Ông Abe tới thăm Ấn Độ và hội đàm với ông Modi là để tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh hàng hải, ngăn chặn Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng trên biển, báo Nhật viết.
Ông Abe lần này chỉ thăm quê hương của ông Modi. Ảnh: Reuters
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ thăm chính thức Ấn Độ trong 3 ngày từ 13-15/9 tới đây. The Economic Times (Ấn Độ) ngày 8/9 tiết lộ, trong chuyến công du lần này, ông Abe sẽ không tới New Delhi mà trực tiếp đến Gujarat – quê nhà của người đồng cấp Narendra Modi.
Tờ này nhận định, hành trình công du Ấn Độ của Thủ tướng Abe hay các nhà lãnh đạo quốc gia quan trọng khác tới thăm Ấn Độ nhưng lại bỏ qua thủ đô New Delhi là một động thái hiếm hoi.
Giới phân tích cho rằng, kỳ vọng lớn nhất của Ấn Độ đối với chuyến thăm lần này của ông Abe chính là mở rộng hợp tác chiến lược và quốc phòng giữa hai nước, qua đó hai ông Modi và Abe có thể tìm kiếm nhiều hướng hợp tác hơn giữa chính sách hướng Đông của New Delhi và chính sách Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở của Tokyo.
Ngoài ra, dự án Hành lang tăng trưởng Á-Phi (AAGC) mà Ấn Độ và Nhật Bản cùng thúc đẩy – được cho là đối trọng với sáng kiến Vành đai và con đường của Trung Quốc – cũng sẽ được chính thức khởi động trong thời gian ông Abe ở thăm Ấn Độ.
Theo The Economic Times, trước chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Abe, Gujarat dự kiến sẽ thành lập khu công nghiệp thứ hai của Nhật Bản ở Sannad với diện tích hơn 1.000ha, quy mô lớn gấp 10 lần khu công nghiệp ở Madal (New Delhi) nhằm thu hút số lượng lớn đầu tư.
Khu công nghiệp này còn có kế hoạch xây dựng khu dân cư theo tiêu chuẩn Nhật Bản.
Báo Ấn Độ cho biết, Gujarat kỳ vọng lượng đầu tư từ Nhật Bản sẽ tăng mạnh trong tương lai cũng như mong muốn ông Abe sẽ tuyên bố các kế hoạch đầu tư trong chuyến công du lần này.
Nhận định về chuyến thăm của Thủ tướng Abe, tờ Asahi Shimbun (Nhật Bản) phân tích, ông Abe lần này trực tiếp tới thăm Ấn Độ và hội đàm với Thủ tướng Modi mục đích nhằm để tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh hàng hải và để ngăn chặn Trung Quốc bành trướng trên đại dương.
Trước đó theo một thông cáo chung sau hội nghị Đối thoại thường niên giữa Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ – Nhật Bản tổ chức hôm 5/9 tại Tokyo, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Shri Arun Jaitely và người đồng cấp Nhật Bản Itsunori Onodera đã nhất trí mở rộng đào tạo tác chiến chống tàu ngầm giữa hải quân hai nước.
“Hai bên sẽ cân nhắc nội dung đào tạo tác chiến chống tàu ngầm (ASW) vào chương trình hợp tác mở rộng… Ngoài ra, các Bộ trưởng cũng đồng thuận tiếp tục duy trì trao đổi và chương trình huấn luyện của những đơn vị không quân chống ngầm như P-3C. (Nhật Bản hiện đang đưa vào sử dụng khoảng 80 máy bay P-3C Orion)”, The Diplomat dẫn thông cáo chung cho biết.
Thông cáo chung giữa hai nước Ấn-Nhật còn nhấn mạnh tới sự hiện diện lần đầu tiên của máy bay tuần tra săn ngầm Kawasaki P-1 trong đợt tập trận hải quân ba bên Malabar sẽ được tổ chức vào năm tới.
Kể từ năm 2015, Nhật Bản đã trở thành thành viên thường trực của cuộc tập trận hải quân chung hàng năm mang tên Malabar cùng Mỹ và Ấn Độ. Trong cuộc tập trận chung năm nay, Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản MSDF cử tàu sân bay trực thăng lớn nhất Izumo – tàu sân bay chống ngầm hiệu quả – tham gia.
Hợp tác chặt chẽ an ninh hàng hải giữa Ấn Độ và Nhật Bản đã được thể hiện rõ nét, tiến bộ trong thông cáo chung, The Dilopmat bình luận.
Một số ý kiến nhận định, chính những quan ngại chung về sự bành trướng của Bắc Kinh tại khu vực và trên thế giới đã khiến Ấn Độ và Nhật Bản – hai nước với tư cách là cường quốc tại châu Á – ngày càng xích lại gần nhau hơn.
Bởi trong khi Tokyo lo lắng về sự hiện diện thường xuyên của các máy bay, tàu chiến quân sự của Bắc Kinh ở biển Hoa Đông thì New Delhi lo ngại Bắc Kinh mở rộng chân rết ở Nam Á hay tác động tới các nước láng giềng chung.
Thực tế, hồi tháng 8 vừa qua, trong cuộc đối đầu dai dẳng Trung-Ấn, Nhật Bản là nước lớn duy nhất lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ lập trường của New Delhi.