Monday, December 23, 2024
Trang chủNhìn ra thế giới50% tiến sĩ làm công chức: Chuyện lạ thường...

50% tiến sĩ làm công chức: Chuyện lạ thường…

Hiện tượng hơn 50% giáo sư, tiến sĩ nằm trong khu vực nhà nước là một hiện tượng bất thường, chỉ có ở Việt Nam.

Sĩ hóa cán bộ công chức không đảm bảo chất lượng cán bộ sẽ tốt. Ảnh minh họa

Tiến sĩ không phân biệt được cỏ với lúa

GS.TSKH Trần Duy Quý, nguyên Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam nói thẳng hiện tượng hơn 50% giáo sư, tiến sĩ nằm trong khu vực nhà nước là một hiện tượng bất thường, chỉ có ở Việt Nam.

GS Quý nói, tiến sĩ, giáo sư cần phải được đưa về các viện nghiên cứu, các trường đại học.

Vị chuyên gia này nhấn mạnh, bộ máy quản lý hành chính không nhất thiết phải cần tới những người có trình độ tiến sĩ, giáo sư mà cần hướng họ vào công tác giảng dạy, nghiên cứu.

Ông cho biết, ở các nước trên thế giới cũng vậy, đây là lý do khiến cho đất nước họ dù có ít giáo sư, tiến sĩ nhưng lại có rất nhiều các công trình nghiên cứu, các bằng sáng chế khoa học. Khi giáo sư, tiến sĩ tập trung vào nghiên cứu họ mới tạo ra được những công trình khoa học để áp dụng vào thực tiễn giúp đất nước họ phát triển, tránh bị tụt hậu.

Minh chứng cho nhận định của mình, GS Trần Duy Quý lấy ví dụ như GS Ngô Bảo Châu cũng được đưa vào làm nghiên cứu, giảng dạy, phân công là trưởng bộ môn tại trường quốc tế chứ không được làm quản lý.

Việt Nam tụt hậu một phần cũng vì lý do thừa giáo sư, tiến sĩ nhưng lại quá ít những người làm nghiên cứu, giảng dạy.

Lý giải cho tình trạng vì sao lại Việt Nam lại một mình một kiểu, đi ngược với xu hướng chung của thế giới như vậy, GS.TSKH Trần Duy Quý cho rằng có trào lưu này là vì phụ thuộc vào chính sách vĩ mô. Khi muốn đề bạt, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo chỉ cần từ cấp trưởng phòng trở lên cũng đã yêu cầu phải có bằng tiến sĩ rồi.

“Khi xã hội có nhu cầu ắt sẽ có nguồn cung. Chỉ cần có lợi họ sẽ chạy đua để làm, họ tìm mọi cách để có được bằng, từ việc học giả bằng thật cho tới cả không học vẫn có bằng. Chỉ khi đi vào công việc thực tiễn lúc đó mới lộ ra trình độ chuyên môn ở tầm nào? Tấm bằng tiến sĩ giải quyết được gì?”, GS Quý nói.

Để chứng minh cho nhận định trên, ông lấy ngay ví dụ tuyển dụng cán bộ tại Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam, khi ông còn làm Viện trưởng, ông kể.

“Khi còn làm Viện trưởng, tôi đã giới thiệu người để bổ nhiệm Trưởng Bộ môn chọn tạo giống lúa của Viện là một kỹ sư chứ không phải là một tiến sĩ. Sở dĩ đưa ra giới thiệu như vậy vì  kết quả kiểm tra chuyên môn đã chứng minh vị kỹ sư kia giỏi hơn nhiều so với ông tiến sĩ.

Bằng chứng là khi ra ngoài ruộng, ông kỹ sư đã phân biệt được cây lúa với cây cỏ lồng vực, còn vị tiến sĩ thì không thể phân biệt được. Một tiến sĩ như vậy thì có chấp nhận làm nhân viên cũng không oan ức gì”, vị GS kể lại.

“Sĩ hóa” cán bộ không có nghĩa công chức sẽ tốt

Bàn luận thêm về chủ trương “sĩ hóa” công chức lãnh đạo địa phương, GS.TSKH Trần Duy Quý nói thẳng đó là một chủ trương sai lầm, không sát thực tế. Ông cho biết, chủ trương trên sẽ khiến đất nước bị tụt hậu vì những ông tiến sĩ giấy, tiến sĩ mua bằng, tiến sĩ không làm được việc.

“Tiến sĩ phải là người nghiên cứu, tạo ra những phát minh, sáng chế khoa học để áp dụng vào thực tế chứ không phải học tiến sĩ rồi ngồi bàn giấy giơ năm ngón, chỉ đạo. Đó là một sai lầm. Đào tạo tốn kém, mất thời gian mà không mang lại hiệu quả”, ông Quý nói.

Càng không đồng tình khi cho rằng sĩ hóa công chức, cán bộ sẽ giúp nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, GS Quý nói thẳng, chất lượng cán bộ, công chức phụ thuộc vào chất lượng chuyên môn, dựa vào đạo đức của người cán bộ chứ không phải dựa vào bằng cấp.

Vị chuyên gia nói ngay, chủ trương “sĩ hóa” cán bộ chỉ tạo ra một môi trường sính bằng cấp và tạo dư địa cho nhiều tiêu cực phát sinh.

“Tiêu cực từ công tác đào tạo cho tới công tác tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ công chức.

Thậm chí, hiện đang bắt đầu có những biểu hiện của tiêu cực, tham nhũng, thoái hóa, biến chất bắt nguồn từ chủ trương này”, vị chuyên gia nói.

Để chứng minh cho lập luận trên, vị GS cho biết hiện tượng trên manh nha xuất hiện từ thời ông được mời ngồi trong hội đồng chấm luận án tiến sĩ.

Ông chỉ ra có tình trạng phe phái trong hội đồng chấm thi dẫn tới việc bất đồng trong quan điểm đánh giá, đánh giá theo cảm tính cá nhân chứ không dựa trên cơ sở khoa học khách quan. Đã có tình trạng học viên bị dìm điểm oan uổng cũng vì hiện tượng trên. Đây cũng chính là một biểu hiện tiêu cực, nhũng nhiễu trong công tác thi tuyển chức danh giáo sư, tiến sĩ.

Hay như tình trạng một giáo sư hướng dẫn 44 học viên đã được Thanh tra Bộ GD-ĐT chỉ ra mới đây.

“Cá nhân tôi thấy đây là điều rất vớ vẩn, không thể thực hiện được.

Tôi lấy ví dụ từ bản thân thôi là thấy. Bản thân tôi cũng chỉ hướng dẫn được 2 học viên làm luận án giáo sư là kiệt sức, còn tiến sĩ thì đến 3 người cũng đã bở hơi tai, không thể có hơi sức mà hướng dẫn tới 44 người. Thế thì siêu phàm quá.

Chưa nói tới người phụ trách chuyên môn này lại hướng dẫn học viên thuộc lĩnh vực khác. Nói như vậy để thấy, tất cả từ công tác đào tạo, tới quá trình cấp bằng đều có vấn đề cần phải chấn chỉnh lại”, GS Trần Duy Quý nhắc lại. 

Theo vị chuyên gia, sự thay đổi trước tiên là bộ máy hành chính nhà nước phải đổi mới tư duy, làm hành chính thì không nhất thiết phải là tiến sĩ, giáo sư.

“Không nên “bằng cấp hóa” cán bộ công chức, “bằng hóa” nhưng trình độ chuyên môn không tốt thì cũng không có gì oai cả”, vị GS nhấn mạnh.

RELATED ARTICLES

Tin mới