Nếu Mỹ chặn nguy cơ an ninh từ Kaspersky là vặt vãnh thì Nga tước quyền ưu tiên đỗ xe của nhân viên ngoại giao Mỹ.
Trong bối cảnh căng thẳng ngoại giao Nga- Mỹ chưa có tín hiệu khả quan đột biến nhằm dừng lại các đáp trả trừng phạt, hai bên mới đây tung ra hàng loạt các động thái cho thấy ít nhiều khó chịu về phía đối phương.
Hôm 14/9, kênh truyền hình quốc gia Nga Rossiya 24 thông tin, những ô đỗ xe hơi bên ngoài tòa nhà lãnh sự quán Mỹ ở St. Petersburg đã “không cánh mà bay”.
Thay vào đó, những vạch kẻ dành cho người đi bộ qua đường đã được vẽ chồng lên các ô đỗ xe.
Thậm chí, biển báo đỗ xe ưu tiên, vốn dành riêng cho nhân viên ngoại giao Mỹ làm việc tại tòa lãnh sự tại Thành phố Yekaterinburg, cũng đã bị dỡ bỏ.
Điều này khó có thể quy vào một biện pháp đáp trả từ phía Nga đối với Mỹ. Cũng không rõ việc lấy lại vỉa hè cho người đi bộ trước cửa tòa nhà lãnh sự quán Mỹ ở St. Petersburg đã được phía Nga thông báo hay chưa, nhưng nó có thể được phân loại vào các hành động tiểu tiết, vặt vãnh mà người Mỹ chứng kiến ở đất Nga.
Giới chức ngoại giao Mỹ hiện từ chối đưa ra bình luận liên quan đến động thái lần này của Moscow.
Đáng nói, hành động này tiếp diễn sau hàng loạt các tuyên bố được cho là đã dùng hết mọi nỗ lực để thể hiện sự “thiện chí” mà người Nga có thể làm nhằm hạ nhiệt căng thẳng ngoại giao.
Mỹ cấm quan chức sử dụng phần mềm Kaspersky của Nga vì đã điều tra ra các nghi vấn. |
Trong khi đó, có quan điểm cho rằng, Mỹ tiến hành kiểm tra và xác nhận các mối đe dọa an ninh từ phần mềm Kaspersky, hay kiểm soát chặt chẽ hơn các cơ quan truyền thông Nga hay, giám sát tình trạng vi phạm pháp luật về xử lý rác thải… là các hành động “vặt vãnh”.
Trên thực tế, việc Mỹ đưa ra các yêu cầu như ngừng sử dụng các dịch vụ Kaspersky Lab – công ty chuyên về an ninh mạng có trụ sở tại Moscow- đều được đánh giá dựa trên các nguy cơ có thể xảy ra đối với an ninh quốc gia Mỹ.
Hoặc là việc Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu hãng tin tức Russia Today (RT), Sputnik của Nga phải tiến hành đăng ký hoạt động với tư cách một hãng đại diện nước ngoài theo Luật Đăng ký Đại diện Nước ngoài (FARA) – điều luật có từ thời Chiến tranh Lạnh.
Với việc tuân thủ điều luật này, các hãng truyền thông Nga sẽ bị xem là nhằm mục đích tuyên truyền cho Nga thay vì đưa tin thông thường.
Song trước khi tiến hành yêu cầu trên, chắc chắn cơ quan điều tra từ phía Mỹ đã thực hiện các cuộc điều tra cần thiết, có các thông tin thuyết phục để đi tới kết luận rằng, các hãng truyền thông Nga có thể đã nhận được định hướng từ “bên trên” để đưa tin về một số vấn đề.
Nhân viên Nga giải thích việc đốt rác trong nhà gây ra khói đen mù mịt ở San Francisco với các nhân viên cứu hỏa. |
Hay đơn cử như việc giới chức địa phương ở San Francisco (Mỹ) đã gửi một thông báo cho rằng Tổng lãnh sự quán Nga đã vi phạm xử lý rác thải địa phương. Nguyên nhân đưa ra là người dân xung quanh phát hiện khói đen bốc lên từ tòa nhà Tổng lãnh sự quán Nga tại San Francisco.
Khi đội ngũ cứu hỏa được gọi đến, các nhân viên Nga khi đó mới bất ngờ nói rằng, sự việc chỉ gây hiểu lầm khi họ đang… đốt rác trong nhà.
Đương nhiên, việc xử lý rác thải tại Mỹ có đơn vị chuyên trách riêng và đốt rác trong lò sưởi để khói đen bốc lên từ ống khói chắc hẳn là điều chưa từng thấy ở địa phương này.
Sự việc xảy ra được người dân San Francisco chứng kiến và gọi điện báo cháy tới đơn vị cứu hỏa. Chắc chắn sẽ ít có lập luận nào đáng tin khi cho rằng, điều này được kích động bởi cơ quan chức năng nào đó của Mỹ nhằm lục soát cơ quan lãnh sự Nga.
Chỉ có một câu hỏi được đặt ra ở đây, những thứ mà nhân viên ngoại giao Nga đã đốt phải chăng rất bí mật nên không thể xử lý như rác thải thông thường?
Hàng loạt các biện pháp mà Mỹ đang tiến hành tại Mỹ có liên quan tới yếu tố Nga được cho là những động thái trả thù “vặt vãnh”, dù các bước xử lý để đưa ra các biện pháp trên được tiến hành theo các quy định của pháp luật Mỹ.
Cho tới nay, khi các nhà chức trách Nga xóa bỏ ô đỗ xe hơi để làm đường đi bộ, tước quyền ưu tiên vốn có cho các nhân viên ngoại giao Nga, không rõ đã có thể so sánh với đòn trả thù được cho là “vặt vãnh” từ Mỹ hay chưa?