Friday, October 4, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiHình sự hóa việc dùng tiền lẻ qua trạm BOT: Đúng hay...

Hình sự hóa việc dùng tiền lẻ qua trạm BOT: Đúng hay sai?.

Theo TS Nguyễn Sỹ Dũng, việc điều tra, truy tố các tài xế dùng tiền lẻ qua trạm BOT quốc lộ 5 (Hưng Yên) là không đúng, không hiểu vấn đề

Sau khi tài xế lái xe, một số doanh nghiệp phản ứng trạm thu phí số 1 trên tuyến QL5 (Như Quỳnh, Văn Lâm, Hưng Yên) trong những ngày vừa qua, ngày 7/9, trả lời phóng viên một số cơ quan báo chí, Đại tá Đỗ Đình Hào, Giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên cho biết, cơ quan công an tỉnh đang điều tra làm rõ hành vi gây rối an ninh trật tự tại trạm thu phí số 1, quốc lộ 5 (đoạn qua địa phận huyện Văn Lâm, Hưng Yên).

Đại tá Hào khẳng định công an tỉnh đã làm việc với một số lái xe. “Chúng tôi đang khẩn trương điều tra xem ai là người kích động các lái xe phản đối. Nếu đủ căn cứ sẽ tiến hành khởi tố về hành vi gây rối, kích động”.

Theo Giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên, công an xác định có hành vi cố tình gây rối, mất an ninh trật tự của một số lái xe ở trạm thu phí quốc lộ 5. Việc này cần phải xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, trao đổi với VOV, TS Nguyễn Sỹ Dũng – Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, việc điều tra, truy tố các tài xế dùng tiền lẻ qua trạm BOT quốc lộ 5 (Hưng Yên) là không đúng, không hiểu vấn đề.

“Cái đó không cấu thành tội phạm. Nó phải nằm trong Bộ Luật hình sự quy định. Chỉ có những hành vi được quy định trong Bộ Luật hình sự mới cấu thành tội phạm, Giám đốc công an một tỉnh mà nói như vậy tôi cho là không nắm tốt Luật Hình sự. Anh không thể hình sự hóa một hành vi mà nó không thể cấu thành tội phạm”, TS Nguyễn Sỹ Dũng phân tích.

Việc dùng tiền lẻ khi qua trạm thu phí không cấu thành tội phạm vì không được quy định trong Bộ luật Hình sự.

“Chúng ta phải xem động cơ là gì, động cơ mà người ta kêu gọi để chống lại bất công thì đó không thể cấu thành tội Hình sự. Còn động cơ kêu gọi để phá rối, để gây mất ổn định thì lúc ấy mới cấu thành tội hình sự.

Tôi không nghĩ việc dùng tiền lẻ qua trạm thu nó cấu thành tội hình sự, động cơ phá rối mất mất trật tự thì mới cấu thành tội. Anh không thể hình sự hóa một hành vi không phạm luật. Giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên trả lời như vậy tôi cho rằng không hiểu vấn đề, họ đang hình sự hóa câu chuyện dân sự”.

Bản thân TS Nguyễn Sỹ Dũng trước đó cũng đã thẳng thắn chỉ ra rằng, thu phí BOT hiện nay như kiểu trấn lột; người dân không đi trên đường BOT thì không thể thu phí; không thể đường tránh một chỗ, đặt trạm thu phí chỗ khác.

Ông chỉ ra những bất ổn trong hợp đồng BOT hiện nay. Về hợp đồng BOT, ông Nguyễn Sỹ Dũng cho rằng tất cả các cổ đông liên quan đều phải được có ý kiến, không thể chỉ có chủ đầu tư, nhà thầu, cơ quan quản lý trực tiếp được có ý kiến.

“Cổ đông lớn nhất là lợi ích quốc gia, giờ ai đại diện không rõ. Nói Bộ GTVT đại diện lợi ích quốc gia thì xin lỗi, không đúng”, TS Nguyễn Sỹ Dũng nói.

Cổ đông thứ hai, theo TS Nguyễn Sỹ Dũng, phải được có ý kiến, đó là người dân. Ai đại diện cho người dân? Quốc hội đại diện thì Quốc hội phải tham gia thế nào đó?

Thứ ba là những nhà làm kinh tế vận tải, đó là người chi tiền, khách hàng. Không thể có chuyện khách hàng không được có ý kiến.

“Rõ ràng khách hàng là thượng đế. Thượng đế gì mà bắt trả bao nhiêu phải trả bấy nhiêu. Rõ ràng trong hợp đồng của BOT, rất nhiều cổ đông của BOT không được có ý kiến. Tôi cho rằng từ nay trở đi phải nên thay đổi”, TS Dũng cho hay.

RELATED ARTICLES

Tin mới