Mục tiêu cuối cùng của chúng ta là thiết lập cân bằng thực lực với Mỹ, để các lãnh đạo Hoa Kỳ không dám nói về lựa chọn quân sự.
Hệ thống đánh chặn tên lửa bố trí ở ngoại ô Tokyo, Nhật Bản để đối phó với Triều Tiên, ảnh: AP.
South China Morning Post ngày 16/9 đưa tin, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã tuyên bố, ông sẽ hoàn thành chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng để tìm cách đạt được “cân bằng quân sự” với Hoa Kỳ.
Ông đã cho bắn một quả tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-12 từ Bình Nhưỡng bay qua không phân Hokkaido, Nhật Bản ra Thái Bình Dương hôm thứ Sáu.
Đây là động thái phản ứng lại nghị quyết trừng phạt mới của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đối với vụ thử hạt nhân lần thứ 6 mà Triều Tiên thử hôm 4/9.
KCNA, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên bình luận:
“Mục tiêu cuối cùng của chúng ta là thiết lập cân bằng thực lực với Mỹ, để các lãnh đạo Hoa Kỳ không dám nói về lựa chọn quân sự với Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên.”
Ông Kim Jong-un nói rằng, Triều Tiên đã gần hoàn thành tham vọng hạt nhân của mình và sẽ hoàn thành nhiệm vụ này. Quả tên lửa phóng hôm thứ Sáu đã làm tăng sức chiến đấu của lực lượng hạt nhân Triều Tiên.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi Mỹ – Nhật đàm phán với Triều Tiên, đó là cách duy nhất để giải quyết căng thẳng.
Washington và Tokyo thì kêu gọi tăng cường áp lực bằng trừng phạt nhiều hơn nữa, thay vì đàm phán.
Nga và Trung Quốc thứ Hai ngày 11/9 đã ủng hộ một nghị quyết Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc do Mỹ soạn thảo, để áp dụng lệnh trừng phạt mới với Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên hai nước vẫn duy trì quan điểm đối thoại là cần thiết để xoa dịu cuộc khủng hoảng.
Các biện pháp trừng phạt của nghị quyết này ngừng cấp phép cho lao động mới từ Triều Tiên, cấm vận ngành dệt may và đặc biệt là hạn chế vận chuyển các sản phẩm dầu mỏ đến quốc gia này.
Trong một bản tin khác, South China Morning Post dẫn lời ông Thôi Thiên Khải, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ, bày tỏ lo ngại khả năng lây lan vũ khí hạt nhân ở Đông Bắc Á:
“Nó chỉ có thể khiến cho mọi thứ tồi tệ hơn nhiều. Chúng tôi chắc chắn phản đối sự tồn tại của vũ khí hạt nhân ở bất cứ nơi đâu trên bán đảo Triều Tiên, bất cứ đâu.”
South China Morning Post tin rằng, phát biểu của ông Khải là nhắm vào Nhật Bản, Hàn Quốc trước mối lo ngại về năng lực hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên tuần trước Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Song Young-moo trả lời Quốc hội nước này rằng, một số nhà lập pháp và truyền thông đã làm nóng dư luận về tái triển khai vũ khí hạt nhân trên bán đảo.
Ông cho rằng: “Việc triển khai các vũ khí hạt nhân chiến thuật của Hoa Kỳ là một sự thay thế tương xứng với một báo cáo đánh giá đầy đủ.”
Vũ khí hạt nhân chiến thuật có thể bao gồm các tên lửa tầm ngắn, các loại đạn pháo và thiết bị quân sự khác có đầu đạn hạt nhân.
Hoa Kỳ đã triển khai khoảng 100 vũ khí hạt nhân chiến thuật tại Hàn Quốc cho đến năm 1991.
Đại sứ Hàn Quốc tại Washington Ahn Ho-yong nói với South China Morning Post: “Đó là bàn tán của công chúng. Còn chính phủ có một lập trường rất vững chắc. Chúng tôi không xem xét chuyện đó.”
Trong khi đó Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Shigeru Ishiba cũng đặt câu hỏi về nguyên tắc nước mình không sản xuất, sở hữu hay triển khai vũ khí hạt nhân có phải là rào cản trước đe dọa từ Bình Nhưỡng?
Ông lập luận rằng, tại sao Nhật Bản chấp nhận chiếc ô hạt nhân của Mỹ, nhưng Nhật Bản lại không thể có vũ khí hạt nhân, điều này có đúng không?
Thư ký Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga sau đó nói rằng, chính phủ Nhật không thảo luận vấn đề này cho đến nay và trong tương lai cũng vậy.
Abraham Denmark, cựu Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ bình luận trên Twitter về phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Nhật:
Điều đó không phải dấu hiệu Nhật Bản thay đổi lập trường. Nó chỉ phản ánh sự lo ngại và giảm sút niềm tin vào Mỹ.
Về phía Hoa Kỳ, CNN ngày 16/9 đưa tin, vụ phóng tên lửa của Triều Tiên hôm thứ Sáu đã khơi lại các cuộc thảo luận về sử dụng giải pháp quân sự của chính quyền Donald Trump.