Saturday, January 11, 2025
Trang chủĐiểm tinBản tin Biển Đông ngày 14/09

Bản tin Biển Đông ngày 14/09

Bản tin Biển Đông ngày 14/09/2017.

Nhật Bản sẽ hỗ trợ Indonesia bảo vệ “Biển Bắc Natuna”

Ngày 13/9, trang Future Directions của Úc đăng bài viết “Nhật Bản sẽ hỗ trợ Indonesia bảo vệ “Biển Bắc Natuna”” của Jarryd de Haan, Chuyên gia phân tích và nghiên cứu thuộc Chương trình Nghiên cứu Ấn Độ Dương.

Ông Haan cho biết Nhật Bản sẽ hỗ trợ Indonesia phát triển cơ sở hạ tầng dọc 6 đảo ngoài khơi Indonesia là Banda Aceh, Natuna, Morotai, Saumlaki, Moa và Biak theo thỏa thuận được đưa ra vào ngày 6/9 tại cuộc gặp giữa Bộ trưởng Bộ Thủy sản Indonesia Susi Pudjiastuti và Hiroto Izumi, cố vấn đặc biệt của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Theo thoả thuận này, Nhật Bản sẽ hỗ trợ phát triển ngành đánh bắt cá của Indonesia, bao gồm xây dựng cảng, cung cấp tàu tuần tra và thiết bị radar để bảo vệ và sử dụng tốt hơn các nguồn tài nguyên biển ở các vùng biển của Indonesia. Ông cho rằng, hợp tác giữa Nhật Bản và Inđônêxia trong lĩnh vực hàng hải sẽ tiếp tục phát triển. Cả hai chính phủ đều nhất trí sẽ tiếp tục hợp tác trong lĩnh vực biển, đặc biệt, ông Abe đã khẳng định đây là “ưu tiên hàng đầu” trong quan hệ song phương giữa hai nước. Ông Brahmantya Poerwadi, một quan chức thuộc Bộ Các vấn đề Biển và Nghề cá Indonesia cho hay một số thỏa thuận khác sẽ được thông qua dự kiến ​​vào cuối năm nay, có thể là bên lề Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN sẽ được tổ chức tại Manila vào tháng 11 tới

Tác giả bài viết cho hay, bảo vệ các nguồn tài nguyên này khỏi hoạt động đánh bắt bất hợp pháp hiện đang nằm trong chương trình nghị sự của Chính phủ Indonesia, trong bối cảnh tác động kinh tế của việc đánh bắt bất hợp pháp ở các vùng biển của Indonesia đang rất nghiêm trọng. Indonesia dường như cũng đã mạnh mẽ hơn trong việc chống lại các yêu sách của Trung Quốc trong khu vực, thể hiện qua việc tuyên bố đổi tên “Biển Bắc Natuna” đồng thời tiết lộ bản đồ lãnh thổ đầu tiên được sản xuất từ ​​năm 2005 vào ngày 14/7. Trước đó, Chính phủ Indonesia cũng đã tăng cường triển khai quân đội và các hoạt động thực thi pháp luật trong khu vực, sau khi Chủ tịch Jokowi “Jokowi” Widodo đã đích thân giám sát các ​​cuộc diễn tập quân sự trên quần đảo Natuna. Về phía Nhật Bản, những lo ngại xung quanh những yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ngang nhiên áp đặt ở Biển Đông là một yếu tố để thúc đẩy nước này tăng cường hợp tác trên lĩnh vực biển với Indonesia. Bên cạnh đó, tài nguyên biển của Indonesia cũng có tầm quan trọng nhất định đối với Nhật Bản.

BMI lạc quan về hoạt động thăm dò dầu khí ở Biển Đông

Ngày 14/9, báo Manila Times đưa tin, ngày 12/9, hãng nghiên cứu BMI thuộc Tập đoàn thông tin dịch vụ tài chính Fitch công bố báo cáo cho biết việc quan hệ giữa Trung Quốc và Philippines được cải thiện đã thúc đẩy triển vọng về một cuộc thăm dò chung ở Biển Đông mặc dù vẫn còn những tranh chấp biển. BMI nhận định “đây là một bước đột phá trong bế tắc kéo dài trên biển  có thể cho phép công ty dầu khí PXP Energy Corp. tiếp tục khoan thăm dò theo hợp đồng dịch vụ 72, nơi phát hiện khí đốt Sampaguita được cho là chứa tới 4,6 nghìn tỷ feet khối khí đốt tự nhiên và 115 triệu thùng dầu thô. Tuy nhiên, các cuộc thăm dò ở những khu vực có triển vọng nhất lại là trong các khu vực tranh chấp, “đặc biệt là ở Biển Đông nơi chỉ đạt được những tiến bộ rất hạn chế cho đến thời điểm này”. BMI lưu ý rằng “Việc tìm kiếm các nguồn dầu và khí mới vẫn là vấn đề cốt yếu đối với Philippines vì ​​hoạt động sản xuất khí đốt và khí ngưng tụ duy nhất tại Malampaya đang đi vào giai đoạn cuối của chu trình. Do không có thêm dự án quan trọng mới nào hiện nay, nhu cầu của Philippines về việc khai thác thêm dầu và khí đốt là rất rõ ràng.” Tuy nhiên, thành công của hợp đồng phụ thuộc vào việc liệu nước này có thể giải toả những rủi ro về mặt địa chính trị trong khu vực hay không.

Chuyên gia kinh tế: dù kinh tế các nước Đông Nam Á đã khởi sắc “nhờ” Trung Quốc nhưng các nước này cần đề phòng “hậu hoạ” về sau

Ngày 14/9, trang News.com.au đưa tin, theo ông Rajiv Biswas, với việc Trung Quốc gần đây đang đẩy mạnh đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng liên quan đến Sáng kiến “Một Con đường, Một Vành đại” của nước này tại các nước khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Singapore…, chuyên gia kinh tế cao cấp thuộc công ty IHS Markit, các nước Đông Nam Á đang có được bước tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ “nhờ” Trung Quốc mặc dù các nước này “có thể sẽ phải giải quyết một số vấn đề để lại sau đó như sẽ bị phụ thuộc nhiều hơn hoặc lo ngại vấn đề nhạy cảm về chính trị”. Cụ thể, ông cho biết “sự gia tăng xuất khẩu từ ASEAN sang Trung Quốc đang làm tăng nguy cơ tiềm ẩn về địa chính trị do nhiều khả năng Trung Quốc sẽ gia tăng sức ép kinh tế để “đạt được mục đích của mình”. Ông Biswas cũng viện dẫn trường hợp của Hàn Quốc và Philippines để chứng minh điều này.

Liệu có cách nào có thể chống lại chiến thuật vùng xám của Trung Quốc ở Biển Đông?

Ngày 13/9, tạp chí The National Interest đăng bài viết “Liệu có cách nào có thể chống lại chiến thuật vùng xám của Trung Quốc ở Biển Đông?” của Koh Swee Lean Collin, nghiên cứu viên tại Chương trình An ninh Biển, Đại học Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam, Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore.

Khác với Ấn Độ là “đối thủ có thể được xem là ngang hàng với Trung Quốc ở khu vực, đặc biệt là quân sự”, các nước nhỏ và yếu hơn Trung Quốc trong tranh chấp ở Biển Đông sẽ khó có thể áp dụng cách gây sức ép với Trung Quốc để đẩy lùi chiến lược chèn ép của nước này như Ấn Độ đã làm trong tranh chấp khu vực Doklam gần đây do thiếu đi những “công cụ quyền lực và đòn bẩy chiến lược” và hiện có một số nước trong khu vực đang phải miễn cưỡng chấp nhận “chiến thuật vùng xám” của Trung Quốc. Tuy nhiên cũng có một số nước khác, nổi lên là Indonesia và Việt Nam, là hai điển hình đã cho thấy rằng chiến thuật vùng xám của Trung Quốc không đạt được mục đích như nước này muốn. Với trường hợp của Indonesia, Trung Quốc đã không thể gây sức ép về kinh tế khi Indonesia đẩy mạnh quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, kiên quyết sử dụng các biện pháp mạnh để ngăn chặn các hành vi xâm phạm lãnh thổ của nước này ở Biển Đông, thậm chí đã nhiều lần bắn cảnh cáo các tàu cá Trung Quốc hoạt động bất hợp pháp ở vùng biển Natuna. Các khoản đầu tư vào Indonesia vẫn tiếp tục tăng trưởng và hai nước cũng đã nhất trí tăng cường hợp tác an ninh hàng hải. Trường hợp của Việt Nam cũng tương tự như vậy. Tác giả khẳng định qua hai trường hợp Indonesia và Việt Nam có thể rút ra được sự tách bạch giữa sự kiên quyết bảo vệ chủ quyền và quyền chủ quyền của mình trên Biển Đông với việc thúc đẩy hợp tác kinh tế với Bắc Kinh.

Uỷ ban Cố vấn An ninh Quốc tế xác định “phương pháp tiếp cận vùng xám” trong một báo cáo hồi tháng 1/2017 của Bộ Ngoại giao Mỹ là “việc sử dụng các chiến thuật để đạt được mục đích của một quốc gia và làm suy yếu quyết tâm của các đối thủ của nó bằng cách sử dụng công cụ quyền lực – thường là bất đối xứng và mơ hồ về bản chất – đó không phải là việc sử dụng trực tiếp các lực lượng quân đội thường xuyên được công nhận”. Theo đó, ông khẳng định, chương trình tôn tạo đảo của Trung Quốc trên Biển Đông có thể được xem là một điển hình như vậy, chưa kể chiến lược ngoại giao pháo hạm của nước này, trong đó có việc sử dụng lực lượng dân quân trên biển.

Cựu quan chức Ngoại giao Úc: Hầu hết các nước Đông Nam Á đang tìm đến Mỹ để kiềm chế Bắc Kinh trên biển

Trang USNI đưa tin, ngày 11/9, phát biểu tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu quốc tế Mỹ, cựu Bộ trưởng Quốc phòng và Đại sứ Úc tại Mỹ Dennis Richardson nhấn mạnh tầm quan trọng của chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Donald Trump tới các nước khu vực Thái Bình Dương, bao gồm Philippines, Việt Nam và Indonesia vào tháng 11 tới, đồng thời khẳng định “các nước Đông Á muốn Mỹ tích cực hợp tác” trong bối cảnh Bắc Kinh tăng cường phô trương sức mạnh kinh tế và quân sự ở khu vực Thái Bình Dương. Ông cho rằng “Trung Quốc khó có thể thay thế Mỹ để trở thành đối tác an ninh số 1 của Úc dù hiện Trung Quốc đang là đối tác thương mại lớn nhất của Úc”. Ông Richardson cũng đặc biệt nhấn mạnh “Chúng ta không được cho phép bất kỳ nước nào tự ý cho rằng các yêu sách lãnh thổ của họ là “dựa trên lịch sử” như Trung Quốc đã làm ở Biển Đông; viện dẫn Phán quyết của Toà Trọng tài vụ kiện Biển Đông ngày 12/7/2016 để cho rằng đây là những yêu sách “cực kỳ yếu thế” và không được dựa trên Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển

Một kế hoạch Tổng thể để quản lý nghề cá và hợp tác môi trường ở Biển Đông

Ngày 13/7, Nhóm Sáng kiến Minh bạch Hàng hải (AMTI) thuộc Trung âm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế (CSIS) đăng bài viết “Một kế hoạch Tổng thể để quản lý nghề cá và hợp tác môi trường ở Biển Đông” của nhóm Công tác Chuyên gia của CSIS. Nhóm tác giả cho rằng, với quyết tâm chính trị, các quốc gia tiếp giáp với Biển Đông có thể hợp tác để bảo vệ các hệ sinh thái trong khu vực và quản lý nguồn lợi thủy sản mà không làm phương hại đến các yêu sách lãnh thổ và biển của họ, trong bối cảnh các nước ở Biển Đông đang phụ thuộc rất nhiều vào trữ lượng cá để đảm bảo an ninh lương thực và sinh kế của người dân. Trong tình hình như vậy, nhóm tác giả đề xuất một số giải pháp như sau: (i) thiết lập Khu vực Quản lý Thuỷ sản và Quản lý Môi trường ở Biển Đông với việc áp dụng các tiền lệ đã thành công, (ii) phân chia trách nhiệm thi hành giữa các bên chiếm đóng, (iii) chấp nhận không sử dụng các trợ cấp để khuyến khích đánh bắt cá trong những vùng biển ở Biển Đông đang bị ảnh hưởng do tình trạng đánh bắt quá mức, (iv) phối hợp để đưa trai khổng lồ và các loài bị đe doạ khác như rùa biển trở lại các rạn san hô đang bị suy thoái ở Biển Đông, (v) tránh các hoạt động gây tổn hại đến môi trường biển hoặc làm biến đổi đáy biển và (vi) hợp tác nghiên cứu khoa học biển để đánh giá tình trạng môi trường biển và thực hiện có hiệu quả các chương trình bảo tồn.

RELATED ARTICLES

Tin mới