Một số trường đại học tại Trung Quốc đã hạn chế số lượng học sinh Triều Tiên theo học và thậm chí còn liệt đơn xin nhập học của sinh viên Triều Tiên vào danh sách đen sau khi Bình Nhưỡng liên tiếp cho thử tên lửa và hạt nhân.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ăn mừng sau một vụ phóng thử thành công tên lửa đạn đạo.
Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) cho hay, theo một nhân viên tuyển sinh tại một trường đại học ở Bắc Kinh, ngôi trường này đã cắt giảm số lượng sinh viên Triều Tiên theo học đặc biệt là đối với các ngành đào tạo vật lý và khoa học. Cũng theo vị này, đây là chỉ đạo của chính quyền Trung Quốc song không nói rõ cấp nào ra lệnh.
Ngoài ra, hoạt động giám sát cũng được tăng cường đối với các sinh viên Triều Tiên theo học tại các trường đại học Trung Quốc sau khi Bình Nhưỡng cho thử hạt nhân lần thứ 6 vào đầu tháng này.
“Đối với các sinh viên đang theo học trong trường, chúng tôi không thể yêu cầu họ về nước. Do đó, mỗi sinh viên đều có nhân viên an ninh đi theo và giám sát kết hợp với các biện pháp nghiệp vụ để ngăn những sinh viên này đánh cắp các tài liệu quan trọng về nước”, SCMP dẫn lời vị quan chức trên.
Cũng theo ông này, một vài tân sinh viên Triều Tiên đã tới Trung Quốc và nhập học vào tháng trước. “Nếu vụ thử hạt nhân lần thứ 6 diễn ra sớm hơn, tôi tin chắc những học sinh này sẽ không được nhập học ở Trung Quốc”, ông này chia sẻ.
Mặc dù chương trình tuyển sinh bổ sung được bắt đầu vào tháng Tư nhưng theo ông này, ngôi trường nơi ông làm việc đã cho dừng nhận hồ sơ xin học của các sinh viên Triều Tiên để tránh mang lại “rắc rối” cho trường.
Còn theo một nhân viên tuyển sinh tại Đại học Công nghệ và Khoa học Cáp Nhĩ Tân, ngôi trường này đã nhận được nhiều lời phàn nàn từ phía Triều Tiên do từ chối nhận sinh viên nước này vào học.
“Một số sinh viên Triều Tiên đã rất tức giận trước việc đơn xin nhập học bị các trường đại học Trung Quốc từ chối. Họ đã gửi đơn khiếu nại lên đại sứ quán Triều Tiên ở Trung Quốc. Đại sứ quán Triều Tiên cũng đã đưa ra câu hỏi liệu Trung Quốc đang phân biệt đối xử với các sinh viên nước ngoài. Chúng tôi đã trả lời rằng, các đơn xin nhập học này không đáp ứng được tiêu chuẩn mà chương trình đào tạo đề ra”, nhân viên tuyển sinh ở Đại học Cáp Nhĩ Tân cho hay.
Tuy nhiên, chia sẻ với SCMP, nhân viên này cũng thừa nhận rằng, trường Cáp Nhĩ Tân đã thi hành chính sách từ chối sinh viên Triều Tiên trước khi Bình Nhưỡng cho thử hạt nhân lần thứ 6.
Cũng theo người này, sau khi Bình Nhưỡng cho thử hạt nhân lần thứ 6, giới chức chính quyền Bắc Kinh đã liên tiếp gọi điện để hỏi về số lượng sinh viên Triều Tiên đang theo học tại trường Cáp Nhĩ Tân. Ông này cũng khẳng định sinh viên Triều Tiên không phải là những người duy nhất bị trường Cáp Nhĩ Tân từ chối nhận học bởi “một số quốc gia nhạy cảm khác” cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự.
Về phần mình, đại sứ quán Triều Tiên tại Bắc Kinh từ chối bình luận về những thông tin SCMP đã đưa.
Còn theo một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Bắc Kinh đang thi hành các lệnh trừng phạt mà Liên Hợp Quốc áp đặt với Bình Nhưỡng song không nhắc tới việc Trung Quốc phân biệt đối xử với sinh viên Triều Tiên.
“Trung – Triều là hai quốc gia láng giềng thân thiết. Hai bên vẫn duy trì các hoạt động trao đổi và hợp tác thông thường”, tuyên bố từ phía Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh.
Bắc Kinh đã cho triển khai chương trình đào tạo cho các nhà khoa học Triều Tiên vào năm 2013. Chương trình này đào tạo cho các sinh viên nhận bằng tiến sĩ tại một số trường đại học và viện nghiên cứu chuyên ngành công nghệ quốc phòng hàng đầu của Trung Quốc như Viện Công nghệ Cáp Nhĩ Tân. Trong đó, lứa sinh viên Triều Tiên theo học tại Viện Công nghệ Cáp Nhĩ Tân đã nhập học vào tháng Bảy năm nay.
Mặc dù con số chính thức không được công bố song theo dự đoán, số lượng sinh viên Triều Tiên theo học tại Trung Quốc hiện lên tới vài ngàn người.
Sự hiện diện của một số sinh viên Triều Tiên tại các viện nghiên cứu trong những lĩnh vực bị coi là nhạy cảm tại Trung Quốc đã khiến không ít người dân nước này lo ngại.
“Tôi cho rằng chính phủ Trung Quốc đã phạm sai lầm trong việc quyết định đào tạo cho các nhà khoa học Triều Tiên. Hành động này không khác gì ‘gậy ông đập lưng ông'”, một nhà nghiên cứu giấu tên ở Bắc Kinh chia sẻ.
Trước đó, hồi tháng Ba, chia sẻ với SCMP, ông Qin Yong, Phó Giám đốc Trung tâm sinh viên quốc tế ở Viện Công nghệ Cáp Nhĩ Tân cho hay, chính phủ Trung Quốc đã thi hành các biện pháp thắt chặt an ninh để bảo vệ bí mật công nghệ quân sự cũng như đối với các sinh viên và nhà nghiên cứu nước ngoài để tránh nguy cơ tiếp cận nguồn thông tin nhạy cảm.
“Chúng tôi chỉ có thể đảm bảo rằng, họ không thể tiếp cận các tài liệu và cơ sở nhạy cảm trong phạm vi trường học. Tuy nhiên, họ có thể lấy thông tin từ nhiều nguồn khác như internet mà chúng tôi không thể kiểm soát được”, ông Qin nói.
Hồi đầu năm, Giáo sư chuyên ngành toán học tại Viện Cáp Nhĩ Tân, ông Chen Minghao cho hay, các sinh viên Triều Tiên có “nền tảng kiến thức vững” về toán học trước khi đặt chân tới Trung Quốc.
“Nền giáo dục ở Triều Tiên đã giúp họ có được những kỹ năng và kiến thức cơ bản. Họ cũng học tập chăm chỉ hơn rất nhiều so với sinh viên Trung Quốc và dành phần lớn thời gian trong phòng thí nghiệm cũng như thư viện. Họ làm tôi nhớ tới thời sinh viên Trung Quốc theo học ở nước ngoài trong thập niên 80”, ông Chen chia sẻ.