Triều Tiên là một trong những nước có lực lượng quân đội lớn nhất thế giới. Với khoảng 1,2 triệu quân tại ngũ và khoảng 8 triệu quân dự bị, Triều Tiên có thể huy động gần 1/4 dân số cả nước gia nhập đội quân bất cứ lúc nào. Công dân nam giới Triều Tiên phải tham gia các khóa huấn luyện quân sự và có thể bị gọi nhập ngũ bất cứ khi nào. Quân đội “khủng” của Triều Tiên được đánh giá là có thể áp đảo quân đội của nước láng giềng Hàn Quốc theo tỉ lệ 2:1.
Đoàn nữ binh lính Triều Tiên duyệt binh
I.Thực hư sức mạnh quân sự của Triều Tiên
1. Một trong những quân đội hùng mạnh nhất
Chỉ cố sức mạnh quân sự toàn cầu năm 2016 cho thấy Triều Tiên sở hữu một kho vũ khí lớn gồm 70 tàu ngầm, 4.200 xe tăng, 458 máy bay chiến đấu phản lực và 572 máy bay tiêm kích cánh cố định cùng nhiều vũ khí khác nhau. Dù sở hữu những tàu chiến cỡ nhỏ, lạc hậu, hải quân Triều Tiên vẫn có thể gây thiệt hại cho đối phương bằng các đòn đánh bất ngờ.
Truyền thống Triều Tiên ngày 23/4/2017 tuyên bố lực lượng quân đội nước này sẵn sàng “đánh chìm một tàu sân bay hạt nhân Mỹ chỉ bằng một đòn”. Dù Bình Nhưỡng không nói rõ họ sẽ thực hiện đòn tấn công đó như thế nào, song các chuyên gia phân tích nhân sự cho rằng tuyên bố này phần nào thể hiện được sức mạnh không thể khinh thường của hải quân Triều Tiên.
Theo Business Insider, Hải quân Triều Tiên (KPN) được coi là một lực lượng “biển xám”, hoạt động chủ yếu ở vùng biển cách bờ khoảng 50 km. KPN được biên chế khoảng 810 tàu chiến, gồm ba tàu hộ vệ và nhiều tàu chiến cỡ nhỏ, cùng khoảng 79 tàu ngầm các loại, có thể là mối đe dọa đối với tàu chiến Mỹ và Hàn Quốc hoạt động gần bờ. Mối nguy hiểm lớn nhất mà KPN có thể gây ra cho đối phương chính là những đòn tấn công bí mật được phát động từ tàu ngầm.
Năm 2010, tàu hộ vệ Cheonan hiện đại của hải quân Hàn Quốc đã bị một tùa ngầm Triều Tiên sử dụng ngư lôi CHT-02D trang bị đầu dò bám vệt sóng tàu đánh đắm, khiến toàn bộ thủy thủ đoàn thiệt mạng. Chuyên gia quân sự Dave Majumdar cho rằng đây là bằng chứng cho thấy tàu chiến Mỹ và Hàn Quốc không thể coi thường mối đe dọa từ các cuộc phục kích của tàu ngầm Triều Tiên.
Hạm đội tàu ngầm Triều Tiên thường có nhiệm vụ phá hoại tuyến liên lạc biển, rải mìn, tấn công tàu mặt nước của đối phương và hỗ trợ lực lượng đặc nhiệm xâm nhập Hàn Quốc.
Triều Tiên gần đây đã phát triển khả năng tấn công dưới nước, bắt đầu bằng việc chế tạo các tàu ngầm và tàu lặn mới, cũng như tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) và ngư lôi thế hệ mới. Tuy nhiên, chuyên gia phân tích Bryan McGrath cho rằng tàu ngầm Triều Tiên vẫn sử dụng công nghệ lạc hậu, độ ồn cao, có thể bị phát hiện bằng các loại cảm biến hiện đại và bị vô hiệu hóa trong các đòn tấn công phủ đầu.
Đối với Bình Nhưỡng, việc xây dựng hạm đội tàu ngầm dường như đang trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu. Trong các bức ảnh được Planet thu thập, người ta thấy một khu công trường mới đang dần hình thành tại căn cứ tàu ngầm Sinpo của Triều Tiên. Một bức ảnh chụp từ ngày 10/8/2016 cho thấy người ta đang xây dựng một cơ sở mới bên cạnh bến cảng hiện cũng đang được tân trang – bên trong khu căn cứ. Hiện vẫn chưa rõ có phải khu công trường này được sử dụng để đóng một tàu ngầm mới hay không.
Ông Moon Keun-sik, một thuyền trưởng đã nghỉ hưu và từng chỉ huy đội tàu chiến của Hàn Quốc, cho rằng các tàu ngầm truyền thống chạy bằng nhiên liệu diesel của Triều Tiên là một mối đe dọa hiện hữu, dù chúng đã cũ, song tàu ngầm có thể triển khai SLBM sẽ trở thành nhân tố thay đổi cục diện khu vực. Ông nói: “Triều Tiên đã hoặc sẽ sớm sẵn sàng xúc tiến việc đóng một tàu ngầm mới, lớn hơn. Họ có thể bắt đầu công việc này ngay trong năm mới”.
Đội tàu mặt nước của KPN không có nhiều uy lực, chủ yếu là các tàu nhỏ, tốc độ cao như tàu tên lửa, phóng lôi, tàu pháo tuần tra và yểm trợ hỏa lực, đảm nhận nhiệm vụ bảo vệ bờ biển và hỗ trợ hoạt động đổ bộ. Những tàu này dễ bị phát hiện và chế áp bằng hỏa lực mạnh, có tầm bắn xa của liên quân Mỹ – Hàn.
Tuy nhiên, Triều Tiên đã đạt nhiều bước tiến trong phát triển lực lượng tàu nổi. Cuối năm ngoái, một tàu hộ vệ tên lửa với thiết kế tàng hình được phát hiện tại cảng Najin, Đông Bắc nước này. Nó có nét giống tàu hộ vệ tên lửa lớp Tabinshwehti của Myanmar. Điểm khác biệt là tàu Triều Tiên không có khoang chứa trực thăng chống ngấm.
Triều Tiên có thể đóng ít nhất 4 tàu hộ vệ tàng hình nhằm hiện đại hóa hải quân. Chúng được coi là thành tựu của 20 năm nghiên cứu thử nghiệm, đồng thời cho thấy hướng đi mới của công nghiệp đóng tàu Triều Tiên. Bên cạnh đó, nước này từng công bố video bắn thử một tên lửa hành trình chống hạm giống hệt mẫu 3M24 Uran (SS-N-25 Switchblade) do Nga chế tạo.
Hải quân Triều Tiên có thể thực hiện các chiến dịch đổ bộ bí mật với quy mô vừa. Bình Nhưỡng được cho là có 260 tàu các loại cho nhiệm vụ này, bao gồm tàu đệm khí (LCAC) và tàu đổ bộ tốc độ cao. Nhiệm vụ của họ là đưa lực lượng đặc nhiệm thâm nhập vào lãnh thổ đối phương, tấn công cơ sở quân sự mang tính chiến lược, chiếm giữ các vị trí trọng yếu trên khu vực bờ biển để đổ bộ.
Về cơ bản, hải quân Triều Tiên không phải là mối đe dọa quá nghiêm trọng, nhưng tiềm ẩn sức mạnh không thể coi thường bằng các đòn tấn công bất ngờ. Majumdar nhận định: “Nếu liên quân Mỹ – Hàn chủ quan, họ sẽ phải hứng chịu nhiều thiệt hại nghiêm trọng”.
Triều Tiên đang có dấu hiệu cắt giảm xe tăng pháo binh để tập trung vào phát triển các loại tên lửa tầm xa hiện đại.
Theo Daily Star, Bình Nhưỡng đã giới thiệu nhiều loại tên lửa mới, có thể bao gồm cả tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) tầm bắn đến Mỹ, trong dịp kỷ niệm 105 năm sinh nhật lãnh tụ Kim Nhật Thành. Trong 5 lần duyệt binh kể từ khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un lên nắm quyền, số lượng xe tăng và pháo binh thu gọn đáng kể. Đây có thể là dấu hiện cho thấy, ông Kim muốn quảng bá hình ảnh quân đội Triều Tiên với những công nghệ hiện đại nhất.
8 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, 28 tên lửa đạn đạo tầm trung và 27 quả tên lửa khác xuất hiện trong cuộc duyệt binh ngày 15/4/2017. Trong khi đó, chỉ có 17 xe tăng và 18 phương tiện pháo binh xuất hiện. Trong cuộc duyệt binh năm 2012, ông Kim đón chào sự xuất hiện của 102 xe tăng và 129 khẩu pháo.
David Schmerler, nhà nghiên cứu đến từ Trung tâm James Martin nói: “Sự thay đổi này chứng tỏ Triều Tiên muốn thế giới có một cái nhìn khác về sức mạnh quân sự của họ, chuyển dịch từ lục quân, xe tăng sang các loại vũ khí hiện đại hơn”.
6 loại tên lửa Triều Tiên giới thiệu trong năm 2017 gồm:
ICBM
Triều Tiên đã giới thiệu 2 loại ICBM mới nhất là KN-08 có tầm bay 11.500km và KN-14 có tầm bay 10.000km. Hai loại tên lửa này giống như các phiên bản tên lửa đạn đạo liên lục địa của Nga hay Trung Quốc. Ngày 4/7/2017, Triều Tiên tuyên bố đã thử thành công ICBM đầu tiên là tên lửa Hwasong-14.
Pukkuksong-1 (KN-11)
Đây là loại tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM), lần đầu tiên xuất hiện trong một cuộc duyệt binh của Triều Tiên.
Tên lửa này được phóng thử nghiệm thành công vào tháng 8/2016 và được cho là sử dụng nhiên liệu rắn, tầm bắn khoảng 900km. Khả năng phóng tên lửa từ tàu ngầm giúp Triều Tiên có thêm sự lựa chọn vượt qua hàng rào phòng thủ tên lửa của Hàn Quốc.
Pukkuksong-2 (KN-15)
Pukkuksong-2 là phiên bản phóng từ mặt đất của Pukkuksong-1. Đây cũng là tên lửa lần đầu xuất hiện trong cuộc duyệt binh.
Tên lửa này được thử nghiệm thành công vào tháng 2/2017. Tên lửa có tầm bắn khoảng 2.000km, có thể khai hỏa từ xe phóng di động, khiến cho Mỹ và các đồng minh rất khó xác định vị trí.
KN-17
Quả tên lửa Triều Tiên phóng thất bại ngày 16/4/2017 cũng xuất hiện trong cuộc duyệt binh. KN-17 là phiên bản tên lửa đạn đạo chống hạm, tương tự như DF-21D của Trung Quốc.
KN-17 có thể được đặt trên bệ phóng di động, tầm bắn ngắn hoặc tầm trung, sử dụng nhiên liệu lỏng. Tên lửa này được tích hợp hệ thống dẫn đường từ vệ tinh, có khả năng thay đổi mục tiêu sau khi phóng (MaRV).
KN-08
Tên lửa đạn đạo KN-08 của Triều Tien chưa từng được các chuyên gia quân sự nước ngoài nhìn thấy trước đây trong các cuộc duyệt binh của Triều Tiên. Đây có thể là tên lửa cải tiến của phiên bản tên lửa đạn đạo tầm trung Musudan hoặc phiên bản đơn giản hơn của ICBM KN-08.
Tên lửa hành trình chống hạm
Loại tên lửa chống hạm giống như phiên bản Kh-35 của Nga cũng xuất hiện trong cuộc duyệt binh ở Bình Nhưỡng. Tên lửa có tầm bắn hơn 100km này là mối đe dọa đối với mọi tàu nổi. Jeffrey Lewis, chuyên gia về Triều Tiên thuộc Viện Nghiên cứu quốc tế Middlebury (Mỹ), cho biết: “Kh-35 mà Triều Tiên sở hữu khiến cho Mỹ khó có thể đưa các tổ hợp phòng thủ tên lửa đạn đạo đến sát bờ biển nước này”.
Tên lửa đạn đạo tầm xa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân mà Triều Tiên mới công bố tạo ra mối đe dọa thường trực đối với Mỹ và các đồng minh Hàn Quốc, Nhật Bản.
2. Tương quan lực lượng trên bán đảo Triều Tiên
Triều Tiên giữ bí mật đến mức không có ước tính đáng tin cậy nào về chi tiêu quân sự của nước này, hay tỷ lệ phần trăm GDP mà Bình Nhưỡng chi cho các lực lượng quân đội. Tuy nhiên, theo nguồn tin của Viện phân tích quốc phòng Hàn Quốc, Triều Tiên đã tiêu tốn 1/3 GDP vào các hoạt động quân sự. Tuy nhiên, điều rõ rằng trong ước tính của những cơ quan như Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) về các lực lượng quân đội Triều Tiên thì Triều Tiên vẫn là một trong số những quốc gia được quân sự hóa nhiều nhất trên thế giới và có thể dẫn đầu thế giới về chi tiêu quân sự tính theo tỷ lệ phần trăm GDP và bình quân đầu người.
IISS ước tính rằng Triều Tiên có khoảng 1.190.000 binh lính và 189.000 lực lượng bán quân sự tại ngũ, trong khi Hàn Quốc có 630.000 binh lính và 5.000 lực lượng bán quân sự tại ngũ – tức là nhân lực tại ngũ của họ nhiều gấp hơn 2 lần. Hàn Quốc có nhiều quân dự bị hơn, nhưng cần có thời gian mới huy động được và hiện phần lớn lực lượng này chỉ sẵn sàng về mặt quân sự ở mức hạn chế.
Về mặt thiết bị chiến đấu, Triều Tiên có khoảng 4.200 xe tăng chiến đấu chính so với 2.400 xe tăng của Hàn Quốc, 3.092 phương tiện chiến đấu thiết giáp khác so với 3.370 của Hàn Quốc, và hơn 21.000 pháo so với 11.000 của Hàn Quốc. Những con số này thể hiện lợi thế của Triều Tiên và lợi thế này càng được tăng cường vì nước này sẵn sàng chiến đấu hơn, triển khai nhiều lực lượng gần biên giới và có khả năng pháo binh được che chắn quy mô lớn nằm trong tầm bắn pháo đến Seoul – thủ đô Hàn Quốc. Tuy nhiên, chất lượng các trang bị của Hàn Quốc tốt hơn nhiều ở mọi cấp độ, các lực lượng máy bay và tên lửa đất đối không của nước này tiên tiến hơn nhiều và hải quân của họ có năng lực cao hơn nhiều. Triều Tiên phải dựa phần lớn vào các tàu ngầm và tàu tuần tra cũ để cố gắng hạn chế các lực lượng của Hàn Quốc và hải quân Mỹ.
Đối với Mỹ, mặc dù Triều Tiên đã có các tuyên bố ám chỉ rằng Mỹ có sự hiện diện quy mô lớn ở Hàn Quốc, nhưng theo báo cáo của IISS thì Mỹ chỉ có 28.500 quân và những đợt chuyển quân gần đây đã nâng con số này lên mức khoảng 34.000. Lục quân Mỹ có khoảng 19.200 binh lính và chỉ có một lữ đoàn thiết giáp thuộc các lực lượng mặt đất đang hoạt động, dù họ còn có các lực lượng trực thăng và pháo binh. Hải quân Mỹ có khoảng 250 binh sĩ và Không quân Mỹ có khoảng 8.800 binh sĩ. Họ thường triển khai 2 cánh máy bay chiến đấu với 40 chiếc F-16, 24 chiếc A-10 và một số máy bay tình báo. Một điều cũng đáng lưu ý là các cuộc tập trận của Mỹ, mà Triều Tiên lớn tiếng chỉ trích đến mức đe dọa chiến tranh hạt nhân, có sự tham gia của gần 20.000 binh sĩ và chắc chắn không đặt ra mối đe dọa tấn công nào.
Thách thức thật sự của Mỹ là việc triển khai không lực có căn cứ trên mặt đất và trên biển, các tên lửa hành trình và các khả năng tấn công chính xác khác, cũng như khả năng triển khai các lực lượng mặt đất và tái cung ứng quân sự theo thời gian. Mỹ đã rút các vũ khí hạt nhân của mình khỏi Hàn Quốc vào năm 1991 và qua thời gian đã đều đặn cắt giảm các lực lượng của họ. Họ vẫn có hơn 32.000 binh lính ở Hàn Quốc vào năm 1991 – khi Chiến tranh Lạnh kết thúc – và khoảng gấp đôi số máy bay chiến đấu hiện tại. Chính những lời đe đọa tấn công của Triều Tiên nhằm vào các nước láng giềng Hàn Quốc đã khiến Mỹ không tiếp tục giảm quân trong thập kỷ qua.
(còn tiếp)