Việt Nam nên có cách tiếp cận và xử lý mới mà có lẽ là nên thay đổi chiến thuật để được hiệu quả hơn, cũng như thu hút quan tâm của cộng đồng quốc tế, khu vực tốt hơn đối với hồ sơ Biển Đông, theo một số ý kiến bình luận, phân tích tại Bàn tròn hôm thứ Năm của BBC Việt ngữ với chủ đề ‘Trung Quốc tập trận sát Đà Nẵng – phản ứng và bình luận’.
Trung Quốc trong một cuộc tập trận ở khu vực Hoàng Sa, trên Biển Đông.
Một trong các thay đổi có thể bắt đầu bằng việc Việt Nam cần giải thích cho thế giới và khu vực biết về những động thái ‘gây hấn’ của Trung Quốc, trong đó có các vụ việc như tấn công, gây thương vong, đe dọa tàu bè, ngư dân và hoạt động kinh tế… của Việt Nam hơn là chỉ nói về vấn đề ‘tranh cãi chủ quyền’ hết sức phức tạp, một ý kiến của khách mời từ Hoa Kỳ cho hay.
Để giải quyết bài toán Biển Đông cần có tầm nhìn xa và có tính hệ thống về các động thái của Trung Quốc ở toàn bộ khu vực và trên cơ sở đó rút ra đối sách phù hợp chứ không nên chỉ ‘giới hạn’ vào tranh chấp đã biết với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và cần nhấn mạnh tới vấn đề bảo vệ ‘quyền tự do lưu thông hàng hải’ ở khu vực, một ý kiến khác cũng từ Mỹ đặt vấn đề.
Việt Nam trên cơ sở xác định rõ mục tiêu chính và lâu dài của Trung Quốc là ‘đẩy Mỹ’ ra khỏi Biển Đông, độc chiếm vùng biển này và mở rộng ra phía Tây Thái Bình Dương, cần phối hợp với tất cả các bên có ích quốc gia khác ở Biển Đông để phối hợp, hợp tác với nhau, ngăn chặn chiến lược trên, qua đó giúp Việt Nam đạt được hiệu quả tốt hơn trên hồ sơ Biển Đông, một quan sát từ Hà Nội nhận định.
Trong khi đó, từ Nhật Bản, nhân dịp này, một nhà bình luận cảnh báo chính sách bành trướng quá mức của Trung Quốc, cho rằng nước này nên tham khảo bài học của Nhật Bản thời Thế chiến II, vốn từng đe dọa nhiều nước ở khu vực Tây Thái Bình Dương, và qua đó đã tự gây hại cho bản thân, ý kiến này cũng chia sẻ kinh nghiệm ứng xử của Nhật Bản mỗi khi bị nước ngoài đe dọa hay xâm phạm chủ quyền.
Phải phát ngôn như thế nào?
Trước hết, tại cuộc Tọa đàm hôm 07/9/2017, Giáo sư Ngô Vĩnh Long, nhà nghiên cứu từ Đại học Maine, Hoa Kỳ bình luận về vụ Trung Quốc tập trận có bắn đạn thật (từ 29/8-04/9/2017), ông nói:
“Về việc Trung Quốc tập trận bắn đạn thật thì không phải chỉ gần đây, chỉ trong mấy ngày qua, mà Trung Quốc đã làm như thế trong quá khứ, đặc biệt vào năm 2013…, ba hạm đội của Trung Quốc đã vào Biển Đông và đã tập trận một cách thật quy mô.
“Vấn đề ở đây là phản ứng của Việt Nam như thế nào để cho thế giới hiểu chuyện gì đã xảy ra, tôi thấy rằng phản ứng của Việt Nam, đặc biệt phát ngôn của bà Lê Thị Thu Hằng [phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao VN] tôi thấy là không ổn.
“Bởi vì đây là hành động có ảnh hưởng đến tự do hàng hải của thế giới, đe dọa an ninh trong khu vực, lẽ dĩ nhiên bà Thu Hằng có nói đến vấn đề đó, nhưng ngay lúc đầu bà nói đây là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, thì Trung Quốc cũng nói về vấn đề chủ quyền.
“Ở đây không phải là vấn đề chủ quyền, bởi vì nếu chúng ta chỉ nói về tranh cãi vấn đề chủ quyền thì thế giới sẽ không rõ vấn đề và chỉ coi đây là hai nước tranh cãi về vấn đề chủ quyền thôi. Cho nên chúng ta phải nhắc lại là Trung Quốc đã đánh chiếm đảo Hoàng Sa, đã đánh chiếm các đảo khác, đã gây bao nhiêu chết chóc, thương vong và hầu như mỗi tháng, mỗi tuần các tàu của Trung Quốc, tàu cá hay là tàu tuần tra đều gây thương tích cho ngư dân Việt Nam.
“Chúng ta [Việt Nam] phải nói lên vấn đề đó thay vì nói đến vấn đề chủ quyền, bởi vì nói đến chủ quyền thì thế giới sẽ không hiểu và sẽ không bênh vực Việt Nam,” nhà phân tích bang giao quốc tế, quan hệ Trung – Việt và đồng thời là sử gia từ Đại học Maine nói.
Từ California, Hoa Kỳ, bình luận gia, nhà phân tích Nguyễn Xuân Nghĩa tiếp lời Giáo sư Long, nói:
“Tôi đồng ý với một số quý vị nêu vấn đề về cách phản ứng của Hà Nội, tức là nói đến chuyện chủ quyền như ông Ngô Vĩnh Long vừa nói là phân bua với thiên hạ về chủ quyền, vấn đề đó quá phức tạp và thực sự ra không quốc gia nào muốn can dự vào việc đó, thế nhưng quyền tự do lưu thông hàng hải ở bên ngoài là quyền mà quốc gia nào cũng quan tâm đến tất cả.
“Thì đấy là một mẫu số chung mà chúng ta có thể huy động được và… tôi cũng có nhắc tới việc ngoài động thái tại vùng biển Hoàng Sa của chúng ta [Việt Nam], Trung Quốc cũng đang có những hoạt động tương tự như vậy ở tại Philippines và cũng đang gây hấn với Indonesia về việc Indonesia đổi tên vùng biển gọi là Bắc Natuna của họ, là việc mà Indonesia đã làm từ năm 1986 chẳng ai nói năng gì và bây giờ tự nhiên tri hô lên.
“Nó là một khía cạnh, cách phản ứng của Việt Nam, tức là không nên phản ứng theo lối quan hệ giữa Hà Nội với Bắc Kinh về những chuyện, những hòn đảo hay những bãi cạn, bãi san hô v.v…, mà phải mở rộng tầm nhìn, như vậy mới có thể huy động thêm nhiều quốc gia khác đứng chung cùng quan điểm của mình, quan trọng nhất đầu tiên là khối Asean.
“Và cái thứ nhì, mặc dù có thể ác cảm với chính quyền Donald Trump là rất ‘khật khừng’ và ăn nói ‘lung tung’, [nhưng] thực ra nhìn về lâu về dài, quyền lợi của nước Mỹ vẫn là bảo vệ quyền tự do hàng hải đó và cường quốc duy nhất vẫn có thể kiểm soát được ngần ấy eo biển gọi là sinh tử cho nền kinh tế của Trung Quốc ở trên vùng Đông Nam Á là chính vẫn là Hoa Kỳ.
“Và tôi nhắc lại sau cùng là qua ngần ấy mũi nhọn mà họ [Trung Quốc] thọc ra ngoài, họ đều bọc một cái vỏ dân sự, họ chưa xuất hiện với tư cách là hải quân Trung Quốc để tránh chuyện đụng độ trực tiếp với hải quân của Hoa Kỳ.
“Cái đó tôi nghĩ phía Trung Quốc cũng biết mềm nắn, rắn buông và nếu mà xung quanh, mà nhất là Việt Nam mềm nhất, không có lý do gì mà họ không tiếp tục thọc sâu hơn nữa, cái đó có lẽ một số các nhà chiến lược gia của Hà Nội hay của nơi này, nơi kia đều có thể suy nghĩ, còn tại sao họ không dám làm như vậy [kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế], câu hỏi đó vượt ra khỏi tầm nhìn của tôi.”
‘Phải sử dụng pháp lý quốc tế’
Hôm 6/9, bình luận ngay trước Bàn tròn thứ Năm, một học giả người Mỹ từ Đại học Leidon của Hà Lan quan sát diễn biến tập trận của Trung Quốc và phản ứng của Việt Nam nói với BBC Việt ngữ:
“Việc Trung Quốc tập trận quá gần Việt Nam, cụ thể ở Đà Nẵng, rõ ràng là một sự kiện không thể chấp nhận được và rõ ràng nhà nước Việt Nam đang trong một vị trí rất khó… Tôi là một trong những người cho rằng Việt Nam chắc chắn dù gần đây hoặc trong tương lai gần phải kiện Trung Quốc… lên pháp lý quốc tế, bởi vì nếu cứ như thế này sẽ bất lợi cho Việt Nam,” PGS. TS. Jonathan London nói.
“Việt Nam cần gửi một thông điệp cực rõ không phải chỉ với Trung Quốc, mà với khu vực và toàn cầu, là phải có một trật tự dựa vào chuẩn mực quốc tế mới là một cách để giải quyết tranh chấp cho Việt Nam,” ông London nêu quan điểm.
Từ Hà Nội, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, nhà phân tích thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Iseas -Singapore) nhận xét về quan điểm của học giả người Mỹ, ông nói:
“Ý kiến của ông Jonathan London hoàn toàn trùng hợp với ý kiến của tôi nói cách đây rất lâu rồi, tức là cuối cùng Việt Nam phải dùng biện pháp hòa bình là kiện. Không khác được. Bây giờ làm gì thì làm, nhún nhường thế nào đấy, như những người khác nói là thái độ không rõ, thì cuối cùng đến một thời hạn nào đấy buộc phải kiện.
“Bởi vì về mặt kỹ thuật, nó có thời hiệu, lúc mà quá một thời hiệu nào đó mà không đưa ra kiện ở một Tòa án Quốc tế nào đó, thì anh bị tước quyền chủ quyền và quyền tài phán, chắc chắn việc đó sẽ xảy ra.
“Và xảy ra lúc nào thì cách đây hai năm tôi đã nói là tám năm sau có thể xảy ra vụ kiện, đấy là muộn nhất, năm nay, hai năm nữa, tôi nói là khoảng năm, hay sáu năm nữa là hạn cuối cùng xảy ra vụ kiện như vậy, theo nhiều góc độ pháp lý khác nhau, cùng liên quan đến Biển Đông, biển và đảo. Cái đó rất rõ, không ai bàn cãi ở Việt Nam hay ở đâu khác cả.
“Còn thái độ bây giờ có nhận xét ở Việt Nam, ở Hà Nội người ta lừng chừng, hay người ta nói không rõ gì mà bảo đấy rằng người ta không có đối sách gì, thì chắc là không phải thỏa đáng lắm đâu!”
Theo ông Hà Hoàng Hợp, Việt Nam ‘có lúc tiến, có lúc lùi’, nhưng chắc chắn sẽ ‘không bao giờ thỏa hiệp’ với Trung Quốc về chủ quyền ở Biển Đông, tuy nhiên ông đề cập biện pháp cụ thể để Việt Nam tham khảo thực hiện, trước điều được cho là quyết tâm và chiến lược lâu dài của Trung Quốc nhằm độc chiếm Biển Đông, nhà phân tích nói:
“Đối với Việt Nam chỉ có một cách là nên hợp tác với tất cả các bên có lợi ích quốc gia ở Biển Đông để cùng nhau cư xử làm sao cho Trung Quốc không thực hiện được việc độc chiếm Biển Đông và bành trướng ra chỗ khác, đấy là mục tiêu của Việt Nam.”
TQ ‘bành trướng’ và bài học Nhật Bản
Từ Tokyo, nhà báo Đỗ Thông Minh nhân dịp này đưa ra một quan sát đối với sự ‘bành trướng’ của Trung Quốc và chia sẻ kinh nghiệm ứng phó của Nhật Bản khi bị nước ngoài đe dọa, xâm phạm chủ quyền, ông nói với Bàn tròn:
“Sự bành trướng của Trung Quốc hiện nay làm cho chúng tôi, đặc biệt là người sống ở Nhật lâu năm, chúng tôi cảm tưởng rằng nó giống như là Nhật Bản thời thế chiến thứ hai đã từng đe dọa rất nhiều quốc gia ở vùng Tây Thái Bình Dương như chúng ta biết.
“Khi đó quân đội Nhật Bản có lúc lên cao nhất tới 5 triệu, mà bây giờ chỉ còn có 250 ngàn và tất cả đều là tình nguyện, điều chúng tôi muốn nói là sự bành trướng nào cũng vậy, nó cũng sẽ có một thời kỳ co cụm, nếu Trung Quốc không khéo, sẽ rơi vào trường hợp của Nhật Bản.
“Có một lúc thì rất mạnh, nhưng khi sức mạnh bành trướng quá mức, tiềm năng không đi đôi thì nó sẽ bị đổ vỡ, nó sụp đổ từ bên trong, đó là những sự sụp đổ tự nhiên của những hành tinh ở trong vũ trụ, cũng như sụp đổ của các chế độ, hay là của các công ty vận hành v.v…, chúng ta cũng biết sự vận hành quá mức đó.
“Thành ra nếu ngay thời điểm này chúng ta rất e ngại Trung Quốc, nhưng nếu Trung Quốc không khéo thì sẽ rơi vào tình trạng của Nhật Bản và nó sẽ đi tới sự suy sụp, trước khi Trung Quốc mạnh là Trung Quốc yếu và sau khi Trung Quốc mạnh, thì Trung Quốc cũng có thể yếu và biến động hình sin, chúng tôi nghĩ là bất dịch.
“Vấn đề là biên độ và trường độ dài ngắn thế nào, thì cái đó là tùy sự khéo léo của Trung Quốc, cũng như tùy những tương tác của các quốc gia trong vùng.”
Về phản ứng của Nhật Bản khi bị đe dọa, xâm phạm chủ quyền, nhà báo Đỗ Thông Minh chia sẻ thêm:
“Khi mà tranh chấp của Trung Quốc với Nhật Bản xảy ra cách đây 5 năm về quần đảo… mà Nhật Bản gọi là Senkaku, Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, thì Nhật Bản đã có những phản ứng khá mạnh mẽ và bằng cách cụ thể, tuy quần đảo này không có người, không có căn cứ gì, nhưng trên nguyên tắc chủ quyền kiểm soát vẫn là của Nhật Bản, cho nên tàu chiến và phi cơ từ những đảo, căn cứ gần đó đã tiến tới để bảo vệ.
“Và trong 5 năm qua, có thể nói về số lần, nếu nói trên quan điểm của Nhật Bản tức là Trung Quốc đã có những hành vi khiêu khích, xâm nhập thì lên tới cả vài trăm, thậm chí cả ngàn lần, và trong những lần đó Nhật Bản đều cho tàu chiến và nhất là máy bay, máy bay chủ lực tiêm kích của Nhật Bản là F15 mua của Hoa Kỳ, đã cất cánh… mấy trăm lần.
“Thành ra Nhật Bản tuy không có đụng độ nhau, không bắn nhau gì cả, nhưng Nhật Bản luôn luôn có các lực lượng ứng trực 24/24h, bất cứ lúc nào cũng có thể cất cánh lên để kiểm soát, cũng như ngăn chặn sự xâm nhập của Trung Quốc và ở trên mặt biển cũng vậy, tàu chiến luôn luôn được huy động, mặc dù không có quân đóng ngay trực tiếp.
“Tất nhiên không phải là Trung Quốc mạnh và Nhật Bản có đủ sức đối phó, nhưng Nhật Bản luôn luôn liên kết với Hoa Kỳ, đặc biệt là vấn đề thông tin tình báo và họ có những phản ứng rất nhanh, chứ không phải chỉ có lời nói không thôi,” nhà báo Đỗ Thông Minh nói với Bàn tròn của BBC Việt ngữ hôm 07/9 từ Tokyo.