Trung Quốc gần đây đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong việc phát triển vũ khí tấn công dành cho hải quân.
Báo chí Trung Quốc cho rằng BrahMos không thể sánh bằng YJ-18
Sau nhiều năm nghiên cứu phát triển, tên lửa hành trình chống hạm siêu âm YJ-18 của Trung Quốc (bản sao chép 3M-54E Klub) đã được bắn thử thành công từ bệ phóng thẳng đứng đa năng trên khu trục hạm Type 052D, biến chiếc tàu chiến này thành phương tiện có khả năng công thủ toàn diện.
Theo đánh giá của trang Sina, YJ-18 là giải pháp lý tưởng để giải quyết mâu thuẫn giữa tốc độ, kích thước và tầm bắn vẫn tồn tại trên tên lửa chống tàu, vũ khí này đã “gần như đạt tới cấp độ hoàn hảo”. Vậy căn cứ vào đâu để Bắc Kinh tự hào về điều này?
Từ trước tới nay, các công trình sư luôn phải tìm cách cân bằng giữa tầm xa và tốc độ của tên lửa chống hạm. Khi bay nhanh, tên lửa phải chịu áp lực không khí rất lớn, lượng nhiên liệu cũng yêu cầu nhiều để đẩy cao vận tốc, ngoài ra cấu trúc của nó cũng cần vững chắc, dẫn tới kích thước lớn hơn hẳn loại cận âm.
Lấy ví dụ, tên lửa 3M80 Moskit mà Trung Quốc mua về kèm khu trục hạm Dự án 956 Sovremenny có trọng lượng lên tới 4,5 tấn (gấp 7 lần so với YJ-83), trong khi tầm bắn chỉ đạt 120 km (con số này ở YJ-83 là 180 km).
Phương án dùng quỹ đạo hỗn hợp nhưng giữ nguyên tốc độ cũng chưa phải phương án tối ưu. Trung Quốc dẫn trường hợp BrahMos, để bay xa 300 km thì nó cần leo tới độ cao 15.000 m để giảm sức cản không khí rồi thực hiện cú bổ nhào, nếu bay thấp ngay từ đầu để tránh bị radar phát hiện thì tức khắc cự ly bị rút xuống chỉ còn hơn 100 km.
Đây thực chất chính là điểm yếu cố hữu của tên lửa sử dụng động cơ phản lực dòng thẳng, cho nên giải pháp dung hòa chính là thiết kế của 3M-54E mà Trung Quốc đã mày mò sao chép.
Nhờ vào động cơ phản lực thế hệ mới có hai chế độ làm việc (tương tự như Klub), YJ-18 có thể áp dụng quỹ đạo bay rất linh hoạt, đó là bám biển ở tốc độ cận âm chỉ Mach 0,8, khi cách mục tiêu khoảng 40 km, động cơ sẽ bật chế độ tăng lực để đột ngột đưa vận tốc lên tới Mach 3, khiến đối phương bất ngờ.
Với vận tốc gần 1.000 m/s, chiến hạm từ lúc phát hiện ra YJ-18 sẽ chỉ có 40 giây để đối phó, nhưng đó vẫn là con số lý tưởng, theo các chuyên gia quân sự nước này, thực tế tàu địch có không nhiều hơn 15 giây phản ứng.
Tốc độ nhanh, quỹ đạo linh hoạt, tích hợp hệ thống dẫn đường tiên tiến cho độ chính xác cao, tầm bắn ước đạt tới 530 km, rõ ràng thông số cơ bản của Ưng Kích 18 đều vượt BrahMos. Bên cạnh đó, tên lửa này còn là sản phẩm hoàn toàn của Trung Quốc, không phải phụ thuộc vào linh kiện nước ngoài như Ấn Độ.
Nhưng sau khi “nổ tung trời”, Sina cũng phải thừa nhận rằng YJ-18 còn một điểm yếu cần hoàn thiện đó là chưa có khả năng tàng hình, điều mà phiên bản BrahMos II sắp làm được. Chính vì vậy, vũ khí “gần như hoàn hảo” này vẫn cần nâng cấp thêm để trở thành “hoàn hảo tuyệt đối”.