Báo Sekai Nippo cho hay, thông tin này do một nguồn ẩn danh nhưng am hiểu tình hình Triều Tiên cung cấp. Đóng được tàu ngầm hạt nhân sẽ là bước nhảy vọt với hải quân Triều Tiên. Hiện, Triều Tiên có một đội tàu gồm 50-60 chiếc tàu ngầm chạy bằng điện-diesel.
Việc đóng tàu ngầm hạt nhân khó và tốn kém hơn nhiều tàu ngầm thông thường chạy bằng điện và diesel. Tuy nhiên, nó sẽ di chuyển nhanh hơn, mạnh hơn, linh hoạt hơn và ở dưới nước lâu hơn mà không cần tiếp nhiên liệu cũng như nổi lên mặt nước.
Các tàu ngầm hạt nhân thường được ghép đôi với tên lửa đạn đạo và nó có thể giúp Triều Tiên thể hiện sức mạnh.
Ngoài ra, tàu ngầm cũng là một phương tiện phóng tên lửa bí mật hơn so với sử dụng hầm phóng đặt trên mặt đất. Giới phân tích nghi ngờ rằng Triều Tiên quan tâm tới tàu ngầm hạt nhân vì lý do này khi mà Bình Nhưỡng đẩy mạnh chương trình tên lửa trong các năm gần đây.
Trong hải quân Mỹ, tàu ngầm hạt nhân được vũ trang tên lửa đạn đạo là một phần của bộ ba hạt nhân, chuyên đảm bảo cho Mỹ có thể đáp trả hỏa lực trong trường hợp bị tấn công hạt nhân bất ngờ. Việc tìm kiếm và phá hủy mọi tên lửa trên tàu ngầm trước khi nó được phóng đi là hoàn toàn không thể thực hiện được.
Kể từ năm 2014, Triều Tiên đã phóng thử tên lửa đạn đạo Pukgusong-1 từ tàu ngầm ít nhất 6 lần. Tên lửa này có thể gắn lên một tàu ngầm hạt nhân, rồi sau đó nó đi vào vùng biển quốc tế, phóng một tên lửa gần như không thứ gì cản nổi. Tên lửa Pukguksong-1 có thể được trang bị một đầu đạn hạt nhân nhỏ.
Quân đội Mỹ đã giám sát hải quân Triều Tiên rất chặt chẽ sau khi nước này nghi ngờ Bình Nhưỡng thử nghiệm phóng Pukguksong-1 từ dưới biển vào tháng 8 vừa qua. Hồi tháng 5, trang 38 North cho hay, ảnh vệ tinh nhận diện được thứ dường như là bãi thử tên lửa đạn đạo liên lục địa ở Nampo.