Friday, October 18, 2024
Trang chủĐàm luậnMưu đồ độc chiếm Biển Đông của TQ và đối sách của...

Mưu đồ độc chiếm Biển Đông của TQ và đối sách của ASEAN (Phần 3)

Việt Nam cần rà soát kỹ càng các mối quan hệ với Trung Quốc, hạn chế phụ thuộc quá nhiều về kinh tế vào nước lớn này, đồng thời vận dụng linh hoạt tất cả các biện pháp hòa bình giải quyết tranh chấp, đặc biệt tận dụng thế mạnh pháp lý và công luận để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng tại Biển Đông

  Mỹ kiên quyết phản đối hạn chế tự do hàng hải ở Biển Đông

Đẩy mạnh“quốc tế hóa” tự do, an ninh hàng hải, hàng không trên Biển Đông  

Trong bối cảnh hiện nay, ASEAN cần chủ động đưa ra các sáng kiến mới, tạo dựng các cơ chế, hình thức hợp tác hòa bình mới. Việc đảm bảo tự do, an toàn, an ninh hàng hải, hàng không cho tất cả các nước có lợi ích ở Biển Đông sẽ cho phép các quốc gia thành viên ASEAN thúc đẩy “quốc tế hóa” vấn đề này.

Hiện nay, không ít quốc gia ngoài khu vực quan tâm đến tự do, an ninh hàng hải và hàng không. ASEAN cần chọn chủ đề “tự do an ninh hàng hải, hàng không” ở Biển Đông là khâu đột phá. Đây cũng là điều Trung Quốc lâu nay né tránh, nên rất ít khả năng Trung Quốc tham gia đàm phán. Bốn nước (Việt Nam, Phi-líp-pin, Ma-lai-xi-a, Bru-nây) nói riêng và khối ASEAN nói chung có thể mời các quốc gia có lợi ích liên quan đến an toàn hàng hải, hàng không ở khu vực như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Ô-xtrây-li-a… tham gia đàm phán đa phương, tiến tới xây dựng một Thỏa thuận (hoặc Hiệp định) về đảm bảo an ninh hàng hải, hàng không ở Biển Đông. Thỏa thuận (hoặc Hiệp định) này để ngỏ (mở) cho tất cả các nước trong và ngoài khu vực tham gia.

Điều đó sẽ tạo tiền lệ quan trọng, làm cho Trung Quốc không thể đứng bên lề các cuộc đàm phán cũng như điều ước quốc tế này nếu Trung Quốc nghiêm túc mong muốn giải quyết các tranh chấp. Như vậy, bằng cách đàm phán, ký điều ước quốc tế đa phương về các giải pháp đảm bảo tự do, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông, ASEAN và các nước Việt Nam, Phi-líp-pin, Ma-lai-xi-a, Bru-nây có thể tạo tiền đề, xác lập các điều khoản cho cuộc đàm phán đa phương tương lai với Trung Quốc.

Sẵn sàng giải quyết tranh chấp bằng công cụ pháp lý quốc tế

Trung Quốc luôn né tránh việc giải quyết vấn đề bằng luật pháp quốc tế, vì nước này chủ trương giải quyết tranh chấp Biển Đông theo con đường song phương, loại trừ việc tham gia của bất kỳ bên thứ ba nào khác. Đây là “điểm yếu” của Trung Quốc mà ASEAN cần triệt để khai thác.

Sử dụng công cụ pháp lý hiệu quả sẽ mở ra khả năng sử dụng các cơ quan tài phán quốc tế để giải quyết tranh chấp, hoặc chí ít hạn chế các hành động gây hấn, các tuyên bố yêu sách vô lý không tuân thủ UNCLOS 1982. Do vậy, không chỉ “quốc tế hóa” vấn đề an toàn hàng hải, hàng không trên Biển Đông, ASEAN (ít nhất là các nước có tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông với Trung Quốc) không nên ngần ngại đưa tranh chấp ra Tòa án quốc tế về Luật Biển (ITLOS), Tòa án Công lý quốc tế (ICJ), hoặc Tòa Trọng tài thường trực (PCA) theo Phụ lục VII của UNCLOS 1982 (tùy thái độ của Trung Quốc), bởi không ít vùng biển tranh chấp trên thế giới không phân định được qua đàm phán, cuối cùng phải nhờ đến phán quyết của Tòa án, từ đó mới có ổn định bền vững.

Thực tế cho thấy, sau khi đã tiến hành các biện pháp hòa bình khác với Trung Quốc không đạt kết quả, tháng 1/2013 Phi-líp-pin đã đi tiên phong trong việc cố gắng giải quyết tranh chấp một cách hòa bình bằng việc dựa vào luật pháp quốc tế, đơn phương kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài thường trực (PCA) theo Phụ lục VII của UNCLOS 1982.

Đây là lựa chọn khôn khéo, vì thủ tục tài phán mang tính bắt buộc khi các bên không đạt được thỏa thuận. Ngay cả khi Trung Quốc tuyên bố không tham gia, điều này cũng không làm trì hoãn vụ kiện, Tòa trọng tài vẫn được thành lập và các thủ tục xét xử vẫn được tiếp tục. Trung Quốc không tham gia vụ kiện sẽ là bất lợi trong việc bảo đảm lợi ích của họ trên cơ sở luật pháp quốc tế trước Tòa. Về tính chất pháp lý, bản án của Tòa Trọng tài thường trực dựa trên quy định tại Điều 11 – Phụ lục VII của UNCLOS có tính chất tối hậu và không được quyền kháng cáo (trừ việc yêu cầu giải thích). Bản án của Tòa Trọng tài có giá trị ràng buộc các bên tranh chấp.

Việc Phi-líp-pin kiện Trung Quốc ra PCA theo Phụ lục VII, UNCLOS 1982 sẽ giúp một số thành viên ASEAN thêm kinh nghiệm đấu tranh giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Dẫu Trung Quốc từ chối tham gia vụ kiện thì thủ tục tố tụng vẫn được tiến hành và phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực (PCA) sẽ là cơ sở pháp lý để các nước ASEAN yêu cầu Trung Quốc tiến hành giải quyết tranh chấp trên thực địa.

Cần tính đến một phương án là tất cả các nước đòi chủ quyền trên Biển Đông, có vùng biển bị Trung Quốc đưa vào phạm vi “đường 10 đoạn”, cùng kiện Trung Quốc ra các cơ quan tài phán quốc tế. Đó có thể là cách duy nhất các nước bị Trung Quốc đe dọa đáp trả hành vi của Trung Quốc bằng công cụ pháp lý.

Chủ động tạo dựng cơ chế đàm phán đa phương

Sau sự kiện HD-981 tháng 5/2014, lòng tin vào những “cam kết” của Trung Quốc đã suy giảm nghiêm trọng, vì vậy Việt Nam nói riêng và các nước ASEAN nói chung tiếp tục kiên trì, kiên quyết đòi đàm phán đa phương với Trung Quốc để giải quyết các tranh chấp chủ quyền trên biển.

Nhưng trước khi đàm phán đa phương với Trung Quốc, các nước ASEAN có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông cần tiến hành đàm phán đa phương với nhau nhằm giải quyết tất cả các tranh chấp về các vùng biển, cần xác định rõ phạm vi chủ quyền và quy chế pháp lý đối với các vùng biển, thềm lục địa và các đảo ở quần đảo Trường Sa để xác định phạm vi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mỗi nước trên cơ sở UNCLOS 1982, cũng như thống nhất phương án đàm phán với Trung Quốc.

Chắc chắn Trung Quốc sẽ phản đối đàm phán đa phương nội khối này, thậm chí gây thêm căng thẳng, phức tạp (chiếm một số đảo, bãi đá chìm, làm căn cứ quân sự trên đảo nhân tạo v.v…). Nhưng thành công của đàm phán đa phương giữa các nước ASEAN có tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông sẽ là minh chứng cho một cuộc đàm phán đa phương giải quyết các tranh chấp mà không có Trung Quốc tham gia. Qua đây, các nước ASEAN sẽ có vị thế tốt hơn, làm cơ sở để thiết lập các điều khoản cho đàm phán tập thể với Trung Quốc cũng như kéo Trung Quốc vào đàm phán đa phương sau này.

Tận dụng các diễn đàn quốc tế, các cơ chế an ninh khu vực

Sau sự kiện HD-981, Việt Nam đã tận dụng các Diễn đàn khu vực, quốc tế, kể cả đề nghị cho lưu hành công hàm tại Đại hội đồng LHQ tố cáo hành động của Trung Quốc. Trên cơ sở kinh nghiệm này, ASEAN nên có phương án sẵn sàng gửi đề nghị của ASEAN lên Tổng Thư ký LHQ nếu tình hình tiếp tục căng thẳng hoặc có những phát sinh phức tạp mới, thậm chí nghiên cứu phương án đưa ra Đại hội đồng LHQ, để cả thế giới thấy được hành vi vi phạm luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ của một nước lớn đang giữ vai trò quan trọng đối với hòa bình, an ninh thế giới.

Tại các diễn đàn An ninh khu vực (ARF), Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+), Đối thoại Shangri-La…, nhiều tiếng nói ủng hộ lập trường “quốc tế hóa”, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình và tự do hàng hải tại Biển Đông. ASEAN cần tiếp tục sử dụng các diễn đàn này để buộc các bên liên quan tìm kiếm giải pháp duy trì hòa bình, qua đó đẩy mạnh “quốc tế hóa” phương cách giải quyết tranh chấp; đẩy mạnh truyền thông về vấn đề Biển Đông theo hướng vì lợi ích của cộng đồng khu vực. Đây chính là sự kết hợp sức mạnh của thời đại với sức mạnh của Hiệp hội để giải quyết vấn đề liên quan tới lợi ích chiến lược của ASEAN.

Bên cạnh đó, ASEAN cần cùng Trung Quốc đàm phán, ký kết về COC sớm chừng nào hay chừng ấy. Chúng ta thiếu cơ sở để kỳ vọng vào sự nhiệm màu của COC, nhưng cần kiên trì đấu tranh tìm mọi giải pháp, dù là nhỏ nhất, giải quyết tranh chấp ở Biển Đông trước khi quá muộn.

Kết luận

Sự kiện HD-981 và những gì tiếp sau đó buộc các nước phải nhận thức rõ hơn chiến thuật của Trung Quốc hòng độc chiếm Biển Đông, cũng như cần có cách nhìn mới về quan hệ ASEAN – Trung Quốc. Giờ đây, ASEAN cần có những quyết sách và hành động hợp thời, hiệu quả, đồng thời kịp thời bổ sung, hoàn thiện cơ chế điều hành của Hiệp hội.

Việt Nam cần chủ động cùng một số thành viên chủ chốt phát huy vai trò trong ASEAN, đưa ra các sáng kiến củng cố đoàn kết, thống nhất nội khối, cũng như phối hợp thực hiện các bước đi đàm phán đa phương. Bên cạnh đó, Việt Nam kiên trì và kiên quyết phản đối yêu sách “đường 9 đoạn”, “đường 10 đoạn” của Trung Quốc, kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo, đòi Trung Quốc rút hết giàn khoan và các tàu khỏi vùng biển Việt Nam; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế, không để xảy ra xung đột; cũng như cảnh giác phòng ngừa các thế lực thù địch lợi dụng sự kiện này để kích động tinh thần dân tộc cực đoan, thậm chí có những hành động làm tổn hại lợi ích đất nước; đồng thời, cần chủ động hoàn chỉnh hồ sơ pháp lý về chủ quyền biển, đảo để bày tỏ quan điểm khi cần thiết; sẵn sàng tận dụng những lợi thế mà vụ kiện do Phi-líp-pin khởi xướng mang lại.

Việt Nam cần rà soát kỹ càng các mối quan hệ với Trung Quốc, hạn chế phụ thuộc quá nhiều về kinh tế vào nước lớn này, đồng thời vận dụng linh hoạt tất cả các biện pháp hòa bình giải quyết tranh chấp, đặc biệt tận dụng thế mạnh pháp lý và công luận để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng tại Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới