“Việc đầu tư tuyến BOT Pháp Vân được phân chia thành 2 giai đoạn và thu phí cao như cao tốc ngay giai đoạn 1 đã được Bộ GTVT nghiên cứu kỹ”.
Đường BOT Pháp Vân vẫn ùn tắc thường xuyên vào các dịp nghỉ lễ
Trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Ngọc Long – Vụ phó Vụ Đối tác công tư (PPP- Bộ GTVT) cho hay, kết luận của Thanh tra Chính phủ hồi tháng 8 đã chỉ ra một loạt sai sót tại dự án BOT Pháp Vân.
Cụ thể, việc thực hiện trình tự phê duyệt tổng mức đầu tư, thiết kế cơ sở dự án còn thiếu chặt chẽ, dẫn đến phải điều chỉnh, thay đổi quá lớn trong thời gian ngắn.
Sau khi đã phát hành hồ sơ yêu cầu lần thứ 3 để lựa chọn nhà đầu tư, Bộ GTVT đã phê duyệt điều chỉnh giảm tổng mức đầu tư từ gần 8.500 tỷ đồng xuống còn hơn 6.700 tỷ đồng.
Sai sót này được ông Long lý giải: Trước đây Tổng công ty Đường cao tốc miền Trung Nhật Bản (Nexco Centra) đề xuất triển khai dự án làm 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 2 thực hiện sau năm 2022 (được Chính phủ đồng ý) nên tổng mức đầu tư lớn (khoảng 8.475 tỷ đồng), thời gian thu phí hoàn vốn dài 24,5 năm do phát sinh thêm chi phí lãi vay và chi phí dự phòng.
Sau đó Nexco Centra thôi không tham gia dự án do không được chấp thuận một số đề xuất. Bộ GTVT đã báo cáo Chính phủ cho phép chỉ định nhà đầu tư trong nước.
Trên cơ sở thẩm định của Bộ KH&ĐT, Chính phủ đã giao Bộ GTVT căn cứ tính cấp bách để triển khai dự án.
Bộ GTVT đã rà soát, phê duyệt điều chỉnh dự án, trong đó có việc triển khai ngay giai đoạn 1 để đảm bảo hoàn thành trước Tết năm 2015 và thực hiện sớm giai đoạn 2, hoàn thành cuối năm 2017, đầu năm 2018 (thực hiện sớm 5 năm so với trước).
Do đó, tổng mức đầu tư của dự án còn 6.730 tỷ đồng (giảm khoảng 1.700 tỷ đồng so với dự kiến của Nexco Centre), thời gian thu phí hoàn vốn còn 17 năm 3 tháng (giảm khoảng 7 năm so với phương án của Nexco Centre).
Ông Long nói rõ: Việc tổng mức đầu tư giảm là do đẩy nhanh thời gian thực hiện giai đoạn 2 trước 5 năm so với trước đây (giảm lãi vay và chi phí dự phòng). Thời gian thu hồi vốn cũng giảm khoảng 7 năm do giảm tổng mức đầu tư này.
Phí thu cao như cao tốc
Một điểm không hợp lý được Thanh tra Chính phủ chỉ ra tại dự án BOT Pháp Vân, đó là Bộ GTVT duyệt phương án thu phí theo phân kỳ đầu tư thành 2 giai đoạn và thu ngay giai đoạn 1 với mức thu ngang đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình.
Vấn đề này được ông Long nói rõ: Việc phân kỳ đầu tư thành 2 giai đoạn và thực hiện thu phí ngay sau khi hoàn thành giai đoạn 1 đã được Bộ GTVT nghiên cứu, báo cáo và được Thủ tướng chấp thuận.
Về mức phí đường BOT Pháp Vân được thu cao như đường cao tốc, ông Long cho biết, sau khi đường được nâng cấp sẽ đạt tiêu chuẩn đường cao tốc thì hình thức thu phí được áp dụng là thu phí kín.
Mức phí áp dụng là 1.500 đồng/km/PCU. Mức này cũng tương tự như một số dự án như: Cầu Giẽ – Ninh Bình, Nội Bài – Lào Cai … và thấp hơn so với cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây (2.000 đồng/Km/PCU).
Trước khi dự án BOT Pháp Vân đưa vào thu phí, Bộ Tài chính đã chủ trì thẩm định, lấy ý kiến của các bộ, ngành liên quan và UBND TP Hà Nội.
Ông Phạm Văn Khôi, Chủ tịch HĐQT công ty CP BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ cho biết thêm, giá phí thu hiện nay được tính toán cho toàn bộ dự án, đảm bảo tính khả thi và hiệu quả của toàn dự án. Dự kiến giai đoạn 2 sẽ hoàn thành đầu năm 2018.
Đường xuống cấp, ùn tắc nên phải triển khai sớm
Về nội dung Thanh tra Chính phủ kết luận “tuyến BOT Pháp Vân không có quy trình đánh giá, xác định căn cứ cụ thể là dự án cấp bách”, ông Long giải thích: Do năng lực thông hành tuyến đường thấp, thường xuyên xảy ra ùn tắc tại trạm thu phí.
Trước khi được nâng cấp, đường Pháp Vân xuất hiện nhiều vị trí mặt đường biến dạng, rạn nứt hư hỏng nặng; các đoạn 2 đầu cầu, cống do đi qua vùng đất yếu nên vẫn còn lún theo thời gian, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, dù hàng năm Bộ GTVT vẫn phải bố trí nguồn kinh phí lớn để sửa chữa.
Để đảm bảo khai thác vào dịp Tết năm 2015, Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng việc sớm triển khai dự án, đồng thời cũng gửi Bộ KH&ĐT thẩm định.
Trên cơ sở ý kiến của Bộ KH&ĐT, Chính phủ có chỉ đạo bằng văn bản về triển khai dự án đầu tư nâng cấp tuyến đường Pháp Vân – Cầu Giẽ theo hình thức hợp đồng BOT. Giao Bộ GTVT căn cứ tính cấp bách của dự án để xem xét, quyết định việc triển khai.
“Trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT đã triển khai dự án để đáp ứng nhu cầu cấp bách, đưa vào khai thác trước Tết năm 2015”, ông Long cho hay.