Triều Tiên thể hiện cho cả thế giới rằng họ sẵn sàng làm bất cứ điều gì để xây dựng kho vũ khí hạt nhân, ngay cả khi không còn sự hỗ trợ của Trung Quốc.
(Ảnh: Reuters)
Sau gần một năm dự đoán, Triều Tiên cuối cùng đã tiến hành cuộc thử nghiệm hạt nhân lần thứ 6 và cũng là lần thử nghiệm lớn nhất cho đến nay.
Dựa vào chứng cứ địa chấn đầu tiên, có thể thấy rằng thiết bị mà Bình Nhưỡng thử nghiệm lần này có khả năng gây ra một vụ nổ với rung chấn lớn hơn thiết bị trong cuộc thử nghiệm trước đó vào hồi tháng 9/2016.
Chấn động được cảm thấy gần như ngay lập tức ở bên kia sông Áp Lục và Đồ Môn, phía lãnh thổ Trung Quốc – nước láng giềng từng thân cận và quan trọng nhất với Triều Tiên. Ngày nay, dù vẫn còn tầm ảnh hưởng về kinh tế với Bình Nhưỡng, nhưng Trung-Triều không còn “thân cận”.
Ông Kim Jong Un “thoát Trung”
Trong quá khứ, quan hệ Trung-Triều thường được mô tả qua ẩn dụ của lãnh tụ Mao Trạch Đông, so sánh hai nước “gần gũi như môi và răng”. Nhưng điều này được cho là đã suy giảm đáng kể dưới thời nhà lãnh đạo Kim Jong Un.
Nhà quan sát Ankit Panda, biên tập viên cấp cao của tạp chí Diplomat, phân tích trên tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) cho hay, sự bất mãn của Trung Quốc bắt đầu vào đầu năm 2012 và tăng lên theo những năm sau đó, khi ông Kim Jong Un xử lý người chú rể của mình là ông Jang Song Thaek – người đóng vai trò trung gian quan trọng thúc đẩy quan hệ hai nước khi cố lãnh đạo Kim Jong Il còn cầm quyền.
Kể từ chuyến thăm Bình Nhưỡng cấp cao của ông Lưu Vân Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc, vào tháng 10/2015, không có hội nghị cấp cao quan trọng nào diễn ra sau đó giữa quan chức đôi bên.
Cuộc gặp năm 2016 giữa Ngoại trưởng Triều Tiên vào thời điểm đó là Ri Su Yong và Chủ tịch Tập Cận Bình là một hình ảnh hiếm hoi của nhà lãnh đạo Trung Quốc với một nhân vật cấp cao từ Bình Nhưỡng, nhưng cuộc gặp này không mấy hiệu quả.
Bắc Kinh thiếu thiện chí…
Cuộc thử nghiệm hạt nhân lần thứ 6 của Triều Tiên mới đây một lần nữa làm cho mối quan hệ giữa Trung Quốc với người hàng xóm vốn đã rất phức tạp trở thành tâm điểm của sự chú ý.
Bắc Kinh công khai chỉ trích vụ thử nhưng vẫn kêu gọi tất cả các bên kiềm chế, trở lại cơ chế đối thoại giải quyết mâu thuẫn.
Trung Quốc cùng Nga đề xuất giải pháp “đóng băng đổi lại đóng băng” (Freeze for Freeze) như bước đi đầu tiên trong tiến trình ngoại giao toàn diện hơn bao gồm các bên liên quan trực tiếp. Theo khuôn khổ này, Mỹ và Hàn Quốc sẽ hạn chế các cuộc diễn tập quân sự, để đổi lại Triều Tiên tạm ngừng các cuộc thử nghiệm hạt nhân và tên lửa đạn đạo.
Tuy nhiên, một điều chưa bao giờ được đề cập, là Trung Quốc sẵn sàng sử dụng đòn bẩy kinh tế của mình đến mức độ nào để gây sức ép lên Triều Tiên nếu nước này lại vi phạm nghị quyết của HĐBA.
Thương mại với Trung Quốc chiếm từ 85 đến 90% trao đổi thương mại với nước ngoài của Triều Tiên. Trong khi các đối tác thương mại quan trọng khác của Bình Nhưỡng, bao gồm Ấn Độ và Philippines, đều đã tiến hành các biện pháp để thực thi nghị quyết của HĐBA thì Bắc Kinh vẫn chậm trễ và cuốn vào các vụ tranh cãi với truyền thông phương Tây.
Đại diện chính phủ Trung Quốc chỉ trích đe dọa của tổng thống Mỹ Donald Trump, về việc cắt quan hệ thương mại với bất kỳ nước nào làm ăn cùng Triều Tiên, là “không thể chấp nhận”.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã đồng ý gia tăng các lệnh trừng phạt của HĐBA đối với Triều Tiên, nhưng đồng thời cũng liên tục không tuân thủ trọn vẹn, như trong vấn đề hạn chế nhập khẩu với Triều Tiên, điển hình là nhập khẩu than đá.
Dù tuyên bố ngừng hoàn toàn nhập than Triều Tiên từ tháng 2/2017, nhưng theo thông báo của Bộ thương mại Trung Quốc hôm 14/8, từ ngày 15/8 trở đi, Trung Quốc mới cấm nhập khẩu than, sắt, quặng sắt, chì, quặng chì, thủy hải sản của Triều Tiên
Sự đồng thuận gần đây của Trung Quốc đối với Nghị quyết 2371 – vòng trừng phạt mới nhất của LHQ – đối với Triều Tiên cũng không có nhiều khả năng thay đổi điều này.
… Hay thực ra đã lực bất tòng tâm?
Các nhà hoạch định chính sách Mỹ thường cho rằng việc Trung Quốc thiếu thiện chí khi áp dụng các lệnh trừng phạt là trở ngại chủ yếu trong nỗ lực trừng phạt Triều Tiên.
Nhưng những năm gần đây cho thấy một tình huống đáng lo ngại hơn có thể xảy ra, đó là Trung Quốc dù cố gắng hết sức có thể cũng không còn khả năng giữ được “đòn bẩy” để buộc Triều Tiên thỏa hiệp nữa – ông Ankit Panda nhận định.
Dù tư tưởng Chủ thể (Juche), hay “tự lực”, từ thời lập quốc của Triều Tiên có vẻ giống như một công cụ tuyên truyền hơi phóng đại, nhưng họ nhiều lần chứng minh có khả năng thực hiện được mục tiêu chiến lược tối cao đó là xây dựng khả năng răn đe hạt nhân, bất kể có tốn kém bao nhiêu đi chăng nữa.
Thậm chí với lệnh cấm vận dầu mỏ, mà Mỹ cho là có thể thực thi một cách dễ dàng khi Bắc Kinh chấp nhận, cũng có thể bị hạn chế đáng kể hiệu quả khi đem áp dụng với một nhà nước tự lực như Triều Tiên.
Nếu việc tiếp cận với nguồn dầu mỏ bất khả thi, Bình Nhưỡng hoàn toàn có thể chuyển sang hóa lỏng than đá. Trên thực tế, tiêu thụ dầu mỏ của Triều Tiên đã bắt đầu giảm dần từ thời hoàng kim của nước này vào những năm 1990.
Chiều nay 11/9 (giờ Bắc Kinh), đại diện Bộ ngoại giao Trung Quốc nói nước này sẽ đồng thuận với nghị quyết gia tăng trừng phạt Triều Tiên của HĐBA, vài giờ trước khi phiên thảo luận bắt đầu.
Dù vậy, truyền thông nhà nước Trung Quốc lặp lại lời của Tổng thống Nga Vladimir Putin, nhấn mạnh vụ Triều Tiên thử hạt nhân đã chứng minh giải pháp trừng phạt cứng rắn là không hiệu quả.
Ông Panda chỉ ra, tính toán cốt lõi trong trường hợp này của Trung Quốc là ngay cả sau vụ thử hạt nhân lần thứ 6, thì việc duy trì một Triều Tiên được trang bị vũ khí hạt nhân vẫn tốt hơn một Triều Tiên yếu ớt, chính quyền bị đe dọa, hoặc khi một cuộc khủng hoảng nhân đạo tiềm tàng có thể kéo theo dòng người tị nạn khổng lồ đến Trung Quốc.
Theo đó, bất chấp rung chấn trong vụ thử bom hạt nhân ngày 3/9 của Triều Tiên là “mạnh nhất từ trước đến nay”, phản ứng cơ bản của Trung Quốc không gay gắt hơn những lần trước, ngoài việc triệu Đại sứ Triều Tiên để trao công hàm phản đối.
Ông Panda đánh giá, Bắc Kinh chỉ đơn giản là thiếu thiện chí trong việc tiến hành các biện pháp để “kiểm soát” được Triều Tiên. Các lực lượng hạt nhân của Triều Tiên có lẽ cho thế giới thấy rằng tự lực là lựa chọn duy nhất của nước này. Còn từ quan điểm của Bình Nhưỡng, Trung Quốc đã không còn là “người bảo trợ” nữa.