu vực Ấn Độ Dương, làm đe dọa những tuyến đường hàng hải mậu dịch của Tokyo với những quốc gia ở châu Phi và với các nước Trung Đông, vốn đang cung cấp cho Nhật khoảng 90% nhu cầu dầu thô.

Trong khi đó, New Delhi cũng không kém lo lắng khi Bắc Kinh cho xây dựng đường cao tốc dọc biên giới Himalaya với Ấn Độ, xây cảng biển ở các quốc gia láng giềng.

Thực tế đó đặt ra thách thức an ninh chung đối với cả New Delhi và Tokyo. Điều này khiến Chính phủ hai nước buộc phải nhận ra, họ cần những cái bắt tay thực chất, nồng ấm hơn để cùng đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Chưa kể, cả Nhật Bản và Ấn Độ hiện tại đều đang căng thẳng với Trung Quốc về tranh chấp lãnh thổ. Những mâu thuẫn giữa Tokyo và Bắc Kinh xuất phát từ chủ quyền quần đảo Điếu Ngư/Senkaku tại biển Hoa Đông.

Trong khi đó, Trung Quốc và Ấn Độ đều cùng tuyên bố chủ quyền với Arunachal Pradesh và liên tục chạm trán ở khu vực cao nguyên Doklam.

Các chuyên gia an ninh nhận xét, trước hành động của Trung Quốc và những diễn biến nhanh chóng của tình hình khu vực, Ấn Độ và Nhật Bản với tư cách là hai cường quốc tại châu Á, buộc phải tăng cường hợp tác an ninh – quốc phòng sâu rộng hơn.

Vấn đề này đã và đang được đặc biệt quan tâm dưới thời Thủ tướng Shinzo Abe.

Ông Abe từng thực hiện nhiều chuyến thăm tới Ấn Độ và thường xuyên công khai ủng hộ thắt chặt mối quan hệ giữa hai nước.

Hình thành “bộ đôi quyền lực”? 

Người đứng đầu Chính phủ Nhật Bản thậm chí từng khiến nhiều người ngạc nhiên, khi trong nhiệm kỳ làm Thủ tướng trước đó vào năm 2006, ông từng khẳng định, triển vọng quan hệ Nhật – Ấn có thể vượt qua cả quan hệ Mỹ – Nhật hay Nhật – Trung.

Đáng chú ý, năm ngoái, Thủ tướng Abe đã công bố “Chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương Tự do và Mở cửa” mới, nhằm đối phó với những nỗ lực của Bắc Kinh ở các vùng biển từ Đông châu Phi đến Thái Bình Dương.

Về phía New Delhi, Thủ tướng Ấn Độ từng tuyên bố Nhật Bản là đối tác “tự nhiên và không thể thiếu” của Ấn Độ trong quá trình tìm kiếm sự ổn định, hòa bình ở châu Á, bao gồm cả Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

Tất nhiên, trước mối quan hệ ngày càng mật thiết giữa hai cường quốc có tiềm lực mạnh mẽ cả về kinh tế lẫn quân sự như Nhật Bản và Ấn Độ, Trung Quốc luôn cảm thấy khó chịu và cũng không ít lần công khai lên tiếng bày tỏ thái độ ấy.

Trong tương lai, quan hệ giữa New Delhi và Tokyo được đánh giá là sẽ còn tiếp tục tiến xa hơn nữa, đặc biệt trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng, trong bối cảnh không chỉ Trung Quốc mà còn nhiều quốc gia khác đang tìm kiếm sự ảnh hưởng địa chính trị ở châu Á – Thái Bình Dương.

Hướng đi của Ấn Độ và Nhật Bản là hợp tác để thể hiện sao cho xứng đáng với vị thế những nước lớn trong khu vực, đảm bảo sự hài hòa, cân bằng về lợi ích giữa các bên, nhưng vẫn sở hữu những “quyền lực mềm” nhằm kiểm soát mọi diễn biến.

RELATED ARTICLES

Tin mới