Friday, November 22, 2024
Trang chủBiển nóngLiên tục tuyên bố tập trận và ý đồ của TQ

Liên tục tuyên bố tập trận và ý đồ của TQ

Việc Trung Quốc gần đây liên tục tuyên bố tập trận phi pháp trên Biển Đông khiến giới chuyên gia lo ngại Bắc Kinh đẩy mạnh hoạt động quân sự ở khu vực.

 

Hải quân Trung Quốc trong một lần tập trận hồi đầu tháng 9

Chỉ từ ngày 1.9 đến nay, Bộ Ngoại giao và Cục Hải sự Trung Quốc đã tuyên bố đến 8 cuộc tập trận bắn đạn thật trên Biển Đông, diễn ra gần quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền VN cũng như trong khu vực ngoài cửa vịnh Bắc bộ.

Đối nội và yếu tố Triều Tiên

Trả lời Thanh Niên, TS Satoru Nagao thuộc Đại học Gakushuin (Nhật Bản) cho biết: “Trung Quốc sắp trải qua sự kiện quan trọng là Đại hội Đảng vào một vài tháng tới. Vì thế nhiều chuyên gia trước đây nhận định Bắc Kinh sẽ hạn chế các hoạt động gây chú ý”. Tuy nhiên, TS Nagao chỉ ra rằng những gì đang diễn ra lại hoàn toàn khác. Tàu chiến và máy bay Trung Quốc liên tục có những hoạt động gây quan ngại ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Trung Quốc và Ấn Độ cũng đụng độ ở khu vực biên giới hai nước. Thậm chí, hải quân Trung Quốc cũng tăng cường hoạt động ở cả khu vực Ấn Độ Dương. “Tất nhiên, lãnh đạo Trung Quốc không hề muốn có bất ổn xảy ra. Tuy vậy, họ vẫn cần những hành động như trên để thể hiện đang làm chủ các tranh chấp chủ quyền nhằm đảm bảo hiệu quả đối nội”, ông Nagao đánh giá.

Thêm vào đó, theo TS Nagao, Trung Quốc được xem là một đồng minh quan trọng của CHDCND Triều Tiên. Thế nhưng, những hoạt động gần đây của Bình Nhưỡng vượt quá tầm kiểm soát của Trung Quốc khiến Washington tăng cường áp lực lên Bắc Kinh. Vì vậy, Trung Quốc cũng cần có những đối sách để “mặc cả” với Mỹ”.

Triều Tiên cũng là yếu tố được các chuyên gia khác nhắc đến khi giải thích hành động của Trung Quốc trên Biển Đông. Trả lời Thanh Niên, ông Harry J.Kazianis, Tổng biên tập chuyên san The National Interest – Giám đốc nghiên cứu quốc phòng của Trung tâm lợi ích quốc gia Mỹ, nhận xét: “Trong bối cảnh thế giới đang bị thu hút chú ý vào Triều Tiên khi Bình Nhưỡng liên tục phóng thử tên lửa và thử bom hạt nhân, thì đây là một cơ hội để Bắc Kinh tiến hành củng cố lực lượng trên Biển Đông”. Tương tự, PGS Stephen Robert Nagy, chuyên gia về chính trị và quốc tế – Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế (Nhật Bản), cũng nhận xét Bắc Kinh đang “thừa nước đục thả câu” khi mọi chú ý của quốc tế dường như đang tập trung vào vấn đề của Bình Nhưỡng.

Theo PGS Nagy, việc tuyên bố tập trận cũng là cách để Trung Quốc thách thức các hoạt động của Mỹ trên Biển Đông. Thêm vào đó, Bắc Kinh còn muốn thể hiện rằng họ sẽ dùng mọi cách để phục vụ tham vọng trên Biển Đông trong việc tuyên bố chủ quyền “đường lưỡi bò”. Ông Harry J.Kazianis nhận xét: “Trung Quốc không ngừng xác lập vị thế của mình trên Biển Đông. Họ sẽ tiếp tục tăng cường vũ trang các thực thể đảo nhân tạo đang chiếm giữ ở khu vực này bằng cách bổ sung hệ thống phòng thủ tên lửa và thậm chí có thể tuyên bố Vùng nhận diện phòng không tại đây”.

Tăng cường vũ trang

Thực tế, Bắc Kinh vẫn không ngừng nuôi tham vọng tăng cường sức mạnh trên Biển Đông. TS Matthew Funaiole, chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Mỹ, nhận xét: Với việc liên tục tăng cường lực lượng quân sự trên Biển Đông, Trung Quốc đang muốn thử nghiệm việc phối hợp giữa các lực lượng. Thực tế, suốt những năm gần đây, Bắc Kinh không chỉ thường xuyên điều động tàu chiến và tàu vũ trang của một số lực lượng khác trên Biển Đông, mà còn xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng như đường băng, nhà chứa máy bay. Hồi đầu năm nay, chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) thuộc CSIS công bố hình ảnh vệ tinh cho thấy các công trình phi pháp của Trung Quốc trên các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa. Đến nay, Bắc Kinh gần như đã hoàn tất các cơ sở hải quân, không quân, radar và cứ điểm phòng ngự trên các bãi đá Xu Bi, Vành Khăn và Chữ Thập. Đặc biệt, Bắc Kinh còn triển khai nhiều hệ thống tên lửa, vũ khí ở các thực thể đảo nhân tạo trên Biển Đông. Cụ thể, Trung Quốc từng phô diễn sự hiện diện của tên lửa đối không HQ9, tên lửa hành trình chống hạm YJ-62 và hệ thống phòng không cận chiến LD-2.000 trên đảo Phú Lâm từ đầu năm 2016. Mới đây, nhiều hình ảnh của AMTI cũng chỉ ra tên lửa đối không HHQ-9 dường như đã hiện diện ở khu vực Trường Sa.

Bên cạnh đó, ở mức độ rộng hơn khi xét trên tổng thể các lực lượng quân sự mà Trung Quốc đang có, nước này cũng tham vọng nâng cao khả năng phối hợp tác chiến bộ máy binh lực khổng lồ, theo TS Funaiole.

Cùng về góc nhìn quân sự, TS Koh Swee Lean Collin, chuyên gia quân sự của Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam (Singapore), nhận xét: “Việc gia tăng cường độ các hoạt động huấn luyện, tập trận có thể là cách Trung Quốc phản ứng khi Mỹ thực hiện các hoạt động tự do hàng hải (FONOP) trên Biển Đông. Bắc Kinh có những động thái như vậy còn nhằm quân sự hóa vùng biển này dù họ đang cố biện minh rằng hoạt động chỉ mang tính phòng thủ. Vì thế, các biện pháp xây dựng lòng tin giữa các bên trên Biển Đông, điển hình như Bộ quy tắc ứng xử (COC), bị ảnh hưởng lớn. Chính vì vậy, những hành động của Trung Quốc ẩn chứa nhiều bất ổn”.

RELATED ARTICLES

Tin mới