Wednesday, January 22, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiTQ cấm nhập rác công nghệ: Việt Nam thành bãi rác?

TQ cấm nhập rác công nghệ: Việt Nam thành bãi rác?

Rất ngạc nhiên khi thấy doanh nghiệp Trung Quốc bới tuyết lên để giới thiệu máy móc công nghệ sẽ xuất sang Việt Nam…

Việt Nam khó tránh hậu quả

Liên quan tới thông báo của Trung Quốc về việc nước này sẽ cấm nhập khẩu 24 loại phế liệu rắn chưa qua phân loại của Mỹ, bắt đầu từ tháng 9.

Tiến sĩ Bùi Ngọc Sơn – Viện kinh tế chính trị nhận định đây không đơn thuần là quyết định chỉ liên quan tới vấn đề môi trường mà nó có mang màu sắc chính trị nữa.

Theo ông Sơn, đây được coi là một thông điệp ngoại giao rất khéo léo nhắm tới Mỹ.

Tuy nhiên, không đi sâu vào bàn luận vấn đề trên, ông Sơn cho biết, điều ông băn khoăn là: liệu Trung Quốc có thể từ bỏ ngành công nghiệp siêu lợi nhuận đó như vậy một cách dễ dàng thế hay không?

Bởi ngoài câu chuyện hàng năm nó vẫn đem về cho Trung Quốc khoản thu hơn 5 tỷ USD/năm thì việc cấm nhập khẩu rác phế liệu sẽ khiến nhiều công ty tái chế Trung Quốc phải đóng cửa.

“5 tỷ USD là khoản lợi nhuận không hề nhỏ và vì khoản tiền trên họ có thể tính tới nhiều phương án tháo gỡ khác nhau giúp họ vẫn kiếm được lợi nhuận nhưng lại không gây ảnh hưởng tới môi trường của họ. Trong đó có khả năng Trung Quốc sẽ tìm kiếm một đất nước có nền kinh tế phát triển thấp hơn để đổ đống phế liệu đó”, ông Sơn lo ngại.

TS Bùi Ngọc Sơn cho biết, những lo ngại trên hoàn toàn có cơ sở, vì ngành công nghiệp xử lý rác thải cũng được xem là một lĩnh vực kinh doanh siêu lợi nhuận, mà đã là một ngành kinh doanh thì sẽ có giao dịch mua bán, trao đổi.

Nhất là thời gian vừa qua những cảnh báo về chủ trương xuất khẩu công nghệ lạ hậu của Trung Quốc sang các nước lân cận đã được cảnh báo rất nhiều.

“Việt Nam là nước láng giềng thân cận bên cạnh Trung Quốc. Đặt trong bối cảnh luật pháp Việt Nam còn nhiều lỗ hổng trong quản lý, bảo vệ môi trường, lại có chi phí nhân công rẻ, tình trạng tham nhũng chưa được giải quyết triệt để thì khả năng bị Trung Quốc đẩy rác thải công nghệ sang là khó tránh khỏi.

Trong đó đáng ngại nhất là những loại rác thải công nghệ chưa qua xử lý, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, gây hại cho sức khỏe con người như chất những chất phóng xạ”, ông Sơn cảnh báo.

Vị chuyên gia cho biết, dù chưa được khẳng định có một mối liên hệ nào giữa hàng nghìn container chở rác thải công nghệ vô chủ bị bỏ lại các cảng biển VN với khả năng Trung Quốc chuyển ngành công nghiệp tiềm ẩn đầy nguy cơ này sang Việt Nam, nhưng thông qua các dự án đầu tư để đẩy rác công nghệ bằng các hợp đồng mua bán máy móc, thiết bị là hoàn toàn có thể xảy ra.

Bới tuyết tìm máy móc đã chôn lấp?

Để chứng minh những nhận định trên là có cơ sở, ông Bùi Ngọc Sơn chỉ ra hàng loạt những dự án đầu tư vào lĩnh vực lọc hóa dầu, sắt thép, xi măng đều sử dụng công nghệ Trung Quốc và tới nay nhiều dự án phải đắp chiếu do sử dụng công nghệ lạc hậu, không hiệu quả.

Kể lại câu chuyện được một người bạn kể lại quá trình đi thẩm định công nghệ lò đứng, lò cao tại Trung Quốc, ông Sơn không khỏi giật mình. 

“Tôi từng được nghe một người trong đoàn được đưa đi thẩm định máy móc công nghiệp tại Trung Quốc cho dự án lò đứng, lò cao được xây dựng tại Việt Nam.

Vị này kể, theo lịch làm việc sẽ kéo dài 7 ngày, nhưng có tới 5 ngày ông vẫn chỉ được phía bên doanh nghiệp Trung Quốc dẫn đi ăn. Đến khi quá sốt ruột thì sang ngày thứ 6, mấy cán bộ của doanh nghiệp này mới dẫn đoàn tới một khu mà tuyết bao phủ trắng toát. Vị này ngạc nhiên hỏi máy móc công nghiệp đâu thì được phía doanh nghiệp bới tuyết lên và giới thiệu máy móc công nghệ được chôn ở dưới.

Vị này đã rất hốt hoảng vì với máy móc công nghiệp đó thì làm sao có thể nhập được? Có đưa được về Việt Nam thì cũng không thể vận hành, sản xuất được.

Tuy nhiên, cuối cùng vẫn có những máy móc công nghiệp chất lượng kém vẫn được đưa về Việt Nam”, ông Sơn kể.

Theo ông Sơn, chúng ta đã phải trả giá cho rất nhiều bài học hủy hoại môi trường, nếu trong tương lai chúng ta vẫn dễ dãi với việc xử lý rác thải, thì những nguy cơ có thể phải đối diện còn nguy hiểm hơn nhiều.

RELATED ARTICLES

Tin mới