Saturday, October 19, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiTQ cấm nhập phế liệu Mỹ:Việt Nam thành sân sau?

TQ cấm nhập phế liệu Mỹ:Việt Nam thành sân sau?

GS-TSKH Phạm Phố lo ngại Việt Nam sẽ trở thành sân sau đứng ra nhập khẩu rác phế liệu cho Trung Quốc.

Mượn nước thứ 3 làm trung gian nhập khẩu phế liệu

Cũng giống nhận định của nhiều chuyên gia, GS-TSKH Phạm Phố – nguyên Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Sài Gòn cũng cho rằng động thái cấm nhập khẩu rác phế liệu từ Mỹ của Trung Quốc chỉ giống như trò chơi “đánh trận giả”, vì Trung Quốc chưa thể từ bỏ loại hàng hóa này.

Lý giải, vị chuyên gia khẳng định điều đầu tiên về quan hệ mua bán này giữa hai quốc gia Trung – Mỹ là quan hệ phụ thuộc lẫn nhau.

Mỹ cần Trung Quốc để xuất khẩu rác phế liệu nhưng Trung Quốc cũng cần nhập phế liệu từ Mỹ về tái chế, phục vụ cho sự phát triển của nền kinh tế trong nước. Phải khẳng định, lượng rác thải của Mỹ hiện nay đang giúp các doanh nghiệp Trung Quốc làm lợi cho đất nước này rất lớn.

Vị GS lấy ví dụ về người đàn bà đứng đầu “bà trùm” trong lĩnh vực tái chế giấy của Trung Quốc để thấy rằng, với việc nhập khẩu giấy phế liệu từ Mỹ, người phụ nữ này đã giúp doanh nghiệp của mình có được nguồn thu đứng đầu Trung Quốc. Chính vì vậy cho tới nay, Trung Quốc có rất nhiều công ty hoạt động trong lĩnh vực này được mở ra.

Vị GS đồng ý, vấn đề bảo vệ môi trường tại Trung Quốc hiện đang rất bức xúc, buộc nước này phải ban hành lệnh báo động đỏ, mức cảnh báo cao nhất với hy vọng có thể cứu vãn được tình hình. Tuy nhiên, nếu chỉ vì vấn đề môi trường mà khẳng định rằng Trung Quốc phải từ bỏ nguồn nguyên liệu siêu rẻ, một khoản thu hàng tỷ USD mỗi năm thì ông nói thẳng là không dễ dàng gì.

Từ khả năng thứ nhất, vị GS cho rằng, rất có thể Trung Quốc sẽ tìm tới giải pháp thứ hai. Tức là tìm tới một nước thứ ba làm trung gian đứng ra nhập rác thải từ Mỹ rồi đưa về phân loại, xử lý giúp mình, sau đó sẽ xuất ngược trở lại Trung Quốc.

Như vậy, với giải pháp này, Trung Quốc đã một mũi tên trúng cả ba đích. Không những đạt được mục đích là có nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất, vừa đảm bảo giữ được khoản siêu lợi nhuận hàng tỷ USD mỗi năm mà vẫn đạt được mục đích chính trị là đánh phủ đầu Mỹ.

Quan trọng hơn, với cách làm trên, Trung Quốc đã tránh được cho đất nước mình nguy cơ phải đối diện với một thảm họa môi trường mới. Vì trong số rác thải công nghiệp được nhập khẩu từ Mỹ, chủ yếu là những loại rác thải rắn chưa được qua phân loại, xử lý.

Trong số này có nhiều chất độc hại khác nhau, kể cả những loại chất thải nguy hại như chất phóng xạ, dầu nhờn, phốt pho, thuốc trừ sâu hay cả chất thải y tế…

Nếu sử dụng một nước thứ ba đứng ra nhập khẩu rồi phân loại, xử lý giúp Trung Quốc, nghĩa là Trung Quốc đã đổ được toàn bộ những nguy cơ về môi trường cũng như nguy hại về sức khỏe con người  cho nước trung gian mà không hề ảnh hưởng tới các mục đích khác.

Về phía Mỹ, cũng vì những quan ngại về môi trường và chất lượng sống buộc nước này phải tìm mọi cách đẩy được khối lượng rác thải đó ra khỏi đất nước. Trong khi đó, xuất khẩu rác thải công nghiệp lại đang là mặt hàng xuất khẩu lớn thứ 6 của nước này sang Trung Quốc. Như vậy, động thái trên của Trung Quốc cũng khiến Mỹ đứng ngồi không yên.

Đừng để con cháu phải gánh hậu quả

Từ những lập luận trên, GS.TSKH Phạm Phố nhận định, khả năng Trung Quốc và Mỹ mượn các doanh nghiệp ở nước thứ 3 để xuất đi và nhập về những loại phế liệu trên là hoàn toàn có thể xảy ra.

Theo GS Phạm Phố, khả năng cao Trung Quốc sẽ lựa chọn những nước đang phát triển, có vị trí địa lý gần với mình nhất để tiết kiệm chi phí về nhân công và chi phí vận chuyển. Và thực tế Việt Nam đã là nước được lựa chọn từ lâu.

“Chúng ta từng biết, để tránh thuế từ Mỹ, Trung Quốc đã lợi dụng cảng biển của Việt Nam để xuất khẩu hàng hóa qua Mỹ. Việc nhập khẩu rác thải này cũng vậy, không có lý gì Trung Quốc sẽ không mượn cảng biển Việt Nam để phục vụ cho mục đích của mình”, GS Phạm Phố cảnh báo.

Tỏ rõ những quan ngại, vị chuyên gia nhắc lại sự việc hàng nghìn chiếc container chở rác thải công nghệ vô chủ bị bỏ lại các cảng biển Việt Nam.

Ông đặt hoài nghi đang có một mối liên quan giữa các doanh nghiệp trong nước bắt tay với doanh nghiệp Trung Quốc để chuyển ngành công nghiệp tiềm ẩn đầy nguy cơ này sang Việt Nam thông qua các cảng biển nước ta.

Theo giải thích của vị GS, ngành công nghiệp xử lý rác thải không chỉ được xem là lĩnh vực siêu lợi nhuận với Trung Quốc, Mỹ mà còn là cơ hội kiếm lợi rất lớn cho chính các doanh nghiệp Việt Nam.

Hiện nay, thế giới thậm chí còn phải trả thêm tiền để đưa được rác thải phế liệu ra khỏi đất nước, như vậy, chỉ cần doanh nghiệp chịu đứng ra nhập về là họ đã có được tiền.  

Nếu tiếp tục nhận xử lý số rác thải đó nữa thì họ còn được nhận thêm một khoản thu lớn từ các nước nhập về. GS Phạm Phố hoài nghi và e ngại đặt câu hỏi: “đứng trước hai, ba lần lợi ích như vậy thì rất ít doanh nghiệp đủ dũng cảm để từ chối?”.

Từ những lo ngại trên, GS.TSKH Phạm Phố đưa ra lời cảnh báo, nếu Việt Nam trở thành khâu trung gian giúp Trung Quốc nhập khẩu phế liệu từ Mỹ thì Việt Nam sẽ phải trả cái giá rất đắt.

Mà người chịu thiệt lớn nhất không ai khác chính là người dân, những thế hệ con cháu sau này phải gánh chịu. Chính vì vậy, vị chuyên gia cho rằng Việt Nam cần phải tăng cường cảnh giác, cần xây dựng các quy định về nhập khẩu rác thải phế liệu chặt chẽ. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần tỉnh táo, không nên để cái lợi trước mắt làm mờ mắt mà gây hậu quả vô cùng nguy hại.

RELATED ARTICLES

Tin mới