Sunday, January 5, 2025
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiDự án bảo tàng 11.000 tỷ dở dang: Ngân sách khó kham...

Dự án bảo tàng 11.000 tỷ dở dang: Ngân sách khó kham nổi…

“Chính phủ nên có một quyết định dứt khoát với công trình này, không nên để rơi vào tình trạng bỏ rơi mà nên khóa sổ lại”.

 

Phối cảnh dự án Bảo tàng lịch sử quốc gia

Đó là nhận định của TS Phạm Sỹ Liêm – nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng với chúng tôi.

Chưa phải lúc

PV:- Mới đây, Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi lên Thủ tướng Chính phủ kiến nghị tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để triển khai dự án xây dựng Bảo tàng lịch sử quốc gia đang dậm chân tại chỗ 10 năm nay do thiếu vốn, với tổng mức đầu tư 11.000 tỷ đồng.

Năm 2015, trước đơn xin cầu cứu của Bộ Xây dựng về dự án này, đại diện Chính phủ đã khẳng định chúng ta chưa đủ điều kiện xây dựng một bảo tàng hoành tráng trong khi còn phải vừa trả nợ công, vừa chia sẻ và cân đối thu chi trong khi túi tiền đang rất eo hẹp.

Ông đánh giá và nhìn nhận ra sao về câu chuyện trên?. Vì sao lại xảy ra thực trạng một dự án 10 năm không thể hoàn thiện, 2 lần xin cầu cứu?

TS Phạm Sỹ Liêm: – Chủ trương coi trọng công tác xây dựng bảo tàng về mặt gìn giữ truyền thống là đúng, nhưng nhiều năm nay ngân sách của nhà nước hết sức thiếu hụt, thu không đủ chi, phải vay mượn, nợ công tăng cao. Theo thống kê mới nhất của Bộ Tài chính đưa ra dự báo năm 2017 – 2018 sẽ là đỉnh của nợ công Việt Nam với mức nợ có thể tiến sát ngưỡng 65% GDP.

Trong bối cảnh này muốn xây một bảo tàng lớn hàng 11.000 tỷ đồng, dù chúng ta có thiện chí cũng không kham nổi.

Đặc biệt là khi các dự án đầu tư xây dựng công luôn rơi vào tình trạng đội vốn, chậm tiến độ, mức trượt giá cao, gây lãng phí, có biểu hiện tham nhũng. Trong khi, dự án đầu tư thuộc khu vực tư nhân thường triển khai đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng.

Ai cũng có tâm lý coi ngân sách là vô hạn, có dự án là có tiền, nhưng bây giờ nguồn thu khó khăn thế này thì lấy tiền đâu ra. Không ít công trình đầu tư bỏ dở, đình trệ rất lãng phí vì không có vốn.

Tôi nghe nói Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam còn đang đề xuất làm một Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam. Điều đó cũng cần nhưng chưa có tiền, chưa phải lúc.

Đề nghị Chính phủ nên có thái độ dứt khoát về việc này. Trong bối cảnh hết sức khó khăn, rất nhiều khoản phải chi, nếu cứ cố gắng dải ra đủ chỗ thì không tập trung được nguồn lực, cuối cùng làm gì cũng dở dang.

Kể cả đầu tư xây dựng hạ tầng quốc gia cũng vậy, Hà Nội mới đây đề xuất xây 6 cây cầu bắc qua sông Hồng, sông Đuống với tổng mức đầu tư gần 57.000 tỉ đồng.

Tôi cho rằng, dù có được làm dưới hình thức BOT, BT thì các doanh nghiệp có làm cũng không đủ sức. Mà nếu không đủ họ sẽ thu hồi vốn dựa vào mức phí thu lại của dân, cuối cùng vẫn là dân gánh chịu.

Tôi cho rằng, các nhà cấp quản lý nên xem xét kỹ lưỡng về tính hiệu quả của hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản hiện nay.

Trong hệ số ICOR (Incremental Capital-Output Ratio) thể hiện để tăng một đồng GDP cần đầu tư bao nhiêu đồng, nếu như các nước chỉ 3 đồng cùng lắm là 4 đồng còn Việt Nam thì ngày càng tăng, 7-8 đồng gấp đôi các nước.

Tức là chúng ta có phát triển nhưng giá đắt gấp đôi các quốc gia cùng khu vực, bởi vì, giá cả trong lúc đang xây dựng đội giá vì xây dựng không nhanh. Như một cây cầu của Trung Quốc, Mỹ chỉ xây 1-2 năm, còn chúng ta xây dựng cả 5-6 năm, làm như vậy thì làm sao mang hiệu quả cho nền kinh tế được.

Về nguyên lý, không những cần nâng cao chất lượng, mà còn xây thật nhanh, thì mới mang lại hiệu quả, chúng ta không ai quan tâm tiến độ, như đường sắt trên cao, bao nhiêu năm nay có hoàn thiện được đâu?.

Bệnh viện xây xong bỏ hoang, các công trình văn hóa không có người vào, nên Chính phủ nhân việc này cần làm rõ việc gười ta chỉ muốn tiêu tiền đầu tư vào xây dựng mà không quan tâm hiệu quả mang lại cho nền kinh tế là cái gì, như thế nào?.

Nên dứt khoát xóa bỏ dự án

PV:- Thực tế, vẫn đang tồn tại hàng loạt các dự án nghìn tỷ được phê duyệt nhưng lại không thể hoàn thành như dự án nhà máy liên hợp gang thép Vạn Lợi đã dừng đầu tư sau 6 năm bỏ hoang, khi đã đầu tư 1.000 tỷ đồng; hay dự án Bệnh viện đa khoa quy mô 700 giường tỉnh Nam Định, 10 năm nay vẫn chưa hoàn thiện với mức đầu tư gần 1000 tỷ đồng…

Tình trạng trên phản ánh điều gì còn tồn tại trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản của chúng ta? Xin ông chỉ rõ? Điều này cần khắc phục như thế nào, đặc biệt trong bối cảnh ngân sách đang eo hẹp như hiện nay?

TS Phạm Sỹ Liêm: – Nói thẳng ra thì đây là lợi ích nhóm trong đầu tư xây dựng cơ bản. Người ta chỉ mong có quyết định chủ trương đầu tư là lập tức thuê thiết kế, thi công cứ khởi công lấy lệ, mọi chuyện về sau thì đợi hết nhiệm kỳ là xong, còn lại thì nhiệm kỳ sau chịu trách nhiệm.

Những việc này thể hiện 3 điểm lớn còn tồn tại trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản:

Thứ nhất, thể hiện sự không coi trọng kiến thức quản lý dự án. Ở các nước đây là một môn học bắt buộc, như ở Hoa Kỳ họ coi trọng nhất việc này, vì các dự án của họ toàn hàng mấy trăm triệu USD, thậm chí hàng tỷ USD, nếu không đủ trình độ kiến thức thì không thể quản lý được.

Họ cũng xác định để cho công chức quản lý, rồi chỉ biết đòi bôi trơn, vòi vĩnh thì không bao giờ thành công, phải là người quản lý có kiến thức chuyên nghiệp.

Ví dụ, Samsung đầu tư nhà máy hàng chục vạn công nhân, nhưng chỉ trong đúng thời gian quy định, thậm chí sớm hơn, vì họ chỉ thuê những nhà quản lý chuyên nghiệp, chứ không cử mấy ông công chức ra quản lý. Còn chúng ta có quản lý mới có màu.

Thứ hai, giải phóng mặt bằng, dự án nào cũng phải làm khâu này, nhưng chính sách thu hồi đất để giải phóng mặt bằng có nhiều hạn chế, nhược điểm quan trọng mà Tổng hội xây dựng vừa qua có Hội thảo về quản lý đất đô thị đã nêu ra. Ở đâu giải phóng cũng rất chậm, có khi 2-3 năm không xong thì làm sao dự án hiệu quả, vô cùng tốn kém.

Thứ ba, không ai hỏi trách nhiệm ai, đều do tập thể, hết nhiệm kỳ là xong, không tìm được trách nhiệm từng cá nhân.

Để khắc phục, theo tôi, chúng ta phải chuyển đổi mô hình phát triển theo chiều rộng, sang mô hình cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Nhưng để có thể khẳng định các ngành đã làm gì để đạt được mô hình này thì tôi chưa thấy động đậy gì. Các vị lãnh đạo nên vào cuộc, triệu tập các chuyên gia từ các hội ngành, để nghiên cứu và đưa ra các giải pháp.

PV:- Trở lại trường hợp của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, theo ông, chúng ta nên ứng xử với dự án này như thế nào? Trong trường hợp phải đầu tư tiếp, làm thế nào để hiệu quả, tránh tình trạng kéo dài gây thất thoát lãng phí như trên? Có cần những cam kết về trách nhiệm để dự án được thực hiện trôi chảy không, thưa ông? Xin ông phân tích cụ thể.

TS Phạm Sỹ Liêm: – Nhân dịp này, theo tôi, chúng ta nên có một quyết định dứt khoát với công trình này, không nên để rơi vào tình trạng bỏ rơi mà nên khóa sổ lại.

Còn giải quyết hậu quả ra sao cũng không quá phức tạp. Mọi người đều biết, Hà Nội cũng có Bảo tàng Hà Nội diện tích khá lớn, nhưng ít người tham quan. Chúng ta vẫn còn nguyên Bảo tàng lịch sử quốc gia ở khu Tràng Tiền. 

Ở khu vực này, có 2 bảo tàng một Bảo tàng lịch sử quốc gia, một Bảo tàng cách mạng, có thể chuyển Bảo tàng cách mạng về Bảo tàng Hà Nội rồi chuyển Bảo tàng Hà Nội sang Bảo tàng lịch sử quốc gia. Để kết nối hai bảo tàng chỉ cần đường hầm xuyên qua nối hai bên là được, mọi người thoải mái tham quan đi lại, đồng thời mở rộng ra là nơi nghỉ chân, giải khát, mua lưu niệm… Như thế khả thi hơn rất nhiều.

Tôi đã nói ngay từ đầu, để xảy ra tình trạng như ở dự án bảo tàng 11.000 tỷ, việc quy trách nhiệm cũng nằm trong nhược điểm chung của chúng ta, không rõ trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu. Người đứng đầu là ủy ban, tập thể, quyết định dựa vào tập thể.

Nhưng cần thay đổi, ai làm gì thì chịu trách nhiệm cho những quyết định đó. Dự án đầu tư không hiệu quả vẫn xin, vẫn làm thì cũng phải bị xử lý dù còn đương chức, hay nghỉ hưu.

RELATED ARTICLES

Tin mới