Monday, November 18, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiĐừng để người TQ "cười" chúng ta

Đừng để người TQ “cười” chúng ta

Hòa giải, hòa hợp và đoàn kết thì dân tộc mới trường tồn, chia rẽ bè cánh sẽ đẩy chúng ta đến bờ vực, đến hang hùm miệng rắn.

Là cờ Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam được kéo lên ở Trường Sa khi tiếp quản từ quân lực Việt Nam Cộng hòa năm 1975 là minh chứng hùng hồn cho sự tiếp nối của Nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ, chính thể trong việc thực thi, quản lý chủ quyền đối với quần đảo này. Ảnh: bqllang.gov.vn.

Báo Tuổi Trẻ hôm 20/8 đưa tin, ngày 18-8-2017, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam giới thiệu, phát hành bộ Lịch sử Việt Nam bao quát nền lịch sử nước ta từ khởi thủy đến năm 2000 do Viện Sử học Việt Nam biên soạn.

Sự kiện này đã tạo ra “cơn bão” dư luận người Việt Nam ở trong và ngoài nước, với những nhận định, đánh giá, bình luận, thậm chí suy diễn…

Những bình luận này xuất phát từ cách nhìn nhận khác nhau về mặt lịch sử, pháp lý, chính trị…đối với chính quyền  Việt Nam Cộng hòa đã từng tồn tại trong lịch sử Việt Nam, giai đoan từ năm 1954-1975.

Những quan điểm khác nhau

Nhiều ý kiến đánh giá cao về bộ Lịch sử Việt Nam do Viện Sử học Việt Nam chủ trì biên soạn, xuất bản.

Và một trong nhiều điểm mới của bộ sách lịch sử quan trọng này là việc đã đề cập đến sự tồn tại của chính quyền Việt Nam Cộng hòa như một thực thể chính trị độc lập tại miền Nam Việt Nam.

Bộ sách này đã thay cách dùng từ “ngụy quyền Sài Gòn” trước đây bằng từ “Chính quyền Sài gòn”, thay “ngụy quân” thành “quân đội Sài Gòn”.

Trả lời phỏng vấn báo chí, Phó giáo sư – Tiến sĩ Trần Đức Cường, nguyên Viện trưởng Viện Sử học, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Tổng chủ biên bộ sách Lịch sử Việt Nam, đã nói: 

“Trước đây, khi nhắc đến chính quyền Việt Nam Cộng hòa, mọi người vẫn hay gọi là “ngụy quân, ngụy quyền”. Nhưng chúng tôi từ bỏ không gọi theo cách đó mà gọi là “chính quyền Sài Gòn”, “quân đội Sài Gòn”.” 

Nhân “sự kiện” có vẻ “đình đám” này, một số học giả đã lên tiếng cho rằng việc thừa nhận này có lợi trước nhất cho công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối vời quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. 

Thừa nhận Việt Nam cộng hòa là bước tiến quan trọng… 

Tiến sỹ Sử học Nguyễn Nhã khẳng định rằng: 

“… Thừa nhận Việt Nam cộng hòa, Việt Nam chúng ta hiện nay có thể chính thức thừa hưởng gia tài rất quý báu về văn hóa giáo dục, kinh tế với cơ chế mà gần như cả thế giới hiện nay đang thực hiện. 

Đặc biệt như tôi đã phát biểu trong Đại hội kỷ niệm 50 năm thành lập Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam rằng giới sử học ở miền Nam trước đây không bị ảnh hưởng về chính trị, hay quan điểm. 

Bất cứ nước nào tôn trọng giới học thuật, khoa học, nghiên cứu, nước ấy sẽ phát triển và ngược lại rất khó phát triển”. 

“Việc từ bỏ cách gọi “ngụy quân”, “ngụy quyền” và công nhận Việt Nam Cộng hòa như một chính quyền độc lập là một bước tiến quan trọng trong việc hàn gắn những vết thương của người Việt sau chiến tranh.

Mặt khác điều này có những tác động tích cực đối với việc giải quyết tranh chấp trên Biển Đông, cụ thể là hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa bằng công pháp quốc tế.”

Tiến sĩ Dương Danh Huy, Quỹ Nghiên cứu Biển Đông, đã đi sâu về mối quan hệ giữa sự công nhận một hay hai quốc gia trong giai đoạn chiến tranh 1954-1975 và lập luận pháp lý bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. 

Các nghiên cứu này đã so sánh các cách thức, quan điểm khác nhau và đi đến kết luận rằng việc công nhận hai quốc gia Việt Nam trong giai đoạn 1954-1975 có lợi trong việc tranh biện pháp lý cho chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa trước Trung Quốc… 

Giáo sư James Crawford, chuyên gia hàng đầu về công pháp quốc tế và là một thẩm phán tại Tòa án Công lý quốc tế, trong tác phẩm “The Creation of States in International Law”, đã cho rằng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Việt Nam Cộng hòa là hai quốc gia. 

Theo ông, việc Hiệp định Genève 1954 thiết lập hai vùng tập kết quân sự phải được xem như sự thiết lập hai quốc gia.

Trên phương diện luật pháp cũng như trên thực tế, lãnh thổ của mỗi quốc gia trên không phải là toàn bộ Việt Nam…

Trong khi đó, trên truyền thông và mạng xã hội cũng có những quan điểm không đồng tình với những nhận định nói trên.

Thậm chí đã có những ý kiến tỏ ra gay gắt, cực đoan, đòi thu hồi đốt bỏ bộ Lịch sử Việt Nam đồ sộ gồm 15 tập này và đòi bắt giam sử gia nổi tiếng Phan Huy Lê, người chủ biên bộ Lịch sử Việt Nam mới tái bản lần đầu này. 

Họ cho rằng các sử gia tham gia biên soạn bộ Lịch sử này đã không kiên định lập trường giai cấp, thiếu ý thức chính trị khi dám “thừa nhận bọn bù nhìn bán nước, tay sai của đế quốc Mỹ, đã từng gây nên cảnh nồi da xáo thịt, huynh đệ tương tàn, làm cho Nước nhà chia cắt, phân ly…”

Điều đáng quan ngại hơn là có một bộ phận người Việt Nam ở trong và ngoài nước đã lợi dụng sự kiện này để bôi nhọ chế độ chính trị hiện hành, công khai hô hào dân chúng đứng lên lật đổ chính thể Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, đòi phục dựng thể chế Việt Nam Cộng hòa, gây bạo động, bạo loạn, phá hoại nền an ninh quốc gia, sự ổn định chính trị xã hội…

Là một người nghiên cứu pháp lý-chính trị, chúng tôi xin được nêu quan điểm cá nhân của mình.

Chúng tôi chỉ mong có thể góp sức tạo lập được tiếng nói chung, nhận thức chung trong nội bộ người Việt Nam trước tình hình  kinh tế, chính trị, an ninh, quốc phòng…của đất nước, cục diện khu vực và quốc tế đang diễn biến hết sức phức tạp, nhạy cảm…

Cần phân biệt rõ ràng về lập trường chính trị và quan điểm pháp lý

Đây là điều cực kỳ quan trọng để xem xét, đánh giá các sự kiện lịch sử có liên quan đến sự ra đời, tồn tại của Nhà nước qua các thời kỳ lịch sử nhân loại nói chung và của một quốc gia nói riêng.

Theo quan điểm của Chủ nghĩa Mác-Lênin thì nhà nước thực chất là một tổ chức đặc biệt của quyền lực chính trị, một bộ máy chuyên làm nhiệm vụ cưỡng chế và thực hiện chức năng quản lý đặc biệt nhằm duy trì trật tự xã hội, thực hiện mục đích bảo vệ địa vị của giai cấp thống trị trong xã hội.

Những nội dung cơ bản ban đầu về học thuyết này được phản ánh thông qua tác phẩm: “Nguồn gốc của gia đình, chế độ sở hữu và của nhà nước” của Ph.Ăng-ghen. 

Qua tác phẩm này, Ăng-ghen đã phân tích các vấn đề về gia đình, nguồn gốc của giai cấp và của nhà nước và những quy luật tiếp tục phát triển và biến đổi sau này của chúng. 

Ph.Ăng-ghen đã chỉ ra rằng nhà nước chỉ ra đời ở một giai đoạn lịch sử nhất định của xã hội trên cơ sở xuất hiện chế độ tư hữu và gắn liền với nó là sự phân chia xã hội thành các giai cấp đối kháng.

Ông cũng luận chứng về tính chất giai cấp và tính lịch sử của nhà nước, làm sáng tỏ chức năng giai cấp cơ bản của nhà nước.

Căn cứ  vào luận thuyết này thì nhà nước là sản phẩm của một xã hội có giai cấp đối kháng và vì vậy, nó là một phạm trù lịch sử, có thể xuất hiện, thay đổi, thậm chí bị xóa sổ bởi kết quả của các cuộc đấu tranh tranh giành quyền lực thống trị xã hội giữa các giai cấp đối kháng. 

Trong cuộc đấu tranh này, để giành thắng lợi, các đảng phái chính trị, đại diện cho các tầng lớp giai cấp, phải sử dụng mọi biên pháp cần thiết nhằm lật đổ, tiêu diệt giai cấp đối kháng, cũng như các tổ chức thực thi quyền lực của giai cấp thống trị đó. 

Vì vậy, về mặt chính trị, chúng ta không quá ngạc nhiên khi đảng phái chính trị của giai cấp này lên án, tố cáo, bôi nhọ… nhằm hạ thấp uy tín của đảng phái chính trị của giai cấp kia trước công chúng: 

Những chiến sỹ Cộng hòa trong cuộc cách mạng Dân chủ Tư sản đã từng lên án thậm tệ bọn tham quan ô lại của chế độ quân chủ độc tài. 

Những chiến sỹ Cộng sản đã vùng lên, tập họp dân chúng cần lao để  “đào mồ” chôn chủ nghĩa tư bản và gia cấp tư sản thống trị mục nát. 

Và ngược lại, giai cấp thống trị, để bám giữ ngôi vị thống trị, họ đã không tiếc lời bôi nhọ những người Cộng hòa, chiến sỹ Cộng sản…và điên cuồng chống trả bằng nhiều thủ đoạn, phương thức man rợ…

Đó là sự thật lịch sử, là quy luật phát triển của xã hội loài người. Nhân loại đã chứng kiến những bi kịch lịch sử đó. 

Cụm từ “chính quyền bù nhìn”, “chính quyền tay sai của đế quốc Mỹ” được dùng để gọi chính quyền Sài Gòn trước đây hay ngược lại, “Việt Cộng”, “ Chính quyền tay sai của Nga- Xô, Trung- Cộng” để gọi Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng chính là sản phẩm của tư duy chính trị mấy chục năm về trước, nay đã lỗi thời. 

Chúng tôi không có ý áp đặt quan điểm của mình lên người khác.

Chỉ có điều, nếu thực sự vì quốc gia và dân tộc, tất cả đều phải được đánh giá một cách khách quan, khoa học về những chính thể đã từng tồn tại trong các giai đoạn lịch sử. 

Phủ nhận sạch trơn hay ca ngợi một chiều chỉ có thể làm cho sự vật phát triển lệch lạc, thậm chí cản trở xu hướng phát triển tiến bộ của lịch sử nhân loại. 

Tuy nhiên, xét về mặt pháp lý, người ta không thể dùng ý chí chính trị để phủ nhận sự tồn tại khách quan của một thể chế chính trị đã được cộng đồng quốc tế chính thức thừa nhận, với tư cách là một thực thể trong quan hệ quốc tế: 

Năm 1954, Hiệp định Genève được ký kết, Việt Nam tạm thời chia làm hai miền do 2 chính quyền hợp pháp quản lý. 

Ở miền Nam từ vĩ tuyến 17 trở vào quyền quản lý lãnh thổ và dân cư được trao cho các chính thể, lúc đầu là chính quyền Quốc gia Việt Nam.

Tiếp đến là chính quyền Việt Nam Cộng hòa và từ năm 1975 đến năm 1976 là Chính quyền Cách mạng lâm thời Cộng hòa niềm Nam Việt Nam. 

Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam là chính phủ hợp pháp được ra đời từ thắng lợi của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng nhân dân Cách mạnh niền Nam Việt Nam và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. 

Thắng lợi của đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân miền Nam Việt Nam là đã lật đổ chính thể Việt Nam Cộng hòa, và lập ra một cách hợp pháp Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. 

Tính chính danh của chính thể Việt Nam Cộng hòa về mặt đối nội và đối ngoại đã bị xóa bỏ hoàn toàn ngay sau khi Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh đọc tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, ngày 30/4/1975.  

Từ thời khắc lịch sử đó, Việt Nam Cộng hòa chỉ còn được nhắc đến như là một thể chế chính trị của quá khứ, giống như các chính thể khác của các chế độ phong kiến, thực dân đã từng tồn tại trong lịch sử Việt Nam…  

Ở miền Bắc, từ vĩ tuyến 17 trở ra, quyền quản lý lãnh thổ, dân cư được trao cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa giai đoạn từ năm 1954 đến năm 1976.  

Ngày 02 tháng 07 năm 1976, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa 6 (1976-1981), Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất được bầu vào ngày 25 tháng 4 năm 1976, đã quyết định đổi tên nước là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Chính thể Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã và đang là một chủ thể hợp hiến, hợp pháp, duy nhất trong quan hệ đối nội và đối ngoại dưới ánh sáng của Luật pháp quốc tế. 

Từ thời điểm lịch sử này, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam cũng đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử và trở thành các chính thể của quá khứ. 

Những sự kiện chính trị, pháp lý nói trên phải được các sử gia chân chính ghi nhận một cách trung thực khách quan trong các bộ lịch sử Việt Nam. 

Việc dùng tên gọi “chính quyền Sài Gòn”, “Việt Nam Cộng hòa” thay vì tên gọi mang nặng màu sắc chính trị: “chính quyền bù nhìn” hay “ngụy quân, ngụy quyền” là một việc làm rất cần thiết.

Điều này phản ánh một tư duy khoa học, khách quan, trung thực, tiến bộ của các sử gia Việt Nam, đáng được trân trọng, hoan nghênh. 

Vì vậy, chúng tôi không đồng tình với ai đó đòi “đốt bỏ” bộ lịch sử đồ sộ và có giá trị khoa học này chỉ để thỏa mãn cảm xúc cá nhân, theo đuổi tư duy chính trị đơn thuần. 

Đồng thời chúng tôi cũng xin nhấn mạnh rằng, nếu ai đó muốn lợi dụng sự kiện này để làm “sống lại” một chính thể của quá khứ, đã không còn tồn tại cả trên danh nghĩa và thực tế, bởi cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc hợp lý, hợp tình của đồng bào miền Nam chỉ là một ảo tưởng.

Thậm chí còn là một hành vi vi phạm Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, vi phạm luật pháp Việt Nam và luật pháp quốc tế, chắc chắn họ sẽ bị trừng trị theo đúng Luật pháp hiện hành của Nhà nước Việt Nam.

Như đã phân tích ở trên, Nhà nước là một phạm trù lịch sử. Sự ra đời, tồn tại hay bị phế bỏ cũng là điều hoàn toàn theo đúng quy luật phát triển của xã hội loài người qua các giai đoạn lịch sử. 

Một Nhà nước muốn tồn tại lâu dài phải là một Nhà nước thực sự của dân, do dân và vì dân, một chính phủ “liêm khiết, kiến tạo và hành động vì lợi ích của dân chúng”. 

Ngược lại, sẽ có những bi kịch có thể xảy ra có liên quan đến sự đổi thay mang tính tất yếu lịch sử.

Điều này đã được chính cụ Nguyễn Trãi tổng kết: “đẩy thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời vẫn thường căn dặn. 

Người Trung Quốc đang “cười” chúng ta ?

Sở dĩ chúng tôi phải lên tiếng là vì dư luận người Việt ta đang chia rẽ, nhưng những kẻ đang dòm ngó chúng ta ngoài Biển Đông thì lại đang “mở cờ trong bụng”.

Bài viết này không chỉ nhằm mục đích góp thêm tiếng nói để người Việt chúng ta, trong cũng như ngoài nước ngồi lại với nhau, bình tĩnh nhìn lại quá khứ và chung lòng hướng tới tương lai của Đất Nước Việt Nam, bao gồm Đất, Biển, Trời, liền một giải, rộng dài và giàu đẹp.

Những gì mà chúng tôi đã đề cập ở trên có lẽ đã đủ để trả lời những vấn đề nhà Việt Nam học Tư Trấn Đào từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á – Trung Quốc đặt ra trong bài phân tích đăng trên Thời báo Hoàn Cầu ngày 30/8, với tiêu đề khiến chúng tôi không thể im lặng:

“Việt Nam sửa đổi lịch sử là tự đào hố chôn mình”.

Nếu ông Tư Trấn Đào là một nhà khoa học với đúng nghĩa của nó, hi vọng ông tự nhận ra được những sai lầm trong cách lý giải mang đậm màu sắc chính trị, duy lý và ngụy biện được thể hiện trong bài viết này.

Thực ra, những lập luận nói trên của nhà Việt Nam học Tư Trấn Đào không có gì là mới lạ cả. 

Bởi vì, mỗi khi nhắc đến giai đoạn Việt Nam Cộng hòa quản lý 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa chờ ngày tổng tuyển cử theo Hiệp định Genève, kiểu gì cũng sẽ xuất hiện những luận điệu như vậy trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc. 

Điều đáng nói là, mặc dù những lập luận của ông Tư Trấn Đào chỉ là một thủ thuật “chơi chữ”, nhưng nếu người Việt chúng ta vẫn còn sống với tư duy và cách nghĩ của mấy chục năm về trước, thì đã vô tình mắc bẫy những người như ông Tào.

Và một điều đáng lưu ý nữa, là bài phân tích của nhà Việt Nam học này chỉ xoáy vào câu chuyện cách gọi Việt Nam Cộng hòa trong bộ Lịch sử Việt Nam.

Trong khi đó, sự kiện Trung Quốc xâm lược toàn tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam năm 1979 và gây xung đột kéo dài 10 năm sau đó, lần đầu tiên được gọi tên đúng với bản chất của nó là “xâm lược”, ông Đào chỉ lướt qua.

Thậm chí nhà nghiên cứu này còn dùng tên gọi trung tính để nhắc tới sự kiện Trung Quốc xâm lược Việt Nam năm 1979 mà bộ Lịch sử Việt Nam mới trả lại đúng tên cho nó, là “xung đột vũ trang biên giới Trung – Việt 1979”.

Biểu hiện này khác hoàn toàn thái độ bóp méo lịch sử trên truyền thông chính thống Trung Quốc lâu nay, khi gọi cuộc chiến xâm lược này là “phản kích tự vệ”. 

Đó là điều khiến chúng tôi phải suy nghĩ. Liệu đây có phải là một sự đổi thay trong nhận thức và chiến lược tuyên truyền của Trung Quốc? 

Còn sự thay đổi của cá nhân ông Tư Trấn Đào trong cách “định danh” cuộc chiến cần phải đặt trong bối cảnh và mục tiêu tổng thể bài viết: 

Tiếp tục chia rẽ dư luận Việt Nam bằng cách khoét sâu mâu thuẫn nội tại của quá khứ mấy chục năm về trước, để chứng minh cho yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc đối với Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.

Và chúng tôi cũng xin lưu ý thêm với ông Đào, với tư cách một nhà nghiên cứu khoa học, thì ông nên lý giải như thế nào về việc:

Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã bê nguyên đường “lưỡi bò” của “ngụy quân, ngụy quyền” Trung Hoa Dân quốc về làm của mình, để đòi độc chiếm Biển Đông với lập luận đó là “sự kế thừa chủ quyền lịch sử”?

Vì thế, chúng tôi thiết tha mong muốn đồng bào người Việt mình, trong cũng như ngoài nước, hiểu rằng quá khứ đã qua và không thể thay đổi.

Nhưng hiện tại và tương lai như thế nào là nằm trong tay mỗi chúng ta.

Hòa giải, hòa hợp và đoàn kết thì dân tộc mới trường tồn, chia rẽ bè cánh sẽ đẩy chúng ta đến bờ vực, đến hang hùm miệng rắn.

RELATED ARTICLES

Tin mới