Friday, January 3, 2025
Trang chủĐiểm tinChiêu thức TQ kiếm lợi ở Trung Đông

Chiêu thức TQ kiếm lợi ở Trung Đông

Tham gia tái thiết tại Syria sau chiến tranh, đổ hàng chục tỷ USD vào mỗi quốc gia ở Trung Đông…, Trung Quốc tìm cách kiếm lợi tại khu vực này.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Lãnh đạo Tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei trong một cuộc gặp tại Tehran tháng 1/2016. Ảnh: Tân Hoa xã

Trong diễn biến mới nhất, Tập đoàn đầu tư CITIC của Trung Quốc ngày 16/9 đã ký kết thỏa thuận cung cấp gói tín dụng trị giá 10 tỷ USD dành cho các ngân hàng của Iran.

Gói tín dụng này sẽ được dùng để tài trợ cho các cho các dự án nước, năng lượng và giao thông tại Iran. Số tiền sẽ được cung cấp bằng đồng euro và nhân dân tệ (NDT) nhằm tránh những lệnh trừng phạt của Mỹ đang áp đặt lên Iran.

Trước đó, Bắc Kinh còn cung cấp thêm một khoản đầu tư trị giá 15 tỷ USD vào các dự án chưa được công bố tại Iran.

Với cam kết sẽ tăng cường đáng kể quan hệ thương mại với Iran, Bắc Kinh trước đó đã mở 2 gói tín dụng lên tới 4,2 tỷ USD để xây dựng các tuyến đường sắt cao tốc giữa Tehran và các thành phố Mashhad và Isfahan.

Từ lâu Trung Quốc đã coi Iran là một phương tiện để đối trọng với ảnh hưởng của Mỹ ở Trung Đông. Iran cũng đóng một vai trò quan trọng trong tham vọng thương mại của Trung Quốc trong chiến lược “Vành đai và Con đường” trị giá hàng ngàn tỷ USD nhằm tăng cường quan hệ giữa nền kinh tế lớn thứ hai thế giới với các quốc gia tại châu Âu và châu Phi. Kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và Iran đã tăng thêm hơn 30% trong nửa đầu năm này.

Không chỉ rót tiền vào Iran, Trung Quốc cũng thường xuyên sử dụng chiêu thức này tại các quốc gia khác của Trung Đông.

Tại Syria, Trung Quốc đã nhanh chân tham gia kế hoạch tái thiết quốc gia này sau chiến tranh.

Giữa tháng 3/2017, trong cuộc trả lời phỏng vấn trên Đài truyền hình Phoenix của Trung Quốc, khi đề cập đến các lĩnh vực Trung Quốc có thể tham gia tái thiết ở Syria, Tổng thống al-Assad đã nói: “Trung Quốc có thể tham gia vào mọi lĩnh vực mà không có ngoại lệ, bởi chúng tôi đã bị tàn phá trong tất cả các lĩnh vực”.

Theo lời nhà lãnh đạo Syria, các chuyên gia Trung Quốc đã có mặt và đang làm việc tại đây, cụ thể, là trong lĩnh vực tái thiết khu vực thành thị và đây là ưu tiên chính cho các dự án trong tương lai. Những ưu tiên khác được đặt vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng, các nhà máy điện, năng lượng, nước, vệ sinh. Hay như kế hoạch tái thiết thành phố Aleppo đã được phác thảo hồi đầu năm bao gồm việc xây dựng các cơ sở công nghiệp, y tế, giáo dục cũng như tăng cường an ninh.
 
Ở một diễn biến có liên quan, báo cáo môi trường đầu tư tại các quốc gia Arab năm 2017 của Công ty đầu tư và xuất khẩu tín dụng Arab công bố gần đây cho thấy, tổng vốn đầu tư của Trung Quốc tại các quốc gia Arab năm 2016 đạt 29,5 tỷ USD, vượt Mỹ, trở thành nhà đầu tư số một tại Trung Đông.

Báo cáo cho biết, tổng vốn đầu tư trong năm 2016 đạt 29,5 tỷ USD, chiếm 31,9% tổng lượng vốn đầu tư nước ngoài tại khu vực, đã đưa Trung Quốc trở thành nhà đầu tư số 1 tại Trung Đông. Ngoài đầu tư thì kim ngạch thương mại song phương giữa Trung Quốc và các quốc gia Arab cũng tăng trưởng mạnh.

Năm 2016, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai của các quốc gia Arab với tổng kim ngạch thương mại giữa hai bên đạt 230 tỷ USD.

Được biết, các lĩnh vực đầu tư chủ yếu của Trung Quốc tại Trung Đông bao gồm đầu tư cơ sở hạ tầng, thị trường bán lẻ, thương mại điện tử… Đây cũng là lần đầu tiên Trung Quốc vượt Mỹ trở thành nhà đầu tư lớn nhất tại Trung Đông. Đầu tư của Mỹ tại Trung Đông trong năm 2016 chỉ đạt mức 7 tỷ USD.

Có thể thấy Trung Quốc đang vô cùng tích cực tại Trung Đông để được đổi lại các điều kiện ưu đãi kinh tế.

RELATED ARTICLES

Tin mới