Saturday, November 16, 2024
Trang chủBiển nóngIndonesia bắt đầu thách thức yêu sách của Trung Quốc ở Biển...

Indonesia bắt đầu thách thức yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông

Indonesia kết thúc nhiều năm dài “im lặng” và chủ yếu đóng vai trò hòa giải để công khai thách thức các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông.

Khi Indonesia công khai đặt tên phần biển phía bắc vùng đặc quyền kinh tế của nước này trên Biển Đông – bất chấp các tuyên bố chủ quyền trước đó của Trung Quốc đối với khu vực này, Bắc Kinh đã phản đối và gọi động thái này là “vô nghĩa”. Indonesia biết rằng không phải như vậy.

Thái độ ngày càng cứng rắn của Indonesia đối với khu vực này – bao gồm cả việc tăng cường quân sự ở quần đảo Natuna gần đó và kế hoạch điều tàu chiến hải quân đến đây – xảy đến trong bối cảnh các Trung Quốc ngày càng mạnh mẽ trong các tranh chấp Biển Đông.

Đặt tên tại ‘Đường 9 đoạn’

Hôm 14/7, ông Arif Havas Oegroseno, Thứ trưởng Bộ Điều phối các Vấn đề Hàng hải Indonesia, nói rằng bản đồ mới công bố của Jakarta, trong đó đặt tên mới vùng biển gần quần đảo Natuna, đã “làm rõ các khu vực khai thác tài nguyên thiên nhiên”.

Cùng ngày hôm đấy, Lực lượng Vũ trang Indonesia và Bộ Năng lượng và Tài nguyên Khoán nước này ký biên bản ghi nhớ để tàu chiến Indonesia đảm bảo an ninh cho các khu vực đánh bắt thủy sản năng suất cao, các vùng thăm dò và khai thác dầu khí bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia.

Khi đó, Tư lệnh Lực lượng Vũ trang Indonesia, tướng Gatot Nurmantyo đã nói rằng các hoạt động dò tìm năng lượng ngoài khơi đang bị “tàu treo cờ nước ngoài quấy rối”.

Trong năm 2016, Trung Quốc và Indonesia đã ít nhất 3 lần xảy ra đụng độ có nổ súng cảnh cáo trên biển, trong đó có một lần tàu chiến của Indonesia đã bắt giữ tàu cá của ngư dân Trung Quốc.

Sau vụ đụng độ thứ ba vào tháng 6/2016, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra thông cáo, lần đầu tiên tuyên bố “đường 9 đoạn” gây tranh cãi của họ bao gồm “ngư trường truyền thống” nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia.

Trước đó, Tổng thống Indonesia Joko Widodo từng tuyên bố rằng “đường 9 đoạn” của Trung Quốc không dựa trên luật pháp quốc tế. Ngay sau vụ đụng độ thứ ba, ông Widodo đã chủ trì một cuộc họp diễn ra trên tàu chiến đậu ngoài quần đảo Natuna, một động thái được cho là thể hiện sự cứng rắn trước Bắc Kinh.

Indonesia đang thách thức Trung Quốc, nhà đầu tư và là đối tác thương mại lớn nhất của họ, để củng cố quyền kiểm soát trên tuyến đường biển đầy tài nguyên, đặc biệt là về trữ lượng dầu, khí tự nhiên và cá. Đối với cộng đồng quốc tế, động thái của Indonesia đã góp thêm cho tranh chấp Biển Đông một “người chơi” khác, trong bối cảnh Mỹ, dù là nước không có tranh chấp, cũng thường xuyên điều tàu chiến đến thách thức các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc và thực hiện quyền tự do hàng hải.

Suốt nhiều thập niên qua Indonesia đã duy trì chính sách “không làm bên tranh chấp” trong nhiều bất đồng lãnh thổ với Trung Quốc tại Biển Đông.

Lên tiếng giữa ‘im ắng’

New York Times nhận định dù nhiều người bất đồng với tuyên bố lãnh thổ của Trung Quốc trên Biển Đông, không nhiều bên công khai đối đầu với Bắc Kinh. Ngoài ra, trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Donald Trump đưa ra các tín hiệu không chắc chắn về việc thách thức Trung Quốc, sự cứng rắn của Indonesia càng đáng chú ý hơn.

Các nhà phân tích nói rằng hải quân Indonesia hầu như không có cơ hội sánh được với hải quân Trung Quốc nhưng 2 bên cũng sẽ tránh đụng độ trong vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia.

Ian J. Storey, một nhà nghiên cứu cấp cao thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, nói rằng Indonesia “đã là một bên trong tranh chấp, và họ càng nhận ra điều này sớm chừng nào thì hay chừng đó”.

Theo ông Storey, trước khi đặt tên một phần vùng biển tranh chấp thành “Biển Bắc Natuna” để khiến nó “Indonesia hơn”, Jakarta đã tăng cường quân sự tại khu vực này từ năm 2016. Họ mở rộng cảng hải quân ở đảo chính của quần đảo Natuna và kéo dài đường băng tại căn cứ không quân để chuẩn bị đón các tàu chiến, máy bay lớn hơn.

Frega Ferdinand Wenas Inkiriwang, một giảng viên tại Đại học Phòng vệ Indonesia, nói rằng việc Jakarta công khai đổi tên Biển Bắc Natuna đồng nghĩa “Indoneisa đã gián tiếp trở thành một bên có tuyên bố (chủ quyền) ở khu vực này, nguyên nhân là vì tính toàn vẹn lãnh thổ”.

Trong khi đó, ông Aaron Connelly, chuyên gia tại Viện Lowy về Chính sách Quốc tế ở Sydney, Australia, nói rằng việc này không khiến Indonesia trở thành một bên tranh chấp.

“Họ chưa từng chấp nhận tính hợp pháp của đường 9 đoạn, vì thế họ nói không có sự chồng lấn nào”, ông nói với New York Times.

“Trung Quốc nói họ có ‘quyền đánh bắt truyền thống’, nhưng Indonesia đang hành động dựa trên chủ nghĩa hợp pháp. Và đó là cách hiệu quả để thách thức (Trung Quốc)”, ông Connelly nói.

Evan A. Laksmana, nhà nghiên cứu các vấn đề an ninh ở Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược tại Jakarta, nói rằng việc đặt tên Biển Bắc Natuna không chủ đích gây ra tranh chấp với Trung Quốc và “nền tảng pháp lý quốc tế đối với bản đồ mới của Indonesia là rõ ràng”.

RELATED ARTICLES

Tin mới