Các nhà khoa học cảnh báo Biển Đông có thể phải đối mặt với tình trạng suy thoái môi trường ngày càng tồi tệ trong vòng 2 thập kỷ tới do các quốc gia tuyên bố chủ quyền tập trung vào tranh chấp hơn là cùng nhau thực hiện các biện pháp cứu hộ, theo VOA.
Tàu sân bay Liêu Ninh và các máy bay chiến đấu của Trung Quốc (Ảnh: Youtube)
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra những lỗ hổng dầu mỏ từ các tàu thương mại, tình trạng đánh bắt quá mức, sự suy giảm của các rạn san hô vì Trung Quốc xây dựng các hòn đảo nhân tạo. Tất cả những điều này là đe dọa làm thay đổi sinh thái biển có diện tích 3,5 triệu km vuông.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đường 9 đoạn đối với hầu hết khu vực Biển Đông dù một tòa án quốc tế ở La Hay (Hà Lan) đã bác bỏ điều này. Các bên khác nhận chủ quyền tại khu vực là Brunei, Đài Loan, Indonesia, Malaysia, Philippines, Việt Nam.
Các nhà phân tích cho rằng hiện giờ Trung Quốc và Hiệp hội ASEAN có cơ hội kết hợp vấn đề bảo vệ môi trường vào bộ quy tắng ứng xử trên Biển Đông mà hai bên đã thiết lập một khuôn khổ chung vào tháng 8.
Liu Nengye, một giảng viên cao cấp tại Đại học Adelaide (Úc), cho biết: “Dù họ sẽ thảo luận gì đi nữa, họ phải bao gồm các vấn đề về môi trường như một phần rất quan trọng của bộ quy tắc ứng xử nhằm hướng dẫn các hoạt động của các quốc gia ven biển.”
Ông Scott Moore, chuyên gia về tài nguyên nước của Nhóm thực hành Toàn cầu về Nước của Ngân hàng Thế giới, cho biết: “Bạn càng có nhiều cơ hội hợp tác, nhiều thể chế cung cấp cơ hội cho việc tương tác, thì bạn càng có triển vọng đạt được một số thỏa thuận về việc chia sẻ nguồn lực và cách thức quản lý các nguồn lực một cách bền vững.”
Ông cho rằng Biển Đông “chắc chắn phải được ưu tiên hàng đầu”.
Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm ở Biển Đông là khó tránh khỏi vì đây là nơi có một phần ba số lượng vận chuyển hàng hải trên thế giới, với lượng hàng hoá lưu chuyển hàng năm vào khoảng 5,3 nghìn tỷ đô la mỗi năm.